Khả năng đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu của vịt đối với virus dịch tả vịt thể hiện bằng sự sản sinh các chất miễn dịch không đặc hiệu, bao gồm:
* Interferon: Là một chất do tế bào sinh ra có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus bằng cách giải thoát sự khống chế việc tổng hợp protein kháng virus. Protein này có khả năng khống chế sự phiên dịch các thông điệp của virus ở Ribosome của tế bào.
Jansen khi nghiên cứu về vai trò của Interferon và hiện tượng cản nhiễm đã chứng minh vacxin còn phát huy tác dụng ngay cả khi vịt đã bị nhiễm virus dịch tả vịt cường độc trước khi tiêm vacxin. Nếu nhiễm virus cường độc dịch tả vịt trước 4 giờ thì trong 10 vịt được can thiệp bằng vacxin sẽ sống 8 con. Nếu can thiệp vacxin lúc vịt nhiễm virus trước 8 giờ, 15 vịt phát bệnh nhưng còn sống 3 con. Nếu vịt bị nhiễm bệnh từ 16 giờ trở lên, dù tiêm vacxin vịt vẫn không được bảo hộ. Như vậy rõ ràng interferon có vai trò quan trọng trong việc chống lại sự nhân lên của virus dịch tả vịt và hiện tượng cản nhiễm là cơ sở khoa học cho việc can thiệp vacxin vào ổ dịch để nhanh
Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 17
chóng dập tắt dịch.
* Tế bào NK: Tăng cường hoạt động diệt những tế bào đã bị nhiễm virus do chúng có một phần tử KIR (Killer cell Inhibitory Receptor) có tác dụng giúp chúng tiếp xúc với tế bào đích (tế bào bị nhiễm virus) làm ức chế tín hiệu hoạt hoá và dung giải tế bào đích.
* Các loại bổ thể có vai trò khởi phát viêm và opsonin hoá các yếu tố
gây bệnh. Từ đó tạo điều kiện cho các tế bào thực bào bắt nuốt, tiêu diệt và trình diện kháng nguyên.