Cơ cấu chi phí điều trị trực tiếp:

Một phần của tài liệu Phân tích chi phí điều trị trực tiếp cho bệnh nhân tăng huyết áp có bảo hiểm y tế tại khoa nội tiết bệnh viện đa khoa tỉnh sơn la năm 2012 (Trang 50 - 53)

Kết quả nghiên cứu cho thấy chi phí trực tiếp cho điều trị của bệnh nhân tăng huyết áp điều trị nội trú bao gồm tiền thuốc, tiền xét nghiệm, tiền chẩn đoán hình ảnh, tiền giường, tiền vật tư tiêu hao và một số ít bệnh nhân có thêm tiền khám chuyên khoa, tiểu phẫu, vật lý trị liệu...

Trong cấu phần chi phí của mỗi bệnh nhân thì chi phí thuốc chiếm 69,8%, chi phí xét nghiệm chiếm 11,8% , chi phí cho chẩn đoán hình ảnh 8,6%, chi cho tiền giường 7,1% , chi cho vật tư tiêu hao 2,7 % và 0,1 % chi cho những khoản chi phí khác. Như vậy có thể thấy chi phí thuốc chiếm tỷ lệ chi phí rất cao trong tổng chi phí điều trị trực tiếp cho bệnh nhân.

4.2.3.Cơ cấu chi phí thuốc:

* Cơ cấu chi phí thuốc điều trị:

Trong tổng số 69,81% chi phí về thuốc thì nhóm thuốc tim mạch chiếm tỉ lệ chi phí cao nhất (32,868%), sau đó là nhóm thuốc cấp cứu giải độc (15,47%). Hai nhóm thuốc này là thuốc được các Bác sỹ sử dụng nhiều nhất nhằm nhanh chóng đưa chỉ số huyết áp đạt huyết áp mục tiêu, giảm thiếu các nguy cơ biến chứng về tim mạch. Trong phác đồ điều trị hầu hết là sự phối hợp của hai thuốc hạ áp khác cơ chế với các thuốc cải thiện tuần hoàn não, thuốc cấp cứu giải độc nhằm tăng sức bền thành mạch, cải thiện tuần hoàn não. Một nguyên nhân khác khiến cho chi phí hai nhóm thuốc này chiếm tỉ lệ

chi phí khá cao là do đơn giá của 3 thuốc trong hai nhóm này tương đối cao như Glutathion (Pomulin 300mg), Choline alfoscerate (Gliatilin 400mg) và Piracetam 3g (chiếm trên 80% chi phí của hai nhóm thuốc này) trong khi các thuốc hạ huyết áp; thuốc trợ tim, cải thiện, tăng cường tuần hoàn não …đơn giá thấp hơn nên chi chi cũng thấp hơn rất nhiều (chiếm gần 20% chi phí của hai nhóm thuốc này). Tuy nhiên đối với bệnh nhân điều trị tại khoa Nội thường là những bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ và vừa (bệnh nhân nặng thường được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực) nên việc phối hợp nhiều loại thuốc hỗ trợ đặt tiền như vậy có phải là lạm dụng thuốc hay không còn là câu hỏi chưa có câu trả lời. Bởi vì đối với bệnh nhân vừa và nhẹ thì việc dùng các loại thuốc như Pomulin, Gliatilin và Piracetam tiêm suốt đợt điều trị là không thực sự cần thiết. Việc lạm dụng các thuốc này sẽ làm tăng ghánh nặng chi phí cho bệnh nhân, cho xã hội.

Nhóm thuốc kháng sinh cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể (4,74%), ngoài ra còn có một số nhóm thuốc được sử dụng như nhóm thuốc hạ nhiệt, giảm đau; nhóm thuốc đường tiêu hóa, thuốc điều trị đái tháo đường…, tổng số chi phí của các nhóm thuốc này là hơn 16,74% đây là các loại thuốc chủ yếu để điều trị các bệnh mắc kèm như cơ xương khớp, tiêu hóa, hô hấp hay nội tiết … Điều này cũng phù hợp với thực tế vì độ tuổi trung bình của bệnh nhân tăng huyết áp cao (66,38 tuổi), ở độ tuổi này khả năng miễn dịch của cơ thể đã suy giảm, hầu hết các cơ quan đã bước vào giai đoạn lão hóa nguy cơ mắc bệnh rất cao.

* Cơ cấu chi phí thuốc điều trị chính theo phác đồ: - Tỷ lệ bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị chính

Trong 373 bệnh án nghiên cứu thì thấy có 3 nhóm thuốc điều trị hạ huyết áp được sử dụng đó là nhóm ức chế men chuyển, nhóm chẹn kênh calci và nhóm thuốc lợi tiểu với số lượng bệnh nhân sử dụng lần lượt là 307, 263 và 97. Điều này tương đối phù hợp vì bệnh nhân thường là bệnh nhân vừa và

nhẹ mặt khác thói quen dùng thuốc của Bác sỹ cũng là một yếu tố tác động không nhỏ đến số lượng và chủng loại thuốc sử dụng.

- Cơ cấu chi phí thuốc điều trị chính theo phác đồ

Phác đồ dùng hai nhóm thuốc trở lên phổ biến hơn phác đồ dùng đơn độc một nhóm thuốc để điều trị tăng huyết áp. Trong việc lựa chọn thuốc thì nhóm ức chế men chuyển luôn được ưu tiên chỉ định do đó phác đồ dùng thuốc ức chế men chuyển phối hợp với chẹn kênh calci chiếm tỉ lệ chi phí lớn nhất (44,3%), tiếp đến là phát đồ dùng đơn độc thuốc ức chế men chuyển (24,7%). Phác đồ dùng thuốc chẹn kênh calci cũng được sử dụng tương đối nhiều ở dạng phối hợp, dạng đơn lẻ chỉ chiếm 6,9%. Phác đồ dùng thuốc lợi tiểu ít được sử dụng đặc biệt là dùng đơn độc chỉ chiếm 0,5% .

Mặc dù sử dụng nhiều phác đồ điều trị điều trị cao huyết áp và chi phí thuốc điều trị chính theo từng loại phác đồ có khác nhau, tuy nhiên tổng giá trị tiền thuốc điều trị chính theo phác đồ không cao (chiếm 4,3% tổng chi phí tiền thuốc) nên cơ cấu chi phí thuốc điều trị chính theo phác đồ không tạo ra sự khác biệt của chi phí tiền thuốc theo từng phác đồ.

Qua nghiên cứu hồ sơ bệnh án của 373 bệnh nhân tăng huyết áp điều trị nội trú tại khoa Nội Bệnh viện tỉnh Sơn La chúng tôi nhận thấy chi phí thuốc tăng cường tuần hoàn não, nuôi dưỡng não mới là những thuốc có chi phí lớn quyết định đến tỷ trọng chi phí sử dụng thuốc của bệnh nhân.

4.2.3. Cơ cấu chi phí cận lâm sàng:

Chi phí cận lâm sàng trung bình của mỗi bệnh nhân là 360.239 VNĐ, chi phí cận lâm sàng lớn nhất cho một bệnh nhân là 1.517.000 VNĐ và nhỏ nhất là 65.000VNĐ. Như vậy chi phí cận lâm sàng trung bình cho mỗi bệnh nhân không nhỏ (20,38%). Phần lớn bệnh nhân điều trị tại khoa Nội là những bệnh thể nhẹ và vừa nên chủ yếu là chi phí cận lâm sàng thường quy như: xét nghiệm sinh hóa, huyết học, đoán hình ảnh hay thăm dò chức năng.

Trong những xét nghiệm mà bệnh nhân tăng huyết áp đã làm thì xét nghiệm sinh hóa chiếm tỷ lệ chi phí lớn nhất (9,72%) trung bình mỗi bệnh nhân phải chi 174.019 VNĐ cho xét nghiệm sinh hóa. Với xét nghiệm huyết học, mặc dù số lượng bệnh nhân làm nhiều hơn (100% ) nhưng chi phí xét nghiệm huyết học chỉ chiếm 2,09% chi phí do đơn giá của xét nghiệm huyết học tương đối thấp nên chi phí trung bình trên mỗi bệnh nhân thấp. Các chẩn đoán bằng hình ảnh như X-quang hay chụp CT-Scanner cũng có số lượng bệnh nhân làm cao, chiếm đến 7,54 % tổng chi phí chủ yếu là do đơn giá chụp CT-Scanner cao. Các thăm dò chức năng khác như siêu âm, điện tim, nội soi … có tổng số bệnh nhân làm tương đối cao (71%) nhưng chi phí này chỉ chiếm 1,03% tổng chi phí .

Trong cơ cấu chi phí dành cho cận lâm sàng của nhóm bệnh nhân nghiên cứu chiếm 20,38% tổng chi phí điều trị chủ yếu là các xét nghiệm thường quy.

Một phần của tài liệu Phân tích chi phí điều trị trực tiếp cho bệnh nhân tăng huyết áp có bảo hiểm y tế tại khoa nội tiết bệnh viện đa khoa tỉnh sơn la năm 2012 (Trang 50 - 53)