Giọng điệu suy tư, xót xa, chiêm nghiệm

Một phần của tài liệu Thơ nguyễn duy từ cảm hứng đến giọng điệu (Trang 62 - 74)

8. Bố cục của khoá luận

3.2.2. Giọng điệu suy tư, xót xa, chiêm nghiệm

Thơ là hình thức độc thoại nội tâm của tác giả. Mà độc thoại nội tâm thường đi liền với suy tư, chiêm nghiệm. Thơ Nguyễn Duy rất đậm chất suy

tư bởi vì nghĩ cho cùng hài hước cũng để mà suy tư, chiêm nghiệm. Đặc điểm này gắn với mạch cảm hứng triết lý say mê suốt đời ông.

Như đã nói ở trên thì Nguyễn Duy là “nhà thơ cơm bụi”, là “thi sỹ thảo dân”. Ông gắn bó, suy ngẫm về những cái đơn giản, thông thường nhất. Rõ

nhất là trong những bài thơ được viết từ những cảm xúc xót xa về những cảnh đời, những con người và trong những tưởng niệm nghiền ngẫm, chiêm nghiệm về những bài học, những chân lý, những quy luật cuộc đời.

Cũng tắm mình trong cuộc chiến tranh vĩ đại của nhân dân nhưng

Nguyễn Duy đã tìm thấy một biến tấu mới của câu thành ngữ “đêm nằm năm ở” trong thời đại mình tại những phút giây, những đêm ngày được sống trong

những căn hầm - nhà của dân Quảng Bình. Câu thơ bình dị mà thắm trong đó là những lời cảm tạ với nhân dân, cũng là những khái quát có ý nghĩa triết lý sâu sắc về lòng dân, sức dân:

“Cần chi ở tháng năm

trú thân một lát hay nằm một đêm một đời không thể nào quên

lòng dân - chiếc mộc vững bền che ta”

Trong lửa thử vàng, Nguyễn Duy đã hiểu - cảm - thấm sâu vẻ đẹp của những hiến dâng, của những nghĩa tình được chứng minh bằng xương máu của con người trên mọi miền Tổ quốc:

“Quê mình đó phải không anh

đau thương mấy cũng ngọt lành bên trong”

Trong chiến tranh, Nguyễn Duy không chỉ nhận ra vẻ đẹp của con người, ông còn nhận ra sự tàn phá thật ghê gớm và không bao giờ lấy lại được mà chiến tranh đã gây ra cho con người:

“Vài ba năm, bốn năm năm

sốt nhiều mai mái nước da

cái thời con gái đi qua cánh rừng” (Người con gái)

Chiến tranh không chỉ tàn phá những con đường, những cánh rừng mà còn lấy đi tuổi thanh xuân của con người. Có những người đi ra khỏi chiến tranh chới với, không bắt nhịp được với cuộc sống thời bình để rồi lạc lõng,

cô đơn. Có những người lính lại quá quen với giấc ngủ “phập phồng lo âu”

mỗi đêm. Và rồi tóc bạc đi lúc nào không hay biết:

“Ngủ hầm, ngủ võng, ngủ bưng gối đầu tay ngả cầm chừng mỗi đêm

có người ngủ thế thành quen đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình” (Lời ru đồng đội)

Và trong cái thời buổi đầy bom rơi đạn lạc ấy có biết bao “em bé lạc mẹ”:

“Em run run giương mắt thơ nhìn tôi: - Cháu lạy ông, ông đừng ăn gan cháu! Em mếu máo làm cả tôi mếu máo - Chú đây mà, chú là giải phóng quân” (Em bé lạc mẹ)

“Chợt cười hu hu” để rồi lại “khành khạch khóc” vì hoàn cảnh thật trớ

trêu. Có biết bao em bé như vậy trong chiến tranh? Và có biết bao nhiêu em bé sẽ tìm lại được cha mẹ mình? Hay sẽ phải cô đơn một mình vì chiến tranh đã mang đi những người thân yêu nhất?

Những gia đình phải ly tán rồi chia lìa nhau mãi mãi. Có biết bao nhiêu

bà mẹ đã “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, những người vợ trẻ

xa chồng. Chính trong hoàn cảnh ấy hạnh phúc của con người nhiều lúc thật giản đơn, nhỏ bé. Đó là lúc hai vợ chồng được gặp lại nhau sau hai sáu năm xa cách vì chồng còn phải hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, để rồi khi gặp nhau cả hai đều đã bac đầu.

“Họ trao cho nhau

giọt nước mắt và nụ cười hai mươi sáu năm xa cách giành dụm lại

giọt nước mắt cũng đã già như tuổi riêng nụ cười là vẫn trẻ trung”

(Giọt nước mắt và nụ cười)

Đúng là hạnh phúc đâu cần phải là cái gì to tát, lớn lao. Hạnh phúc là lúc con người biết trân trọng những niềm vui mà mình có được.

Sau chiến tranh, thơ Nguyễn Duy có khi trầm lắng ở những suy tưởng về tình người, về lẽ đời. Có khi đó là sự tưởng niệm về những bậc sinh thành, về người mẹ với những ký ức, những tình cảm sâu đậm trong từng chi tiết, hình ảnh: nón mê, váy nhuộm bùn, áo nhuộm nắng mưa, những câu hát… con cò... sung chát… đào chua, theo gió bay về trời mà lắng vào hồn con day dứt khôn nguôi về những… chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa”… Ở tuổi bốn mươi, sau những năm tháng chiến chinh, những thăng trầm dâu bể của cả dân tộc và riêng mình, ông càng thấm thía sức sống bất diệt và giá trị bồi dưỡng tâm hồn ở những lời mẹ ru và nền văn học dân gian nước nhà. Nó mong manh, vô hình mà dai bền, bất tử mà thẳm sâu, dư ba, thôi thúc:

“Ta đi trọn kiếp con người

cũng không đi hết những lời mẹ ru”

Có nhiều lúc ông lại thấy xót xa về những đói khát, nhếch nhác, vất vả của những con người đôn hậu, thuỷ chung, ân tình ấy:

“Làng ta ở tận làng ta

mấy năm một bận con xa về làng gốc cây, hòn đá cũ càng

trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay cho ta cầm cuốc trên tay

nhà ta xơ xác hơn ngày xa xưa lưng trần bạc nắng thâm mưa bụng nhăn lép kẹp như chưa có gì” (Về làng)

Trước hiện thực ấy, nhà thơ ân hận thốt lên:

“Ta đi mơ mộng trên trời

để cha cuốc đất một đời chưa xong” (Về làng)

Đây chính là những lời tự thú nghiêm khắc và thành thực nhất, cũng là những chiêm nghiệm mà đi sắp hết cuộc đời con người mới kịp nhận ra.

Nói về trách nhiệm trong thơ Nguyễn Duy ta không thể không nhắc tới mảng thơ ông viết cho vợ mình. Xuất hiện rất nhiều trong thơ ông là những

bài thơ viết cho vợ, về vợ: Vợ ốm, Vợ ơi, Mời vợ uống rượu… Đó là những suy

tư, chiêm nghiệm rất sâu sắc của Nguyễn Duy về những nỗi vất vả, cực khổ mà vợ phải gánh chịu khi có một người chồng theo nghiệp thơ văn:

“Gót chân ăn vẹt bậc thềm

quanh năm tất bật đi tìm ngày xuân” (Mời vợ uống rượu)

Nếu như Tú Xương cảm thông, biết ơn vợ mình:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

(Thương Vợ)

để “nuôi đủ năm con với một chồng” thì Nguyễn Duy cũng đặc biệt

trân trọng người vợ:

“Mỗi năm tết có một lần

mời em ly rượu tay nâng ngang mày” (Mời vợ uống rượu)

Trong bài thơ “Trở lại khúc hát ru” ta còn nhận ra một cái gì đó rất

xót xa về lẽ đời không êm đềm, ngọt ngào như ta tưởng. Một người chồng

vừa cưới vợ thì đã phải lên đường ra trận “ngày cưới vợ / cũng là ngày xa vợ”, với niềm ao ước, hân hoan “giá như mình có một thằng con”. Thế mà

tám năm sau anh trở về:

“Nỗi ước ao nén lại tám năm bất ngờ đổ vỡ

giữa ngực anh như một quả bom:

vợ anh vừa đẻ một thằng con”

Trong cuộc đời đâu phải cái gì cũng êm đềm, bình lặng như ý muốn của con người. Có những cái dường như không thể lại vẫn cứ xảy ra. Chiến tranh đi qua để lại cho con người nhiều vết thương trong lòng mà có những vết thương còn đau hơn dao cắt. Nhưng chiến tranh cũng làm cho người trầm lắng hơn, chín chắn hơn. Đi ra từ chiến tranh với sự sống chết liền kề trong

gang tấc, người lính càng thấm thía hơn hai chữ “hạnh phúc”, hai chữ “đoàn tụ”.

“Để có được ngày sum họp lớn ta trải qua nhiều xa cách và hy sinh người chết phải xa người sống lẽ đành

những người sống xin đừng xa nhau nữa!”

Đó là những chiêm nghiệm tưởng chừng như đơn giản nhưng lại chứa đầy nỗi xót xa.

Có những khi Nguyễn Duy lại trầm sâu trong tưởng niệm về một đấng

minh quân xưa đã cùng chung số phận lịch sử với dân tộc nô lệ “Được tin lễ cải táng vua Duy Tân ở Huế”, sau cả thế kỷ đi đày, Nguyễn Duy bùi ngùi viết

dòng thơ trang trọng để tưởng niệm cho nhà thơ yêu nước:

“Mặt trời vẫn mọc đằng tây

lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người bao triều vua phế đi rồi

người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”

Càng về sau càng có điều kiện đi sâu vào cuộc sống đời thường và tiếp xúc tối đa với sự phức tạp nhiều chiều của nó, Nguyễn Duy càng có nhiều nghiền ngẫm về thói đời, lẽ đời.

Thời gian, một nhân vật lặng lẽ được ông nghiền ngẫm nhận ra ở cả hai chiều trong phán xét khẳng định và phủ định. Nó thực sự là một vị quan toà:

“Thời gian lướt khướt quan toà một mai trắng án thiên hà cả thôi” (Thời gian)

Và cũng là phép màu hoá giải:

“Này em chợt độ hồi xuân thời gian làm phép tẩy trần đó ư oán ân hoá giải từ từ

từ từ mặt nạ rơi như lá vàng” (Thời gian)

Ngay cả trong những cách gọi tên gió: gió tâm thần, gió rối đồng, gió trầy huầy, gió cong keo, gió hoang toàng và những hậu quả của nó: “tầng bình yên tít trên tầng bão giông”, “đò không tới bờ”, “lau lách trổ cờ loe ngoe”, “dồn ghe dạt bèo”, “hồn hang hú dựng ngoằn ngèo ruột gan” (Em ơi, gió…), là những suy nghĩ, phân tích, kết luận về những căn bệnh xã hội

Việt Nam những năm rơi vào khủng hoảng và nền kinh tế thị trường bộc lộ

những mặt trái của nó. Vì vậy có lúc giọng thơ Nguyễn Duy “chùng” hẳn xuống trong những tổng kết không mấy lạc quan: “Hiểu cho nhau sống đã là phiêu liêu” (Bài ca phiêu liêu, 1996).

Điều cần nói ở đây là gửi những triết lý, suy ngẫm nhân sinh đi theo vần thơ, Nguyễn Duy đã làm cho bài học không chỉ thấm theo kênh cảm xúc cũng không trôi nhanh dễ dãi theo dòng chảy của những trắc bằng, trái lại nó có sự tác động sâu xa vào lòng người đọc từ phía những nhận thức lý tính và mắc lại trong những day dứt thức tỉnh. Những bài học triết lý nhân sinh vốn khô khan nhưng được phát biểu qua thơ thì lại trở nên mềm mại, uyển chuyển, gần gũi mà thấm thía lâu dài:

“Quả không sa xuống từ mây quả đi từ dưới gốc cây lên cành” (Lời của quả)

Để có được quả chín mang đến cho đời, rễ sâu đã hút mật từ đấy nuôi cây là sự chắt chiu từ cành, từ lá chống chịu qua biết bao mưa gió, bão bùng. Cũng như hạt muối:

“Hạt muối nào kia có cái phút linh thiêng xoè trắng giữa ô nề là đã đi qua ba bảy lần dầm, ba bảy lần chang, ba bảy lần lọc cát là đã đi qua ba bảy lần cô quánh thành nước chạt

mà dát mình ra mà phơi nắng, kết tinh”

Nhẹ nhàng mà sâu lắng, cứ như thế thơ Nguyễn Duy nhỏ từng giọt nước thành những mạch ngầm chan chứa yêu thương.

Có những kết luận, những bài học nhân sinh được rút ra từ những đắng cay, thất bại, từ những cái oái ăm, nhìn qua có vẻ phi lý nhưng lại thật có lý bên trong. Bằng lối diễn đạt rất riêng phát ngôn của Nguyễn Duy trở nên xác đáng, gần gũi:

“Có gì lạ quá đi thôi

khi gần thì mất… xa xôi lại còn”

(Thư tặng người xa xứ)

Câu thơ gần với ý thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”. Nhưng cách nói của Nguyễn Duy có cái gì đó mộc mạc, thân mật, gần gũi hơn.

Có những lúc vần thơ Nguyễn Duy lại dội lên cùng lúc cả những đắng cay chua xót về hậu quả lịch sử trong quan hệ quốc tế giữa các dân tộc trên thế giới. Đây là bài học đau xót trong quan hệ giữa Việt Nam với người láng giềng Trung Quốc được viết bằng xương máu nhân dân hai nước. Đằng sau

đó có cả bóng dáng những “cuộc chiến tranh bờ rào”, những cuộc “huynh đệ tương tàn” giữa các tập đoàn phe phái:

“Trớ trêu nỗi Hữu - Nghị - Quan giá như máu chẳng lênh lang mặt đèo (Lạng Sơn, 1989)

Hoặc trong bài thơ “Bức tường đen” ghi tên hàng ngàn binh lính Mỹ

chết vì chiến tranh Việt Nam. Thơ Nguyễn Duy rút ra bài học xác đáng cho kẻ xâm lược và bài học đau đớn xót xa cho số phận của thường dân Mỹ:

“Nỗi đời nay ngấm mai đau

cuộc phơi xương trắng trên đầu dân đen”

Đấy là những suy ngẫm về hậu quả ghê gớm, ám ảnh mà nhà cầm quyền Mỹ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân hai nước trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Như vậy có thể nói giọng điệu trong thơ Nguyễn Duy thật phong phú có lúc cười cợt, bông đùa để châm biếm, chế giễu, có lúc lại trầm lắng, suy tư.

“Đó là giọng của thời mình”, nhưng lại hằn in cá tính độc đáo của chính

Nguyễn Duy, của một cái tôi sắc sảo, từng trải chứ không hề pha trộn. Sự kết hợp nhịp nhàng giữa thể thơ tự do và lục bát cộng với ngôn ngữ nôm na, giản dị đã giúp cho Nguyễn Duy phơi bày dòng cảm xúc, giọng điệu đặc biệt riêng

của mình tạo nên một con người “Hình hài Nguyễn Duy là đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó” (Trịnh Công Sơn).

KẾT LUẬN

1. Cảm hứng và giọng điệu là những thành tố quan trọng để tạo ra thế giới nghệ thuật trong sáng tác của nhà văn, nhà thơ, cũng là những yếu tố cơ bản để nghiên cứu tác giả - tác phẩm văn học.

2. Trong xu thế phát triển của văn học hiện đại, hành trình của hơn 20 năm đổi mới là một khoảng thời gian đủ cho nhà văn, nhà thơ khẳng định mình. Nguyễn Duy là một trong số không nhiều nhà thơ đi qua cả chiến tranh

và hoà bình, “tiềm lực đã được đánh thức” đạt đến độ rực rỡ với nhiều tập

thơ và bút ký, tiểu thuyết, hai giải thưởng lớn ở cả hai thời kỳ, khẳng định quá trình lao động miệt mài, nghiêm túc của một nghệ sỹ chân chính. Trên con đường nghệ thuật của mình, Nguyễn Duy luôn trăn trở để tìm ra cho mình cách thể hiện mới không lẫn vào cảm hứng, giọng điệu chung của thời đại. Đó cũng là cơ sở để Nguyễn Duy khẳng định tiếng nói và vị trí của mình trong văn học hiện đại Việt Nam nói chung và văn học nhà trường nói riêng.

3. Cảm hứng sáng tác của nghệ sỹ như là một sự bắc cầu, gián tiếp quy định giọng điệu trong thơ. Nếu như cảm hứng chủ đạo trong thơ Nguyễn Duy

là “cảm hứng triết lý” thì “giọng điệu suy tư, xót xa, chiêm nghiệm” là giọng chủ âm. Bên cạnh đó trong thơ Nguyễn Duy còn có sắc thái “giọng điệu hài hước, châm biếm, bỡn cợt”. Hoà vào dàn đồng ca chung của thơ Việt Nam

nhưng người ta vẫn nhận ra chất giọng riêng khó lẫn của Nguyễn Duy.

4. Với đề tài: “Thơ Nguyễn Duy - từ cảm hứng đến giọng điệu”,

người viết mong muốn góp phần công sức nhỏ bé của mình vào việc tìm hiểu, đánh giá một phương diện nội dung và nghệ thuật của thơ Nguyễn Duy. Qua đó khẳng định những đóng góp của ông đối với thơ ca hiện đại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lại Nguyên Ân (12/4/1986), Tìm giọng mới thích hợp với người thời mình, Báo Văn nghệ.

2. Nguyễn Duy (1984), Ánh trăng, Nhà xuất bản Tác phẩm mới. 3. Nguyễn Duy (1987), Mẹ và em, Nhà xuất bản Thanh Hoá. 4. Nguyễn Duy (1984), Về, Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

5. Nguyễn Duy (1997), Bụi, Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

6. Nguyễn Đăng Điệp (1994), Giọng điệu thơ trữ tình, Tạp chí văn học số 1.

7. Hà Minh Đức (1974), Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại,

Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

8. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

9. Lê Quang Hưng (1986), Thơ Nguyễn Duy và Ánh trăng, Tạp chí Văn học số 3.

10. M.B.khrapchenco (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, Nhà xuất bản Tác phẩm mới.

Một phần của tài liệu Thơ nguyễn duy từ cảm hứng đến giọng điệu (Trang 62 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)