2.2.4.1. Biểu hiện bệnh lý
-Tác động cơ giới: Hầu hết các ký sinh trùng đều gây lên những biến loạn cơ giới, ngăn trở ít hay nhiều khí quan mà nó xâm nhập; hoặc làm tắc hoặc chèn ép và phá hoại các tổ chức, hoặc làm thủng, làm rách hoặc do khí quan bám hút của ký sinh trùng mà làm tróc niêm mạc, xuất huyết.
-Tác động chiếm đoạt: Ký sinh trùng tự nuôi dưỡng bằng cách ăn tổ chức của ký chủ, cướp một phần thức ăn của ký chủ đã tiêu hóa, hút máu ký chủ. Tác động này tiếp diễn liên tục bởi rất nhiều ký sinh trùng, gây nên tổn hại rất lớn cho ký chủ (thiếu máu, gầy rộc…).
-Tác động đầu độc: Ký sinh trùng bài tiết chất độc hàng ngày, ký chủ hấp thụ chất độc, sinh ra các biến loạn khác nhau nhưng thường thấy nhất là biến loạn thần kinh và tuần hoàn. Nói chung, chất độc do ấu trùng bài tiết mạnh hơn so với chất độc của ký sinh trùng trưởng thành.
-Tác động truyền bệnh: giun sán bám vào các niêm mạc, gây thương tích, phá phòng tuyến thượng bì, mở đường cho các vi khuẩn vào cơ thể, vi khuẩn gây bệnh khác ghép với bệnh ký sinh trùng. Ký sinh trùng và vi khuẩn thường kết hợp gây tổn hại thêm cho ký chủ.
Trịnh Văn Thịnh và cs (1977) [18] nhận xét, chó bị nhiễm giun móc thì niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu, con vật gầy còm, suy nhược, có khi thấy thuỷ thũng. Khi nhiễm nặng, con vật bỏ ăn, kiết lỵ và táo bón xen kẽ nhau, trong phân có lẫn máu. Giun trưởng thành hút nhiều máu, răng ở miệng giun gây tổn thương ở niêm mạc. Ấu trùng còn gây những tổn thương ở tim, phổi...
2.2.4.2. Biểu hiện lâm sàng
Con vật gậy còm, suy nhược, có khi thấy thủy thũng. Niêm mạc nhợt nhạt hoặc trắng bệch do thiếu máu. Khi nhiễm nặng, con vật bỏ ăn, kiết lỵ và táo bón xen kẽ nhau, trong phân có lẫn máu. Chứng thiếu máu nặng làm con vật chuyển dần sang trạng thái suy tim, mạch yếu, dễ chết nếu không được chữa trị kịp thời. Theo Sally Gardiner (2006) [30] một giun móc
(Ancylostoma caninum) trưởng thành có thể hút 0,8ml máu/ngày, nếu một chó có khoảng 100 giun móc ký sinh sẽ mất khoảng 80ml máu/ngày và nếu nhiễm nặng mỗi ngày sẽ mất 25% lượng máu của cơ thể.
Biểu hiện lâm sàng do giun móc phụ thuộc trực tiếp vào giai đoạn của ký sinh vật. Ở giai đoạn ấu trùng, giun móc gây các bệnh như viêm da, các tổn thương ở các khí quan như tim, phổi… Ở giai đoạn giun trưởng thành, tổn thương ở niêm mạc ruột, cùng với các vi sinh vật đường ruột như E. coli gây các bệnh tiêu chảy, viêm ruột… Giai đoạn này thường có những triệu chứng mạn tính, có từng thời kỳ con vật kiết lỵ, chậm lớn, gầy còm… Giai đoạn ấu trùng là giai đoạn nguy hiểm nhất vì nó gây ra nhiều tổn thương, đồng thời tiết nhiều độc tố cơ giới tại nhiều cơ quan của cơ thể ký chủ. Ở giai đoạn trưởng thành, hầu như là những thể mạn tính. Tuy nhiên, bệnh do giun móc gây ra xuất hiện ở thể ghép vì có cả ấu trùng và giun trưởng thành cùng ký sinh trong cơ thể ký chủ.
2.2.4.3. Bệnh tích
Xác con vật gầy, nhợt nhạt, thấy rõ tình trạng thiếu máu và thủy thũng. Trên niêm mạc có xuất huyết, chất chứa ruột có lẫn máu, gan và thận thoái hóa mỡ. Theo Phạm Sỹ Lăng, Phan Địch Lân (2001) [14], ấu trùng chui qua da chó con ít gây phản ứng, nhưng có phản ứng viêm rõ rệt khi chui qua da chó trưởng thành. Khi chó đã nhiễm A. caninum thì sức đề kháng cao hơn so với sự nhiễm mới của giun này.
2.2.4.4. Chẩn đoán
Theo dõi các triệu chứng lâm sàng kết hợp với xét nghiệm phân bằng phương pháp phù nổi tìm trứng giun móc. Mổ khám, kiểm tra bệnh tích và tìm giun móc ở ruột non.
Qua các triệu chứng lâm sàng và dịch tễ học có thể đánh giá khả năng nhiễm giun móc tại các trại chó và môi trường có nhiễm ấu trùng giun móc.
Xét nghiệm mẫu phân, dễ dàng tìm thấy trứng giun móc qua kính hiển vi. Một con gium móc có thểđẻ tới 20.000 trứng giun/ một ngày.