Có thể khẳng định một điều rằng không có sự tham gia đóng góp của phụ nữ thì không có sự phát triển của kinh tế hộ gia đình và cộng đồng bởi họ là lực lượng đông đảo, là trụ cột trong gia đình, đặc biệt là ở các gia đình nông thôn. Do vậy mà sự hạn chế về trình độ văn hoá, chuyên môn kỹ thuật tay nghề đã và đang là những nhân tố kìm hãm sự phát huy vai trò của người phụ nữ. Chỉ có giáo dục toàn diện mới thực sự mở mang trí tuệ, tài năng sức lực của phụ nữ, cho phép họ có những cống hiến cho gia đình và xã hội. Học tập để nâng cao trình độ học vấn và hiểu biết chính là chìa khoá vàng mở cửa cho chị em vươn lên giành quyền bình đẳng, chống phân biệt đối xử. Do vậy phải đẩy mạnh công việc đào tạo cả về chiều rộng lẫn chiều sâu để nâng cao năng lực và trình độ của người phụ nữ để họ có thể tự tin tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội nói chung và kinh tế hộ gia đình nói riêng. Khi đó họ
sẽ thực hiện dễ dàng hơn và quá trình tham gia thực hiện sẽ kích thích quá trình ra quyết định và như vậy vai trò của phụ nữ sẽ được nâng cao.
Để thực hiện được điều này phải tạo điều kiện bình đẳng cho phụ nữ trong giáo dục và nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ. Có các chế độ hỗ trợ và khuyến khích cho phụ nữ và trẻ em gái nghèo đi học cả về kiến thức phổ thông, xã hội và đào tạo nghề. Có các biện pháp điều chỉnh sự tách biệt giới trong ngành học, kết hợp giới vào các chương trình hướng nghiệp. Nâng cao tỷ lệ nữ ở các vị trí quản lý, bên cạnh đó cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ và bảo vệ phụ nữ và trẻ em bằng việc nâng cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bằng những mô hình như tổ chức hội phụ nữ tiết kiệm lồng ghép với dân số, sức khoẻ sinh sản, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ các cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ có như vậy mới có điều kiện học hỏi nâng cao tầm hiểu biết của mình. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng và giáo dục những kiến thức về kinh tế thị trường, kiến thức về pháp luật, trình độ văn hoá kỹ thuật, từng bước xây dựng nếp sống văn hoá, làng xã văn hoá nuôi con khoẻ dạy con ngoan và có ích cho xã hội. Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá tạo thêm nhiều thu nhập cho gia đình và cho xã hội.