Tình hình nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ, bệnh lý, lâm sàng bệnh giun móc ở chó tại một số xã, phường thuộc thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên và biện pháp phòng trị. (Trang 35 - 36)

Ở Việt Nam, nghiên cứu về ký sinh trùng và bệnh ký sinh trùng ở chó nói chung, giun tròn và bệnh giun tròn ở đường tiêu hóa của chó nói riêng đã được một số tác giả nghiên cứu như Trịnh Văn Thịnh (1977) [18], Đỗ Hài (1972) [3], Phạm Sỹ Lăng (1990) [12], Lê Thanh Hải (1993), [13] và gần đây là Lê Hữu Khương và cs (1998) [8], Ngô Huyền Thúy (1996) [21]…

Theo Nguyễn Thị Lê và cs (1996) [16], bệnh do A. braziliense phổ biến ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam, bệnh do A. caninum phổ biến trên toàn quốc, bệnh thấy ở khắp các vùng. Phạm Văn Khuê và cs, (1996) [7] cho biết tỷ lệ nhiễm giun móc ở chó săn là 75 - 82%, chó ngoại nhiễm 83%, chó nội nhiễm 63%.

Đỗ Hài (1972) [3], cho biết, tỷ lệ nhiễm A. caninum ở chó một số khu vực phía bắc là 83,3%. Ở chó mẹ nuôi con, tỷ lệ nhiễm giun móc là 100%, chó mang giun móc suốt đời cho đến khi già và chết.

Theo nhiều nghiên cứu của Phạm Sỹ Lăng (1990) [12], Phạm Sỹ Lăng và cs (1993) [13] thì chó cảnh và chó nghiệp vụ nuôi tại hộ gia đình và các cơ sở tập trung có tỷ lệ nhiễm giun móc tới 74,8%.

Theo nghiên cứu của Ngô Huyền Thúy (1996) [21] những chó nuôi ở khu vực thành phố Hà Nội thì tỷ lệ nhiễm A. caninum là 81,65%.

Nguyễn Hữu Hưng, Cao Thanh Bình (2009) [5] đã phát hiện 5 loài giun tròn đường tiêu hóa chó tại thành phố Cần Thơ.

Chó bị nhiễm giun móc ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên theo nghiên cứu của Đỗ Hài (1972) [3], Phạm Sỹ Lăng (1990,1993) [12], [13]. Thì chó từ 2 – 6 tháng tuổi nhiễm ở tỷ lệ cao và chết nhiều.

Trịnh Văn Thịnh và cs (1977) [18], Phạm Văn Khuê và cs (1993) [6] thông báo, tỷ lệ nhiễm A. caninum ở chó săn dao động từ 75% - 82% tùy theo lứa tuổi và giống chó, chó non nhiễm giun nặng hơn chó trưởng thành.

Trịnh Văn Thịnh và cs (1978) [19] cho biết, chó sơ sinh đến 4 tháng tuổi có tỷ lệ nhiễm A. caninum là 82%; chó từ 6 – 12 tháng tuổi nhiễm 75%; chó >12 tháng tuổi có tỷ lệ nhiễm là 74%. Ngô Huyền Thúy (1996) [21] cho biết, tình hình nhiễm giun móc không phụ thuộc vào tính biệt của chó nhưng lứa tuổi có ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm, chó nhỏ nhiễm giun móc cao hơn chó trưởng thành.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ, bệnh lý, lâm sàng bệnh giun móc ở chó tại một số xã, phường thuộc thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên và biện pháp phòng trị. (Trang 35 - 36)