Phân hóa từ mục tiêu dạy học

Một phần của tài liệu Vận dụng dạy phân hoá vào dạy học môn toán lớp 4 ở trường Tiểu học nước CHDCND Lào (LV thạc sĩ) (Trang 50 - 53)

Mục tiêu của biện pháp này là trên cơ sở chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ quy định của chương trình, kết hợp với hiểu biết của GV về trình độ nhận thức của HS để xây dựng mục tiêu DHPH cho phù hợp với đối tượng HS. Mục tiêu DHPH vẫn là những gì HS cần phải đạt được sau khi học xong một đơn vị bài học, nó bao gồm các thành tố:

- Hệ thống các kiến thức toán học, trong đó bao hàm cả phương pháp nhận thức kiến thức đó;

- Hệ thống các kĩ năng, kĩ xảo;

- Khả năng vận dụng kiến thức vào các tình huống toán học khác cũng như khả năng vận dụng vào thực tế cuộc sống; thái độ, tình cảm đối với môn học, đối với xã hội.

Tuy nhiên, trong DHPH, mục tiêu này cần được xây dựng theo các mức độ khác nhau, phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng học sinh.

Vì mục tiêu là cơ sở cho việc xác định nội dung chương trình, phương pháp và quy trình dạy học nên chỉ khi đã xác định được những mục tiêu tối thiểu và mục tiêu nâng cao, GV mới căn cứ vào đó để tiến hành phân hóa nội dung dạy học, thực hiện quy trình dạy học, thiết kế các các bài tập, hoạt động đánh giá phù hợp với đối tượng HS. Do đó, có thể nói đây là biện pháp đầu tiên và quan trọng mà GV cần thực hiện khi DHPH lớp học có nhiều trình độ ở tiểu học. Trong một lớp học tiểu học có nhiều trình độ, HS đa dạng về trình độ nhận thức và năng lực tư duy. Vì thế, mục tiêu dạy học đề ra không thể dành chung cho tất cả mọi đối tượng HS trong lớp. Như đã trình bày ở mục 1.2.4., xác định rõ mục tiêu dạy học là một trong những yếu tố cơ bản của DHPH và khi xây dựng mục tiêu dạy học GV cần xác định rõ những gì HS cần biết, hiểu và có thể làm được. Trong đó đảm bảo những HS có trình độ nhận thức khá - giỏi được làm việc với những vấn đề phức tạp hơn, nâng cao hơn, đòi hỏi tư duy nhiều hơn. Đây cũng là một biện pháp quan trọng trong đảm bảo dạy học môn

Toán ở tiểu học theo Chuẩn kiến thức, kĩ năng và thái độ được quy định bởi chương trình.

Phân hóa mục tiêu dạy học là nhằm xác định những mục tiêu dạy học (kiến thức, kĩ năng, thái độ) phù hợp đối với từng đối tượng HS. Đối với DHPH môn Toán ở tiểu học, điều quan trọng trong xác định rõ mục tiêu dạy học là cần xác định được những mục tiêu tối thiểu (mục tiêu dành cho đại đa số HS nhằm đạt chuẩn) và mục tiêu nâng cao (đối với những HS khá - giỏi). Để xây dựng mục tiêu dạy học theo hướng phân hóa, chúng tôi cho rằng GV cần phải thực hiện 3 bước sau:

i) Đánh giá ban đầu để phân loại trình độ và năng lực học toán của HS ii) Nghiên cứu chuẩn kiến thức, kĩ năng và thái độ của Bộ Giáo dục và Đào tạo

iii) Xây dựng mục tiêu dạy học theo hướng phân hóa.

Trước hết, để DHPH hiệu quả, GV phải nắm được trình độ, năng lực của HS; những kiến thức, kĩ năng đã có của các em liên quan tới nội dung dạy học thông qua đánh giá ban đầu. Hoạt động đánh giá ban đầu này có thể chính thức (bài kiểm tra viết, kiểm tra miệng) hoặc không chính thức (trao đổi với HS, với phụ huynh, dựa vào sự nhạy cảm và kinh nghiệm của GV…). Việc phân hóa đối tượng HS cần được thực hiện ngay từ đầu năm học và trong suốt quá trình dạy học. GV phải thường xuyên theo dõi để điều chỉnh, sắp xếp lại nhóm. Thực tế cho thấy một HS trong giai đoạn trước ở nhóm này nhưng giai đoạn sau lại chuyển sang nhóm khác do sự tiến bộ hay thụt lùi của cá nhân HS đó. Số lượng các thành viên và vai trò của mỗi HS trong nhóm có thể và nên thay đổi ở các tình huống dạy học khác nhau. Bên cạnh đó, GV phải nắm được Chuẩn kiến thức, kĩ năng và thái độ của bài học để xác định những nội dung dạy học tối thiểu mà HS cần phải và có thể đạt được sau bài học Từ đó có căn cứ để xây dựng nội dung dạy học, thiết kế các hoạt động dạy học, lựa chọn các phương pháp dạy học, hình thức dạy học phù hợp.

Ví dụ:

Ví dụ sau đây minh họa mục tiêu dạy học bài Phép cộng các số trong phạm vi 10 000” môn Toán lớp 3. Mục tiêu này được xây dựng trên cơ sở phân bậc nhận thức của Bloom, trong đó bậc 1 dành cho đối tượng HS yếu - kém; bậc 2 dành cho đối tượng HS trung bình và bậc 3 dành cho đối tượng HS khá - giỏi. Cụ thể như sau:

Bậc 1 (Nhớ): HS nêu được cách đặt tính và thực hiện quy tắc tính khi thực hện phép cộng các số trong phạm vi 10 000.

Bậc 2 (Hiểu, vận dụng): HS thực hiện được phép cộng các số trong phạm vi 10 000 và áp dụng phép cộng các số trong phạm vi 10 000 để giải các bài toán có liên quan.

Bậc 3 (Phân tích, tổng hợp, đánh giá): thực hiện thành thạo và so sánh, tổng quát hoá được cách tính các phép cộng các số có từ 1 đến 4 chữ số.

Ví dụ:

Trong thực hiện kế hoạch bài dạy: “Làm quen với số thống kê số liệu”, trên cơ sở chuẩn kiến thức của bài học, GV có thể xác định những mục tiêu dạy học dành cho HS như sau:

- Đối với HS trung bình - yếu: HS biết thu thập các thông tin, số liệu theo yêu cầu; bước đầu biết tổng hợp, xử lí các số liệu đã thu thập được.

- Đối với HS khá - giỏi: HS biết đọc, phân tích, so sánh các số liệu đã thu được. Đồng thời, có khả năng đưa ra những nhận xét và tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp tối ưu.

Khi xây dựng các mục tiêu dạy học phù hợp với từng đối tượng HS, GV cũng cần lưu ý không quá cứng nhắc trong quá trình thực hiện những mục tiêu dạy học đó. Thực tế là để phân tích những nguyên nhân và đề xuất giải pháp, đôi khi những HS có trình độ nhận thức trung bình - yếu vẫn đưa ra những ý kiến tích cực, có ý nghĩa. Vì thế, khi hướng dẫn, tổ chức HS thực hiện các nhiệm vụ dạy học, GV cần khéo léo huy động kiến thức, kĩ năng của tập thể HS trong từng nhóm để nâng cao hiệu quả dạy học.

Một phần của tài liệu Vận dụng dạy phân hoá vào dạy học môn toán lớp 4 ở trường Tiểu học nước CHDCND Lào (LV thạc sĩ) (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)