Hệ thống XHTD đã góp phần quan trọng vào sự thành công trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam nói chung và mảng tín dụng doanh nghiệp nói riêng, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định cần được hoàn thiện:
- Chưa có công cụ hỗ trợ xác định ngưỡng an toàn tín dụng
Theo quy định tại “Hướng dẫn chấm điểm xếp hạng tín dụng khách hàng doanh nghiệp” ban hành kèm theo “Quy trình chấm điểm và xếp hạng tín dụng
khách hàng doanh nghiệp” mã QT.09.08.I, việc phê duyệt khoản vay chỉ áp dụng đối với khách hàng có xếp hạng từ BBB trở lên. Tuy nhiên, cần có tiêu chí và công cụ xác định đâu là ngưỡng an toàn kết hợp với hạng hệ thống để có quyết định tín dụng phù hợp. Từ kết quả dự báo này ngân hàng có thể xác định được doanh nghiệp nào đang nằm trong vùng an toàn, doanh nghiệp nào nằm trong vùng cảnh báo từ đó chủ động trong việc đưa ra những chính sách ưu đãi cũng như biện pháp hạn chế rủi ro.
- Hệ thống các chỉ tiêu XHTD còn hạn chế, chưa đầy đủ:
Hệ thống chỉ tiêu phi tài chính tuy đã được lượng hóa nhưng chưa đầy đủ, hầu hết các chỉ tiêu đều được chấm điểm dựa trên đánh giá chủ quan của cán bộ chấm điểm như: Năng lực điều hành của người trực tiếp quản lý doanh nghiệp, trình độ quản lý, cung cấp thông tin đầy đủ và đúng hẹn theo yêu cầu của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, định hướng quan hệ tín dụng với khách hàng,... mà chưa có hướng dẫn chi tiết cách thức đánh giá. Điều này có thể sẽ dẫn đến sự thiếu khách quan trong quá trình phân tích đánh giá và dẫn đến chất lượng của XHTD bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, nhìn chung các chỉ tiêu trên không phản ánh được xu hướng khó khăn hoặc nguy cơ vỡ nợ của doanh nghiệp. Ngoài ra, mô hình vẫn còn tồn tại những chỉ tiêu trùng lắp như trả nợ đúng hạn, số lần gia hạn nợ, nợ quá hạn trong quá khứ, số lần các cam kết mất khả năng thanh toán.
Hệ thống chỉ tiêu tài chính gồm 14 chỉ số trong 4 nhóm: nhóm chỉ tiêu thanh khoản, nhóm chỉ tiêu hoạt động, nhóm chỉ tiêu cân nợ, nhóm chỉ tiêu thu nhập. Tuy nhiên, có thể thấy tỷ số Nợ quá hạn/Tổng dư nợ được xếp vào nhóm chỉ tiêu cân nợ chưa phản ánh chính xác năng lực tài chính cũng như dự đoán khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Ngoài ra, hệ thống chưa có tiêu chí so sánh giữa kết quả tài chính của năm hiện tại và các năm trước để có thể đánh giá và dự phóng chính xác xu hướng tăng trưởng của khách hàng trong năm kế hoạch như: các chỉ tiêu đo lường vị thế tài chính của doanh nghiệp như tốc độ tăng trưởng của vốn chủ sở hữu, tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận, tiềm năng tăng trưởng của ngành, …
Một số tiêu chí đánh giá chưa được xây dựng trong XHTD doanh nghiệp. Đầu tiên là tiêu chí đánh giá mức độ đảm bảo bằng tài sản đảm bảo. Về cơ bản, hệ thống XHTD đóng vai trò xem xét khả năng trả nợ gốc và lãi của doanh nghiệp tuy nhiên ngân hàng cần tính đến phương án đảm bảo tín dụng nhằm giảm bớt tổn thất cho ngân hàng khi khách hàng vì một lý do nào đó không thanh toán được nợ. Thứ hai, độ nhạy cảm khi chính sách thay đổi. Tiêu chí này tính đến những thay đổi trong chính sách bảo hộ hoặc ưu đãi của Chính phủ, Nhà nước để đánh giá xu hướng phát triển của ngành, những chính sách này sẽ hỗ trợ hoặc hạn chế kết quả kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay ngân hàng.
- Nguồn thông tin thu thập còn hạn chế:
Trong thực tế hiện nay việc thu thập thông tin còn gặp nhiều khó khăn, quy chế về công bố thông tin minh bạch hóa trong hoạt động doanh chưa được quy định chặt chẽ. Nguồn thông tin còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng ảnh hưởng đến kết quả XHTD, không phản ánh chính xác mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp.
+ Thông tin không đầy đủ: Nguồn thông tin chủ yếu của các cán bộ tín dụng chủ yếu có được từ quá trình phỏng vấn khách hàng, từ BCTC. Tuy nhiên, để XHTD khách hàng được đầy đủ, phản ánh chính xác tình hình doanh nghiệp thì nguồn thông tin từ BCTC chưa đủ, đòi hỏi phải có nhiều nguồn thông tin khác như từ các cơ quan thuế, hải quan, thông tin quan hệ với các tổ chức tín dụng, các thông tin về tranh chấp kinh tế, đối tác của khách hàng,... nhưng những thông tin này rất khó tiếp cận, bị giới hạn nhất định, nên cán bộ thẩm định tín dụng chưa khai thác hết nguồn thông tin bên ngoài.
+ Thông tin chưa chính xác: Phần lớn tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các BCTC chưa được kiểm toán, độ tin cậy chưa cao. Các doanh nghiệp có nhiều báo cáo khác nhau về tình hình hoạt động cho các bên liên quan sử dụng thông tin (cơ quan thuế, ngân hàng,...), do chưa có quy định chặt chẽ về chuẩn mực báo cáo tài chính nên nhìn chung tính minh bạch của hệ thống kế toán doanh nghiệp chưa cao. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khai báo các khoản mục trong báo cáo tài chính nội bộ không đúng với thực tế hoặc làm đẹp số liệu trước khi gửi hồ sơ đến
ngân hàng. Chính điều này đã gây khó khăn không nhỏ trong việc chấm điểm các chỉ tiêu tài chính trong XHTD.
- Công tác đánh giá và XHTD định kỳ còn nhiều bất cập:
Việc XHTD định kỳ chưa được thực hiện đúng tính chất đánh giá tình hình kinh doanh, tài chính của khách hàng. Do một số khách hàng chậm trễ cung cấp báo cáo tài chính định kỳ, cán bộ chấm điểm phần lớn sao chép lại dữ liệu của kỳ chấm điểm gần nhất nên không phát huy được vai trò quan trọng của hệ thống XHTD, ảnh hưởng đến quá trình quản trị rủi ro tín dụng sau cho vay. Thêm vào đó, sự theo dõi không được liên tục vì định kỳ 6 tháng mới kiểm tra 1 lần, trong khoảng thời gian này tình hình tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng có thể bị gián đoạn hoặc thay đổi nhiều so với thời điểm cấp tín dụng.
KẾT LUẬN CHƢƠNG 3
Trong nội dung Chương 3, dựa vào phương pháp thu thập, tổng hợp và phân tích dữ liệu, luận văn đã giới thiệu tổng quan về hệ thống XHTD khách hàng doanh nghiệp, các bộ chỉ tiêu sử dụng và quy trình chấm điểm tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam. Qua đó, Chương 3 nêu lên những ưu điểm và hạn chế cần khắc phục của hệ thống. Nhìn chung qua quá trình áp dụng, mô hình XHTD khách hàng doanh nghiệp đã phát huy được vai trò là công cụ hỗ quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro hoạt động tín dụng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam. Để có thêm công cụ hỗ trợ dự báo nhằm phát huy các ưu điểm đạt được và giảm thiểu hạn chế còn tồn tại, trong chương 4, luận văn sẽ tiến hành phân tích, nghiên cứu bằng phương pháp định lượng thông qua hai công cụ hỗ trợ là mô hình Logistic và Neural Network nhằm xác định xác suất không trả được nợ của doanh nghiệp vay vốn, từ đó có những quyết định phù hợp.
CHƢƠNG 4: VẬN DỤNG MÔ HÌNH LOGISTIC VÀ NEURAL NETWORK TRONG XẾP HẠNG TÍN DỤNG KHÁCH HÀNG DOANH NGHIỆP TẠI
NGÂN HÀNG TMCP CÔNG THƢƠNG VIỆT NAM