tại tỉnh Khánh Hòa
Ðể sản phẩm cá ngừ Việt Nam trở thành một thương hiệu mạnh, có vị thế trên thị trường thế giới và có hướng phát triển bền vững, có rất nhiều vấn đề cần được tập trung giải quyết, từ các khâu đánh bắt cho tới bảo quản, xuất khẩu cũng như xây dựng, bảo vệ thương hiệu.
Toàn tỉnh hiện có trên 500 tàu cá công suất 90CV trở lên đăng ký vào các tổ, nhóm đoàn kết tổ chức sản xuất trên biển. Các địa phương đã thành lập được 104 tổ, mỗi tổ từ 3 tàu cá trở lên, chuyên đánh bắt xa bờ thuộc ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa và DK1. Tổ đội sản xuất được thành lập trên cơ sở nhóm nghề cùng ngư trường, nhóm cùng nghề có quan hệ ruột thịt hoặc cùng địa bàn dân cư. Trong quá trình hoạt động, họ hỗ trợ nhau về vốn sản xuất, nhân lực, cứu nạn khi gặp rủi ro, cung cấp cho nhau thông tin về ngư trường, nguồn lợi. Nhờ thế, họ phát huy được sức mạnh tập thể trên biển, hạn chế nhiều rủi ro, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Ngoài ra, lợi ích kinh tế cũng tăng lên nhờ có sự trao đổi về hậu cần, vận chuyển sản phẩm vào bờ và ngược lại, làm cho thời gian bám biển tăng, giảm chi phí dầu, nước đá. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, các mô hình chỉ mang tính chất hỗ trợ, giải quyết được vấn đề đầu vào, chưa tính đến đầu ra cũng như chất lượng sản phẩm nên hiệu quả kinh tế chưa bền vững.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần điều tra, đánh giá đúng tiềm năng, hiệu quả kinh tế của người tham gia sản xuất, kinh doanh cá ngừ đại dương để có giải pháp sắp xếp, quản lý, đầu tư phù hợp. Ngoài việc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển nghề này, cần liên kết các chủ tàu thành các tổ hợp, hợp tác xã để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, dò tìm luồng cá, đặc biệt là giảm chi phí di chuyển ngư trường và ra vào bờ bán cá, tiếp nhiên liệu,… Đồng thời, có chính sách hỗ trợ ngư dân trong khâu kỹ thuật, bảo quản nguyên liệu, tìm hiểu ngư trường, quản lý các cơ sở thu mua, chống tình trạng tư thương ép giá. Có như vậy, nghề câu cá ngừ đại dương mới phát triển bền vững.