8. Bố cục của khoá luận
2.2.1.3. Về tình yêu
Triết lý về tình yêu là một mảng đã được đề cập khá rộng và phong phú, đặc biệt là thời kỳ 1930 - 1945 với sự giải phóng cái tôi cá nhân cũng là giải phóng sự sáng tạo của văn học. Xuất hiện những nhà thơ nổi tiếng được
phong là “ông hoàng của thơ tình” như Xuân Diệu hay người tự xưng mình
là thi sỹ của thương yêu như Nguyễn Bính, những người mà suốt đời thơ lúc nào cũng một bóng hình giai nhân như Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương… Nhiều triết lý tình yêu cũng nảy sinh từ đó. Mỗi người một định nghĩa. Tuy nhiên đặc điểm chung là thường gắn với nỗi buồn, chia ly, tan vỡ… nghĩa là không trọn vẹn, dường như thuộc về một thế giới khác, không phải thuộc về hiện hữu này.
Văn học 1945 - 1975 với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Mọi vấn đề cá nhân tạm gác lại. Tình cảm cá nhân hoà quyện chung với tình cảm cộng đồng, nó là lẽ sống lớn, tình yêu lớn. Thơ Ngân Giang viết:
“Đẹp gì chăn gối trong khi cả dân tộc sôi lên chí quật cường hãy gác tình riêng mưu nghiệp lớn để đong máu giặc dội biên cương”
Những bài thơ “triết lý về tình yêu” của Nguyễn Duy hầu như chỉ bắt
đầu được xuất hiện từ sau năm 1975 trong xu hướng đổi mới của văn học và cách nhìn về con người cá nhân trên lập trường nhân bản. Con người cá nhân lúc này có những điểm khác con người cá nhân thời kỳ văn học bước vào hiện đại hoá, nó không chỉ là sự thức tỉnh mà còn là nhu cầu khẳng định cá tính, con người nhập thế với những quan hệ, cảm xúc, tâm trạng rất thực và đời thường. Tiếng nói tình yêu khẳng định quyết liệt, đa dạng và phức tạp. Triết lý về tình yêu của Nguyễn Duy được quy chiếu bởi hạt nhân là quan niệm nhân sinh cho nên nó bao gồm hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất, nó là tình nghệ sỹ hay chính xác hơn nó mang chút phiêu lưu mà bất cứ nghệ sỹ nào
cũng có thể đa mang. Nguyễn Duy gọi là “tình tang”. Và khía cạnh thứ hai,
nó là tình nghĩa, nó mang nguồn gốc truyền thống, nảy nở từ đời sống thực của những quan hệ ân tình sâu nặng.
Ở cái tạng “tình tang”, tình yêu được Nguyễn Duy thể hiện không sôi
nổi, ồn ào, không kể lể, thở than, không day dứt như những cung bậc thơ tình mà ta thường gặp. Cái tình ấy có chút tình cờ, vu vơ lãng mạn khi ngẫu nhiên nép chung mái hiên với người con gái vì một cơn mưa bất chợt; có chút lâng
lâng mạo hiểm khó dứt khi vô tình chung một chuyến xuồng đầy với “người dưng”; có chút cao hứng hồn nhiên “hát om sòm” khi “nằm võng đi ra bể” với “đằng ấy”; có tiếng thở dài khi “bất chợt” người con gái qua đường “giăng cái đẹp ngang cầu ban mai”… Thực ra nó chỉ là khoảnh khắc nhưng
đủ làm lòng người dịu ấm trong trẻo trở lại. Không phải ngẫu nhiên mà có lần
nhà thơ khẳng định “mỗi phút thanh bình thật đắt giá”. Chút “tình tang” ấy
nếu biết trân trọng nó sẽ giúp con người sống người hơn, không phải triết gia
quàu quạu với những câu thơ “nhăn nhó nhọc nhằn”. Vậy nên Nguyễn Duy có hẳn “Bài ca phiêu lưu” để lập thuyết cho thói tình tang ấy:
tình tang là cuộc phiêu lưu tuyệt vời xin em đừng ngán cuộc chơi
phiêu lưu đã nhất trần đời là mơ xin em đừng nản lòng chờ
phiêu lưu tới bến tới bờ còn xa”
(Bài ca phiêu lưu)
Gọi là chuyện “tình tang” đấy nhưng Nguyễn Duy không coi đó là
chuyện chơi, chuyện giải trí như những người lầm tưởng, thực ra nhà thơ rất trân trọng nó. Bởi ngẫm cho cùng trong cuộc thế nhân này, chuyện chơi, chuyện thật đâu phải lúc nào cũng phân định rạch ròi. Điều cốt yếu mà Nguyễn Duy nghiệm hết sức nghiêm túc:
“Hiểu cho nhau sống đã là phiêu lưu” (Bài ca phiêu lưu)
Chuyện “tình tang” đấy nhưng cũng cần hiểu cho nhau. Mà ngẫm cho
cùng trong cuộc đời này, cái quý nhất và giữ được tất cả mọi đời sống chính
là chữ “hiểu”. Có nó cuộc đời sẽ đơn giản đi nhiều lắm. Hoá ra triết lý “tình tang” của Nguyễn Duy là một triết lý nghiệm sinh sâu sắc. Nó là triết lý của
kẻ trải nghiệm, đứng trên cuộc phiêu lưu mà chiêm nghiệm.
Ở khía cạnh thứ hai, tình yêu với Nguyễn Duy là tình nghĩa. Ông có nhiều bài triết lý về tình yêu, hạnh phúc, có cả nghiệt ngã, lạnh lùng, sòng phẳng, cả ngọt ngào đằm thắm.
Nguyễn Duy không chấp nhận sự chung chung, sướt mướt, bao biện mà dứt khoát:
“Đừng nói rằng em không yêu anh nên nói rằng em yêu anh xong rồi”
Nói về hạnh phúc giữa “chợ đời bán bán buôn buôn tít mù” nhà thơ
nghẹn ngào:
“Có hạnh phúc nào giá rẻ không em?” (Chợ)
Tình nghĩa trong thơ Nguyễn Duy là tình nghĩa vợ chồng. Nó không phải là cái tình thoáng qua như cơn mưa, như khoảnh khắc bất chợt mà nó được trải nghiệm qua thời gian, nó là điểm tựa nâng đỡ tâm hồn con người nhất là khi đơn côi, mất mát, yếu mềm. Triết lý tình yêu ở khía cạnh này, Nguyễn Duy đứng ở điểm nhìn chủ thể là một phái mạnh biết ơn người đã hy sinh, chăm lo cho mình cả khi mình không nhận ra mà suốt cuộc đời người đó không bao giờ đòi hỏi, nhiều lời. Nguyễn Duy đã dành hẳn hai tập thơ để tri
ân người đó. Tập thứ nhất “Mẹ và em”, tập thứ hai “Vợ ơi!”. Nói về “vợ”, Nguyễn Duy tự hào trân trọng:
“Em vẫn nguồn nhuận bút suốt đời ta” (Nợ nhuận bút) Nói về “nợ” nhà thơ biết ơn:
“Nợ em lận đận tháng ngày
ánh trăng ngọn gió, áng mây nợ trời” (Nợ đời) Nói về “yêu”, Nguyễn Duy xót xa, thương cảm:
“Yêu cùng ai, ghét cùng ai để cơm áo vẹo hai vai em gầy”
(Xin đừng buồn em nhé)
Tình yêu ấy là tình nghĩa thuỷ chung, là hy sinh thấu hiểu, trân trọng.
Tác giả đã từng chấp nhận bán đi một ít “vàng ròng” của tâm hồn để bớt đi nỗi “vất vả, bàn tay xanh xao” của người vợ trước cái đói của đứa con (Bán vàng). Tình cảm ấy khồn ồn ào, sôi nổi mà kết tinh, lắng đọng qua thời gian,
nó là “rượu chôn lâu đằm lịm” để dành đến “cuối đời đem ra nhấm”, nó được thử thách qua bao sóng gió “ngọt ngào thì nổi đắng cay thì chìm”.
Tình yêu với Nguyễn Duy thật giản dị: làm gì để mang đến cho nhau hạnh phúc, để được bình yên mãn nguyện khi ở bên nhau. Hạnh phúc nhất
của vợ chồng là được “trời cho sống ta cũng già em ạ”. Tình yêu đâu phải
không có khổ đau, tan vỡ nhưng những vần thơ sâu sắc nhất về tình yêu của Nguyễn Duy vẫn là những vần thơ triết lý về hạnh phúc. Sự đủ đầy, trọn vẹn của hạnh phúc nằm trọng quan niệm giá trị của mỗi cá nhân và nó chỉ thực sự tồn tại khi chính người trong cuộc cảm nhận được và trân trọng nó.
Triết lý về tình yêu, hạnh phúc trong thơ Nguyễn Duy thực chất chính là quan niệm về giá trị - một phần quan trọng của giá trị nhân sinh. Nguyễn Duy là như vậy, giản dị và thiết thực trong mọi thứ.