Lý thuyết lập luận

Một phần của tài liệu Xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng lập luận cho học sinh lớp 4 qua giờ tập làm văn luận văn thạc sĩ khoa học g (Trang 27 - 35)

7. Cấu trúc luận văn

1.4.1. Lý thuyết lập luận

1.4.1.1. Khái niệm lập luận

- “Lập luận là đưa ra lí lẽ nhằm dẫn dắt người nghe đến một kết luận nào đấy mà người nói muốn đạt tới” [4.155].

- “Lập luận là một hoạt động ngôn từ. Bằng công cụ ngôn ngữ, người nói đưa ra những lí lẽ nhằm dẫn dắt người nghe đến một hệ thống xác tín nào đó, rút ra một (một số) kết luận hay chấp nhận một (một số) kết luận nào đó” [6.165].

- Lập luận là người nói hay người viết đưa ra một hay một số lí lẽ mà người ta gọi là luận cứ nhằm dẫn dắt người đọc hay người nghe đến một kết luận nào đó mà người nói, người viết muốn hướng tới [11.141].

- Lập luận là chiến lược hội thoại nhằm dẫn dắt người nghe đến một kết luận mà người nói đưa ra hoặc có ý định dẫn người nghe đến kết luận ấy” [3.137].

Như vậy, dù diễn đạt bằng cách nào thì các nhà nghiên cứu đều có điểm thống nhất rằng: lập luận là đưa ra những lí lẽ để người cùng giao tiếp đi

đến một kết luận hoặc chấp nhận một kết luận mà người nói (người viết) muốn hướng tới.

1.4.1.2. Những vấn đề cơ bản của lập luận

a. Cấu trúc của lập luận

Một lập luận thường gồm hai phần: luận cứ và kết luận.

Luận cứ là nội dung được diễn đạt bằng các phát ngôn. Luận cứ có thể là thông tin miêu tả hay một định luật, một nguyên lí xử thế nào đấy. Có thể sơ đồ hóa quan hệ lập luận giữa các nội dung phát ngôn như sau:

p - 3 r

Trong đó: p là lí lẽ hay luận cứ. r là kết luận. 3 là quan hệ định hướng lập luận. Các thành phần của lập luận có quan hệ với nhau gọi là quan hệ lập luận. Đó có thể là quan hệ giữa luận cứ với luận cứ, giữa luận cứ với kết luận, giữa hai hay nhiều lập luận trong một đoạn văn.

Ví dụ: Trời mưa to(p) nên(3) lớp được nghỉ học(r) b. Các quan hệ lập luận và hiệu lực của lập luận

Trong lập luận, giữa các luận cứ với nhau, giữa các luận cứ và kết luận hay giữa hai hay nhiều lập luận với nhau trong một diễn ngôn hay một phát ngôn có quan hệ chặt chẽ. Quan hệ này biểu hiện ở hai khả năng:

- Quan hệ đồng hướng xảy ra khi q và p đều cùng hướng tới một kết luận chung hoặc + hoặc -. Ta kí hiệu quan hệ đồng hướng:

p - 3 r q - 3 r

Ví dụ: p: Nga thích giúp đỡ bạn bè

q: Nga chăm chỉ

r: Nên Nga được bạn bè yêu mến

Ta nói p, q có quan hệ đồng hướng vì đều hướng đến một kết luận nên được mọi người yêu mến.

- Quan hệ nghịch hướng xảy ra khi p hướng tới r, còn q hướng tới -r, trong đó r và - r phải cùng một phạm trù, nói cách khác, - r là phủ định của r. Ta kí hiệu:

p - 3 r q - 3 - r

Ví dụ: p: Nga thích giúp đỡ bạn bè- r nên được bạn bè yêu mến

q: Nga hay bắt nạt bạn bè - - r nên bị bạn bè xa lánh

Trong quan hệ đồng hướng và nghịch hướng, các luận cứ có thể có quan hệ với nhau theo hai dạng: tương hợp và không tương hợp. Quan hệ tương hợp khi chúng thuộc cùng một phạm trù. Quan hệ không tương hợp khi chúng khác phạm trù.

Trong ví dụ trên, p và q có quan hệ tương hợp vì chúng đều nói về thuộc tính của người học sinh (p:Nga thích giúp đỡ bạn bè, q: Nga chăm chỉ).

Còn ví dụ sau đây:

p: Nga thích giúp đỡ bạn bè q: Quyển sách này hay

p và q có quan hệ khác phạm trù vì chúng độc lập với nhau: p hướng đến đặc điểm của Nga, còn q hướng đến quyển sách

b2. Hiệu lực lập luận

Xét theo quan hệ định hướng lập luận, các luận cứ có thể có hiệu lực lập luận khác nhau, có nghĩa là p có sức mạnh đối với kết luận (hoặc - r) lớn hơn q hoặc ngược lại. Luận cứ có hiệu quả lập luận mạnh hơn thường đặt ở sau luận cứ có hiệu quả lập luận yếu hơn. So sánh hai lập luận:

- Tuấn thông minh nhưng lười - học không giỏi

- Tuấn lười nhưng thông minh - học (vẫn) giỏi

Hai lập luận này đều sử dụng luận cứ như nhau đó là thông minh và lười nhưng vị trí sau trước khác nhau nên cho kết luận khác nhau.

Khi lập luận ta có thể lựa chọn nhiều luận cứ có quan hệ khác nhau. Trong một lập luận, có thể có lí lẽ đồng hướng và nghịch hướng, cùng phạm trù hoặc khác phạm trù. Tuy nhiên, các luận cứ khác nhau sẽ có hiệu lực lập luận khác nhau, do đó, cần phải biết lựa chọn và sắp xếp các luận cứ một cách hợp lí. Hiệu lực của lập luận được quyết định bởi lí lẽ nằm gần nó nhất, cho nên những lập luận nghịch hướng, luận cứ nào có hiệu lực càng mạnh thì nên đặt càng gần với kết luận.

c. Phương tiện ngôn ngữ định hướng lập luận

c1. Tác tử lập luận

Trong phát ngôn, ngoài các từ miêu tả còn có các từ phi miêu tả (các phụ từ, các tình thái từ). Những từ này được người nói, người viết dùng để chuẩn bị cho một kết luận được hướng tới. Các từ đó được gọi là tác tử lập luận. Hay nói cách khác, “Tác tử lập luận là một yếu tố khi đưa vào một nội dung miêu tả nào đấy sẽ làm thay đổi tiềm năng lập luận của nó, độc lập với thông tin miêu tả độc lập của nó” [4,180]

- Bây giờ đã chiếu phim rồi - Bây giờ mới chiếu phim thôi

thì mới, đã là tác tử lập luận. Nếu đã hướng tới kết luận đánh giá muộn thì

mới hướng đến kết luận đánh giá sớm.

Một số tác tử thường được sử dụng như: chỉ, những, là ít, là nhiều, lận, hà… Ví dụ:

- Quyển sách này mình mua chỉ có hai mươi nghìn thôi. - Quyển sách này mình mua những hai mươi nghìn đấy. - Bài này có 4 cách giải là ít.

- Bài này có 4 cách giải là nhiều.

Chỉ, là nhiều chuyển những thông tin miêu tả tương ứng thành luận cứ hướng về kết luận điểm thấp, ít; còn tác tử những, là ít hướng kết kết luận về phía điểm cao, nhiều.

c2. Các dấu hiệu giá trị học

Trong tiếng Việt, ngoài các phụ từ, các tiểu từ tình thái, việc khai thác các thực từ đúng cách cũng có giá trị định hướng lập luận, do vậy chúng được xem là những dấu hiệu giá trị học. Theo hướng này, có ba cách khai thác thực từ để định hướng lập luận:

- Lựa chọn các chi tiết miêu tả cùng chủ đề

“Hoa mận vừa tàn thì mùa xuân đến. Bầu trời ngày thêm xanh. Nắng vàng ngày càng rực rỡ. Vườn cây lại đâm chồi, nảy lộc. Rồi vườn cây ra hoa. Hoa bưởi nồng nàn. Hoa nhãn ngọt. Hoa cau thoảng qua. Vườn cây lại đầy tiếng chim và bóng chim bay nhảy. Những thím chích chòe nhanh nhảu. Những chú khướu lắm điều. Những anh chào mào đỏm dáng. Những bác cu gáy trầm ngâm…”

Trong đoạn văn trên, các chi tiết về bầu trời như: trời càng thêm xanh, nắng vàng rực rỡ; về mùi hương các loài hoa: hoa bưởi nồng nàn, hoa nhãn ngọt, hoa cau thoảng qua; tính cách các loài chim:chích chòe nhanh nhảu, khướu lắm điều, chào mào đỏm dáng, bác cu gáy trầm ngâm đều nhằm đến một kết luận đó là báo hiệu mùa xuân đến.Vì vậy chúng là những dấu hiệu giá trị học định hướng lập luận.

- Sắp xếp các chi tiết miêu tả theo trình tự trước sau có chủ hướng. Bên cạnh việc lựa chọn các chi tiết miêu tả cùng chủ đề, việc sắp xếp các thành tố lập luận theo trình tự trước sau khác nhau cũng là một cách định hướng lập luận quan trọng. Xét hai phát ngôn sau:

+ Cảnh vật nơi đây hơi hiu quạnh nhưng đẹp. + Cảnh vật nơi đây đẹp nhưng hơi hiu quạnh.

Hai phát ngôn này khác nhau về trật tự các tình tiết. Nếu phát ngôn thứ nhất: Cảnh vật nơi đây hơi hiu quạnh nhưng đẹp hướng đến kết luận khen thì phát ngôn thứ hai: Cảnh vật nơi đây đẹp nhưng hơi hiu quạnh.lại hướng đến kết luận ngược lại. Sự khác nhau này là do sự khác nhau về vị trí của các thành tố miêu tả tạo nên.

Sự khác nhau về các trật tự tuyến của các yếu tố ngôn ngữ trong câu có tác dụng nêu tên sự khác nhau về thời gian trước sau của hành động, sự kiện được miêu tả, về ý nghĩa nguyên nhân: kết quả, về ý nghĩa chủ động - bị động… từ đó dẫn đến hệ quả khác nhau về hướng lập luận.

- Chọn các từ miêu tả cùng trường nghĩa.

Từ cùng trường nghĩa là những từ có quan hệ với nhau về nghĩa, có thể là những từ đồng nghĩa, gần nghĩa, trái nghĩa. Trong cùng một đoạn văn, hiện tượng xuất hiện liên tục và nối tiếp các từ cùng trường nghĩa sẽ giúp cho đối tượng hiện lên một cách toàn diện, rõ ràng, do vậy hướng đến kết luận được rút ra là duy nhất, tất yếu mà không thể khác hơn được.Ví dụ:

“Tôi nhìn em.Một em bé gầy, tóc húi ngắn, hai túi của chiếc áo cánh nâu trễ xuống đến tận đùi như đã từng phải đựng nhiều thứ quá nặng. Quần của em chỉ ngắn tới đầu gối để lộ đôi bắp chân nhỏ luôn luôn động đậy. Tôi đặc biệt chú ý đến đôi mắt của em, đôi mắt sáng và xếch lên khiến người ta có ngay cảm giác là một em bé vừa thông minh vừa gan dạ”

(Vũ Cao - Tiếng Việt 4, tập 1)

Trong đoạn văn trên, những từ tóc húi ngắn, bắp chân nhỏ luôn động đậy, đôi mắt sáng và xếch lên làm hiện lên một cách sinh động về hình ảnh của chú bé liên lạc. Đó là một chú bé cá tính, nhanh nhẹn, thông minh, gan dạ; người đọc không thể rút một kết luận ngược lại về chú bé liên lạc được.

Ví dụ khác, so sánh các phát ngôn sau:

+ Cô ấy rất cao + Cô ấy cao ráo + Cô ấy cao nhòng

Nếu phát ngôn thứ nhất có thể hướng đến một kết luận khen hoặc chê, thì phát ngôn thứ hai chỉ có thể hướng đến kết luận khen và phát ngôn thứ ba chỉ hướng đến kết luận chê. Sự khác nhau ấy là do sự chi phố của sắc thái biểu cảm trong các từ cao, cao ráo, cao nhòng. Do vậy, lựa chọn các từ đồng nghĩa có các nét nghĩa, các sắc thái biểu cảm khác nhau cũng có những tác dụng định hướng lập luận.

Ngoài ra, các từ xưng hô, các biện pháp tu từ như nói giảm, nói quá… cũng giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng lập luận. Ví dụ:

O du kích nhỏ giương cao súng

Thằng Mĩ lênh khênh bước cúi đầu

(Tố Hữu) Từ o để gọi cô gái nhỏ thể hiện sự cảm phục đối với cô gái, ngược lại từ thằng dùng để gọi giặc Mĩ đã ngầm hướng người đọc đến kết luận ngược

lại, đó là sự căm ghét, khinh thường đối với kẻ thù. Do đó, kết luận được rút ra là tất yếu, duy nhất.

d. Phương tiện ngôn ngữ nối kết các thành tố lập luận

Như trên đã nói, một lập luận có thể có một hoặc nhiều luận cứ và kết luận. Để nối kết các thành tố lập luận với nhau, người nói (người viết) cần sử dụng những yếu tố ngôn ngữ công cụ, đó là kết tử. Kết tử lập luận là những yếu tố nối kết hai hoặc một số phát ngôn thành một lập luận duy nhất. Nhờ kết tử mà các phát ngôn trở thành luận cứ hay kết luận của lập luận.

Để phân loại các kết tử, người ta có thể dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Dựa vào chức năng có thể chia kết tử dẫn nhập luận cứ và kết tử dẫn nhập kết luận

- Kết tử dẫn nhập luận cứ (hay lí lẽ) là kết tử dùng để đưa một nội dung (hay một hành động tại lời) vào làm luận cứ cho lập luận. Cụ thể như: vì, tại vì, lại, vả lại, hơn nữa, chẳng những…mà còn, đã…lại…

Ví dụ: Trong lớp ai cũng quý Lan vì bạn ấy học giỏi lại hay giúp đỡ bạn bè.

- Kết tử dẫn nhập kết luận là kết tử dùng để đưa một nội dung (hoặc một hành động ngôn ngữ) đóng vai trò kết luận vào lập luận. Cụ thể như: thì, nên, cho nên, vậy, dù thế nào, dù sao cũng…

Ví dụ: Tôi ốm nên không đi học được.

Dựa vào quan hệ lập luận, có thể chia các kết tử thành kết tử đồng hướng và kết tử nghịch hướng.

- Những kết tử đồng hướng như: và, hơn nữa, thêm vào đó, vả lại, lại còn, đã … lại, chẳng những … mà còn, thật vậy, nữa là, …

Ví dụ: Minh chẳng những học giỏi mà còn hay giúp đỡ mọi người.

- Những kết tử nghịch hướng như: nhưng, thế mà, thực ra, tuy nhiên, tuy vậy, tuy… nhưng, …

Ví dụ: Mùa đông tuy khắc nghiệt nhưng vẫn có sắc thái riêng làm lòng người như muốn xích lại gần nhau cho thêm ấm áp.

Một phần của tài liệu Xây dựng hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng lập luận cho học sinh lớp 4 qua giờ tập làm văn luận văn thạc sĩ khoa học g (Trang 27 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w