Như vậy việc xác định ngôn ngữ tác phẩm không chỉ giúp học sinh hiểu thêm về nhân vật, tính cách nhân vật mà thông qua đó còn giúp các em hiểu nội dung tư tưởng cũng như ý đồ nghệ thuật mà tác giả gửi gắm.
Sự phân tích ngôn ngữ gắn chặt với phân tích nhân vật và tìm hiểu cốt truyện càng làm nên đặc sắc của việc dạy truyện như là một tác phẩm có một phương thức kết cấu đặc biệt theo loại thể.
Tác phẩm văn học là một chỉnh thể thống nhất, các đặc trưng: cốt truyện, nhân vật và ngôn ngữ có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, chuyển hóa linh hoạt với nhau trong tác phẩm. Vì thế khi phân tích, tìm hiểu các yếu tố ta phải đặt trong sự liên hệ với nhau. Sự phân tách ra như trên chỉ mang tính tương đối.
2.2.4. Giúp học sinh tạo lập văn bản
Phương pháp dạy học theo đặc trưng thể loại không tách rời bốn bước đọc - hiểu khi tìm hiểu tác phẩm tự sự. Bởi vậy, bước tiếp theo sau khi hướng dẫn học sinh nắm được đặc trưng cơ bản của loại thể về cốt truyện, nhân vật và ngôn ngữ, giáo viên cần giúp các em hiện thực hóa những tri thức vừa học trở thành những văn bản cụ thể thể hiện sự hiểu biết của mình.
Thao tác này ứng với việc luyện tập, củng cố, giúp học sinh khắc sâu những kiến thức, hình thành kỹ năng trong việc tiếp nhận tác phẩm và giúp phát huy được khả năng trải nghiệm và sáng tạo của học sinh trong việc tiếp nhận tác phẩm văn học.
Văn bản ở đây có thể tồn tại dưới hai dạng: nói và viết. Với mỗi dạng, giáo viên cần có những định hướng trong việc hướng dẫn học sinh. Với văn bản nói, người dạy có thể đặt ra câu hỏi ngắn để học sinh trả lời bằng đàm thoại, lời phát biểu. Với văn bản viết, có thể ra bài tập làm văn để các em có điều kiện thử sức với khả năng cảm thụ và sáng tạo của mình. Trong quá trình