Sử dụng phương pháp ngâm.
Phương pháp chiết xuất có nhiều ưu điểm: dễ thực hiện, thiết bị dụng cụ đơn giản. Tuy nhiên hiệu suất chiết thấp, không chiết kiệt được hoạt chất trong nguyên liệu.
Dung môi chiết là dung dịch natri bicarbonat và nước vôi rẻ tiền, sẵn có, hòa tan được hoạt chất berberin, ít độc hại. Berberin tan được và ổn định trong dung dịch kiềm trên, có ít hơn 4% bị thay đổi trong khoảng thời gian một tháng. Qua thực nghiệm khảo sát chiết xuất cho thấy so với dung môi chiết là dung dịch acid sulfuric loãng, berberin tan trong dung dịch kiềm tốt hơn (trong cùng điều kiện chiết xuất về nhiệt độ, thể tích dung môi; chiết bằng kiềm nhanh chóng đạt đến thời điểm cân bằng, hiệu suất chiết cũng cao hơn so với phương pháp chiết xuất bằng acid sulfuric loãng.
Trong thí nghiệm xác định độ tan của berberin, nguyên liệu tiến hành khảo sát là berberin clorid. Sự có mặt của ion clo trong cấu trúc ảnh hưởng đến độ tan của berberin trong dung dịch kiềm natri bicarbonat và nước vôi [25]. Để có kết quả tin cậy cần tiến hành thử độ tan của berberin base trong dung dịch kiềm và dung dịch acid sulfuric loãng. Từ đó so sánh độ tan và đánh giá tính ưu việt khi chiết bằng dung dịch kiềm.
Mục đích của thí nghiệm khảo sát tốc độ chiết là tìm ra thời gian cân bằng giữa nồng độ berberin trong dịch chiết và nồng độ berberin trong dược liệu. Sau thời điểm cân bằng, nồng độ berberin trong dịch chiết không tăng thêm. Thời điểm cân bằng là thời điểm hợp lý để rút dịch chiết. Phương pháp nào nhanh đạt đến thời điểm cân bằng tức là có tốc độ chiết nhanh hơn. Khảo sát thời điểm cân bằng của 2 phương pháp trong dịch chiết lần 1 để so sánh tốc độ chiết của 2
phương pháp (chiết bằng dung dịch kiềm và chiết bằng acid sulfuric). Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian đạt đến cân bằng của phương pháp chiết bằng dung dịch kiềm là sau 12 giờ, thời gian đạt đến cân bằng của phương pháp chiết bằng dung dịch acid sulfuric là 24 giờ. Lựa chọn phương pháp chiết xuất bằng dung dịch kiềm giúp tiết kiệm thời gian một cách hiệu quả so với phương pháp chiết bằng dung dịch acid sulfuric loãng. Dịch chiết rút ra cũng ít tạp chất hơn do thời gian ngâm ngắn hơn, dễ dàng thao tác ở các bước xử lý tiếp theo như rút dịch chiết, gạn, lọc và tinh chế.
Hiệu suất chiết berberin từ vàng đắng bằng dung dịch kiềm (dung dịch natri bicarbonat 0,2% và hỗn dịch vôi 1%) khi tiến hành chiết 2 lần đạt hiệu suất khoảng 77%. Hiệu suất chiết bằng dung dịch acid sulfuric 0,4% sau 3 lần chiết đạt khoảng 82%. Như vậy để tiết kiệm dung môi, hóa chất, thời gian và công sức chúng tôi lựa chọn chiết 3 lần bằng dung dịch kiềm, đem xử lý dịch chiết lần 1 và lần 2, dịch chiết lần 3 làm dung môi lần 1 cho mẻ sau.
Với dung môi chiết là nước vôi, thu được tủa thô berberin clorid có hàm lượng cao nhất (khoảng 85%), hiệu suất chiết đạt khoảng 82%. Chúng tôi thay đổi nồng độ vôi và khảo sát hiệu suất chiết, kết quả cho thấy hỗn dịch vôi 1% cho khối lượng tủa thô berberin clorid nhiều nhất và hàm lượng đạt 85%, hiệu suất chiết đạt khoảng 85%. Như vậy khoảng nồng độ được chúng tôi khảo sát là từ nước vôi bão hòa đến hỗn dịch vôi 1%, tuy hỗn dịch vôi 1% cho hiệu suất chiết cao hơn nhưng đây chưa phải là nồng độ vôi tối ưu. Cần tiến hành thêm các thí nghiệm khảo sát nồng độ vôi.
Độ tan của berberin trong hỗn dịch vôi 1% cũng cao hơn so với nước vôi trong. Như vậy chúng tôi lựa chọn hỗn dịch vôi 1% để chiết berberin từ vàng đắng với mẻ dược liệu 1 kg. Từ đó xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến quy trình khi chiết xuất với mẻ dược liệu lớn.