Nhiều nghiên cứu ghi nhận mức độ và thời gian tăng huyết áp kéo dài ảnh hưởng đến sự phân bố và gia tăng đạm niệu vi lượng dương tính. Các nghiên cứu trong nước như Trịnh Xuân Tráng nhận xét đạm niệu vi lượng dương tính tăng theo mức độ tăng huyết áp, thời gian mắc bệnh tăng huyết áp càng kéo dài, tỷ lệ xuất hiện đạm niệu vi lượng dương tính càng lớn [31]; nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Nga trên bệnh nhân đái tháo đường tăng huyết áp cũng có nhận xét tương tự, tại thời điểm khảo sát tỷ lệ đạm niệu vi lượng dương tính là 7,3% thì sau 10 năm tăng lên 25% [24]. Hitha nghiên cứu ở Ấn Độ cũng nhận xét tần suất đạm niệu vi lượng dương tính tăng từ 7,3% đến 64% trong thời gian mắc bệnh dưới 5 năm đến trên 10 năm [45]. Nghiên cứu của chúng tôi có kết quả tương đồng với các ghi nhận trên đây cả về mức độ và thời gian tăng huyết áp so với đạm niệu vi lượng dương tính. Tăng huyết áp dưới 5 năm đạm niệu dương tính 32,4%, từ 5- 10 năm đạm niệu vi lượng dương tính 51,3%, và trên 10 năm đạm niệu vi lượng dương tính 42,9%. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê về tình trạng đạm niệu dương tính và thời gian mắc bệnh tăng huyết áp. Bệnh nhân có thời gian mắc bệnh tăng huyết áp dưới 5 năm có tỷ lệ đạm niệu dương tính thấp hơn nhóm bệnh nhân trên 10 năm (p= 0,004). Liên quan đến đạm niệu vi lượng dương tính và tình trạng điều trị tăng huyết áp. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận bệnh nhân đạm niệu vi lượng dương tính có 53 bệnh nhân điều trị tăng huyết chiếm 31,2%, không điều trị tăng huyết áp 36 bệnh nhân, chiếm 45,8%, tỷ lệ đạm niệu dương tính cao hơn nhóm bệnh nhân có điều trị tăng huyết, khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0.05).
Liên quan đến đạm niệu vi lượng và giới tính, nhóm khảo sát của chúng tôi ghi nhận bệnh nhân Nữ có tỷ lệ đạm niệu dương tính 42,7% cao hơn bệnh nhân Nam chiếm tỷ lệ 32,1%. Tuy nhiên khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Liên quan đến đạm niệu vi lượng và nhóm tuổi, qua khảo sát nhóm chúng tôi ghi nhận không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa tỷ lệ đạm niệu vi lượng dương tính với nhóm tuổi nghiên cứu.