Thông tin chung về hộ điều tra

Một phần của tài liệu Vai trò của phụ nữ dân tộc Mông trong phát triển kinh tế nông hộ trên địa bàn xã Quang Hán - huyện Trà Lĩnh - tỉnh Cao Bằng. (Trang 53 - 57)

Người phụ nữ nông thôn nói chung và người phụ nữ dân tộc Mông nói riêng bao giờ cũng là trung tâm của các gia đình. Họ là một trong hai chủ thể chính tạo nên sức sống cả về vật chất và tinh thần của một gia đình. Thực trạng đời sống của một gia đình là sự thể hiện thực tại vai trò và địa vị của

người phụ nữ. Hiện nay cùng với sự đi lên của nền kinh tế, bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn cũng đang từng bước chuyển mình theo hướng tích cực trên mọi phương diện: kinh tế, văn hoá, xã hội, kể cả năng lực của người phụ nữ. Để có cái nhìn tổng quát về hộ gia đình và thực trạng vai trò của phụ nữ dân tộc Mông trong phát triển kinh tế hộ em tiến hành điều tra 40 hộ dân tộc Mông để có được các thông tin cần thiết phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu của đề tài.

Hầu như các hộ đều làm nông nghiệp tuy nhiên mức độ tham gia vào sản xuất giữa các nhóm hộ là khác nhau. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguồn lực sản xuất (đất đai, lao động, vốn, công nghệ....), trình độ của chủ hộ và các thành viên trong gia đình.

Trong số 40 hộ điều tra thì hộ khá chiếm 25% chủ yếu là làm ruộng, làm kinh doanh buôn bán, kiêm chăn nuôi. Ta thấy nhóm hộ trung bình chiếm tỷ lệ lớn 42,5% các hộ chủ yếu làm nông nghiệp. Những hộ này chủ yếu là hộ đã biết chi tiêu một cách có kế hoạch, am hiểu và chăm chỉ làm ăn, ngoài thời gian nông nhàn những hộ này chủ yếu có chồng làm thêm nghề hoặc dịch vụ giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình, người vợ mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

Những hộ nghèo trong nhóm hộ điều tra theo chúng tôi do nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng nghèo song chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan. Họ chi tiêu không có kế hoạch, không có sự tích luỹ cộng với ốm đau bệnh tật và sinh đẻ không có kế hoạch, thiếu đất, thiếu vốn sản xuất. Một số hộ không có chồng hoặc chồng không minh mẫn nên người vợ phải gánh vác phần lớn công việc gia đình. Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến nghèo là do bệnh tật, thiếu lao động. Trong số 40 hộ điều tra thì tỷ lệ chủ hộ là nam chiếm 100%, nữ là 0%, kết quả đó cho thấy các công việc lớn và quyền quyết định vẫn do nam giới làm chủ chứ không có nữ giới làm chủ. Còn

nếu có nữ giới làm chủ thì là do chồng mất hoặc do không có chồng, qua đó cho thấy những hộ này người phụ nữ thật vất vả phải tự nuôi con một mình.

Sản xuất nông nghiệp cũng đòi hỏi rất nhiều về khoa học kỹ thuật vì thế kiến thức của chủ hộ cũng như các thành viên trong gia đình cũng ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế gia đình nói riêng và của toàn xã hội nói chung. Qua điều tra ta thấy người dân của ba nhóm hộ này thì có nhóm hộ nghèo là không có vốn, không có đất dẫn đến tình trạng thiếu ăn, nhà cửa tềnh toàng, sức khoẻ của các thành viên trong hộ giảm sút. Một điểm giống nhau ở cả 3 nhóm hộ là số lao động nữ nhiều hơn lao động nam; chiếm trên 50% tổng số lao động, điều đó chứng tỏ các công việc trong gia đình đều do phái nữ đảm nhận. Vậy vấn đề đặt ra là phải làm sao giảm bớt gánh nặng công việc cho người phụ nữ để họ có điều kiện được học tập và nghỉ ngơi.

Trong gia đình phần lớn các chủ gia đình đều là nam giới. Phụ nữ mông có vai trò quan trọng trong gia đình nhưng với cương vị người chủ quyền quyết định công việc lại mờ nhạt, quyền hạn đó không vượt qua việc mua bán lương thực và các nhu cầu cơ bản của các thành viên, công việc chăm sóc con cái trong gia đình.

Tuổi của chủ hộ cũng thể hiện tình trạng kinh tế của các hộ, ở các hộ khá thường là những người trẻ, có năng lực, dám làm, đặc biệt có gan làm giàu, mặt khác con cái của họ cũng đã trưởng thành, tự lập nên có điều kiện được làm giàu. ở các hộ trung bình và hộ nghèo tuổi của chủ hộ cao hơn hoặc còn rất trẻ đồng thời sức khoẻ cũng yếu do không có điều kiện chăm sóc sức khoẻ vì vậy mà thu nhập cũng kém hẳn, đã khó lại càng khổ hơn.

Khả năng sản xuất và tái sản xuất của hộ phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện sản xuất của hộ. Bên cạnh lao động, kiến thức, trình độ khoa học kỹ thuật của hộ thì đất đai và các tài sản phục vụ sản xuất của hộ là những yếu tố cơ bản tác động trực tiếp khả năng sản xuất của hộ.

Đất đai một nguồn lực quan trọng, nhiều hộ giàu lên nhờ việc sử dụng đất một cách hợp lý và có hiệu quả. Bình quân diện tích đất canh tác giữa các nhóm hộ điều tra là có sự chênh lệch nhau. Điều này là do hiện nay xu hướng giữa các hộ đang diễn ra phong trào chuyển đổi ruộng đất thoả thuận giữa các gia đình giúp cho diện tích sử dụng đất của từng hộ được tập trung hơn và chuyển dịch ngành nghề được thuận lợi hơn. Các hộ trung bình, hộ nghèo ngoài phần ruộng đất nhà mình họ còn thuê thêm đất của các hộ khác để canh tác, các hộ có nhiều đất nhưng lại không sử dụng hoặc ít sử dụng do họ đang phát triển các ngành kinh tế phi nông nghiệp.

Mấy năm trở lại đây nhiều hộ đã làm thêm ngành nghề phụ như: may gia công, buôn bán vật liệu xây dựng, buôn hàng nông sản,.... Về điều kiện sinh hoạt qua điều tra thấy đa số các hộ đã dùng nước sạch không có hộ dùng nước ao, nước thiếu vệ sinh. ở các hộ khá chủ yếu là dùng toàn bộ nước máy, ở các hộ trung bình và hộ nghèo chỉ sử dụng nước máy với lưu lượng nhỏ như để rửa rau, vo gạo còn lại chủ yếu là nước giếng khơi.

Còn về phương tiện thông tin liên lạc thì điện thoại là phương tiện thông tin nhanh chóng đáp ứng cho nhu nhu cầu sản xuất và đời sống ngày nay và ở các hộ khá các thành viên trong gia đình hầu như đã có điện thoại di động. Do sự ra đời của hãng dịch vụ Gphone, dịch vụ này họ tặng cho các gia đình 1 chiếc điện thoại bàn không dây nếu có nhu cầu nên các hộ trung bình đều đã có điện thoại bàn không dây. Ngoài ra, ngày nay đang trong thời kỳ bùng nổ thông tin với hàng loạt điện thoại di động rẻ tiền và sim khuyến mại nên trong các hộ điều tra cũng cho thấy nhiều thành viên trong hộ dùng để tiện liên lạc, đặc biệt là nhà có con đi học hoặc đi làm ăn xa. Thu nhập của nông dân cũng ngày càng cao hơn so với trước đây, bình quân thu nhập đầu người một tháng ở hộ khá là 800 nghìn đến 1 triệu đồng, với mức thu nhập này không những đã đảm bảo chi tiêu trong gia đình mà hộ còn dư dật tích luỹ

được một số vốn nhất định và mua được những vật dụng đắt tiền. Ngược lại, một số hộ nghèo không đủ trang trải chi tiêu, khó khăn về điều kiện kinh tế nên không thể trang bị đầy đủ điều kiện sản xuất tốt vì thế mà trong nhóm hộ này người phụ nữ phải chịu nhiều vất vả và không có điều kiện tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội là điều đang rất được quan tâm để giúp các hộ giàu nhanh hơn. Đồng thời các hộ nghèo muốn nâng cao thu nhập thì phải mạnh dạn vay vốn, nâng cao trình độ học vấn, KHKT để nâng cao khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật. Có như vậy các hộ nghèo mới có cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất, thoát khỏi cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu cho mình.

Một phần của tài liệu Vai trò của phụ nữ dân tộc Mông trong phát triển kinh tế nông hộ trên địa bàn xã Quang Hán - huyện Trà Lĩnh - tỉnh Cao Bằng. (Trang 53 - 57)