Số liệu đầu vào để đánh giá chất lượng môi trường là các số liệu quan trắc. Trong phạm vi đề tài, đối tượng nghiên cứu của luận văn là thông tin, số liệu quan trắc các thành phần nước và không khí trong lĩnh vực môi trường, gọi chung là số liệu quan trắc. Mục này sẽ tập trung phân tích hiện trạng thu thập và xử lý thông tin trong thực tiễn hiện nay.
Thực trạng số liệu quan trắc và cơ chế chia sẻ thông tin: Số liệu quan trắc môi trường về mặt quản lý bao gồm số liệu quan trắc thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và số liệu được quản lý bởi các địa phương.
Mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia: Từ sau thỏa thuận liên bộ thành lập mạng Quan trắc môi trường quốc gia cho đến nay, các trạm hoạt động nề nếp, có kế hoạch hoạt động quan trắc cụ thể và rất ít trường hợp thay đổi về chương trình quan trắc mỗi trạm. Nhìn chung, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các trạm hầu như năm sau tương tự năm trước. Với vai trò đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý số liệu quan trắc toàn mạng lưới, hàng năm, Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường tiến hành thu thập, lưu trữ và quản lý số liệu quan trắc 21 trạm trên cơ sở báo cáo đợt và báo cáo năm do các trạm gửi đến.
Mạng lưới quan trắc được quản lý bởi các địa phương: Thực hiện Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23/5/2007 của Chính phủ quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước và Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT-BTNMT-BNV ngày 27/12/2007 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 81/2007/NĐ-CP, phần lớn các địa phương đã thành lập đơn vị trực thuộc thực hiện chức năng quan trắc môi trường, theo dõi và giám sát chất lượng môi trường không khí và nước trên địa bàn của địa phương mình.
Tính đến đầu năm 2012, đã có trên 49 địa phương trong cả nước thành lập Trung tâm Quan trắc môi trường với các tên gọi khác nhau, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Chi cục Môi trường.Trong đó, tại một số địa phương có nguồn ngân sách dồi dào hoặc có sự hỗ trợ kinh phí của các dự án, tổ chức trong và ngoài nước (như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đà Nẵng...), các nguồn lực tài chính, trang thiết bị và con người đã được quan tâm đầu tư, phát triển khá mạnh. Thời gian qua, một số địa phương có những vấn đề “nóng” về môi trường (như: Lâm Đồng, Đăk Nông, An Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Ninh Thuận...) cũng đã và đang xây dựng các dự án đầu tư tăng cường năng lực quan trắc môi trường.
Như vậy, với việc đầu tư kinh phí cho quan trắc môi trường, số liệu tại các địa phương được đánh giá là khá phong phú, đa dạng. Tuy vậy, hoạt động thu thập, quản lý số liệu quan trắc tại các địa phương nhìn chung là khác nhau, chưa có quy định rõ ràng về quản lý và cung cấp tin, các số liệu hiện tại được lưu trữ dưới nhiều hình thức và không đồng nhất... cho nên nguồn số liệu này vẫn chưa được khai thác và chia sẻ triệt để.
Thực trạng khai thác, chia sẻ dữ liệu: vấn đề sử dụng thông tin, chia sẻ cộng đồng dựa trên số liệu cũng cũng là một thách thức với ngành môi trường. Hiện tại, các số liệu này quan trắc được sử dụng để đánh giá hiện trạng và diễn biến môi trường, phục vụ việc ra quyết định của các cấp quản lý; cung cấp số liệu cho công tác xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia hàng năm trình Quốc hội, cung cấp một phần cho những đánh giá tác động môi trường, một số báo cáo đột xuất và sử dụng cho một số mục đích khác. Để đa dạng hóa các hình thức phổ biến thông tin môi trường đến cộng đồng đang là vấn đề nan giải đặt ra và cần được tháo gỡ từng bước.