Để có thể thực hiện chiến lược marketing xuất khẩu nêu trên, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Khánh Hòa cần nghiên cứu thực hiện một số kiến nghị sau đây:
Đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, chưa có phòng marketing, cần sớm hình thành phòng marketing, trong đó có bộ phận marketing xuất khẩu để xây dựng, theo dõi việc thực hiện chiến lược và kế hoạch marketing xuất khẩu. Riêng các tập đoàn có thể tổ chức công ty xuất nhập khẩu để đảm nhận việc kinh doanh xuất nhập khẩu, nghiên cứu và hoạch định chiến lược thâm nhập thị trường.
Đối với doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu nhỏ, mới kinh doanh xuất khẩu, chỉ cần hình thành một bộ phận làm marketing xuất khẩu trực thuộc phòng kinh doanh. Tùy theo tình hình mở rộng thị trường và quy mô xuất khẩu mà tiến tới chuyển từ tổ marketing này thành phòng marketing.
Tuyển chọn người làm marketing xuất khẩu.
Tuyển chọn người làm marketing xuất khẩu là một hoạt động sẽ quyết định chiến lược và kế hoạch marketing xuất khẩu cá ngừ có triển khai được hay không. Những người làm trong công tác này phải là những người tốt nghiệp từ các trường đại học có chuyên ngành về marketing, thương mại, ngoại thương, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh. Chuyên viên marketing xuất khẩu phải vừa giỏi chuyên môn và vừa giỏi ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh). Các doanh nghiệp nên thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ hoặc gởi các chuyên viên này đi đào tạo nâng cao ở các trường đại học, những tổ chức chuyên huấn luyện về marketing, các lớp tập huấn của Bộ Công thương, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam, Hiệp hội cá ngừ Phú Yên về nghiên cứu thị trường xuất khẩu, hoạch định chiến lược marketing xuất khẩu cho cá ngừ Khánh Hòa.
Đầu tư một khoản ngân sách thích đáng cho hoạt động marketing xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Khánh Hòa cần nhận thức đầy đủ vai trò của hoạt động marketing xuất khẩu và đầu tư ngân sách nhằm triển khai hoạt động này trong doanh nghiệp. Không thể nói đến việc làm ăn bài bản chuyên nghiệp và bền vững ở thị trường nước ngoài mà không có tổ chức marketing một cách chuyên nghiệp. Khoản ngân sách đầu tư nghiên cứu thị trường cũng cần tương xứng với những nội dung nghiên cứu, đặc biệt chú trọng thêm nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh trong nước và nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm cũng như tìm ra giải pháp cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ này.
ngừ chả cám surimi, thay vì chỉ xuất khẩu cá ngừ sống, cá ngừ tươi, cá ngừ đông lạnh.
Bảo đảm cá ngừ xuất khẩu của mỗi doanh nghiệp đạt được chứng chỉ đầy đủ cho phép xuất khẩu sang các thị trường mục tiêu, như HACCP đối với thị trường Hoa Kỳ, hay mới nhất là EII đối với thị trường EU, JAS đối với thị trường Nhật Bản.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Khánh Hòa liên kết với Hiệp hội cá ngừ Khánh Hòa tiến hành chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để đệ trình cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho cá ngừ Khánh Hòa như Phú Yên từng thực hiện, bước đi này sẽ giúp mức độ nhận diện thương hiệu cá ngừ Khánh Hòa tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm cá ngừ của riêng từng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Khánh Hòa thực hiện liên kết với một số công ty nước ngoài tiềm năng tại thị trường các nước nhập khẩu cá ngừ để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm cá ngừ của doanh nghiệp mình cũng như có cơ hội học hỏi kinh nghiệm chế biến, quản lý xuất nhập khẩu.
Thúc đẩy các tổng công ty, công ty xuất khẩu cá ngừ Khánh Hòa thực hiện liên kết ngang, liên kết dọc và liên kết giữa các địa phương với nhau.
Các tổng công ty, công ty cần quan tâm tổ chức liên kết dọc với đơn vị sản xuất nhằm tạo nguồn hàng xuất khẩu ổn định, chất lượng được kiểm soát. Liên kết ngang với những đơn vị cùng ngành hàng để qua đó cùng tổ chức xây dựng địa điểm kinh doanh, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu cá ngừ. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ liên kết với nhà sản xuất trong việc chủ động tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm cá ngừ xuất khẩu, cùng nhau tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời cũng là một minh chứng cho liên kết dọc.