Thời vụ sản xuất lúa khá phức tạp tùy thuộc vào các yếu tố như: nguồn nước cung cấp, tình trạng khô hạn và ngập úng, ảnh hưởng của phèn và mặn, cả tỉnh hiện có bốn vụ sản xuất: Hè Thu (HT) - Đông Xuân (ĐX), HT - Thu Đông (TĐ) - ĐX, HT- ĐX- Xuân Hè (XH), diện tích sản xuất một vụ lúa còn rất ít (Lúa-Tôm, Lúa-Màu) thuộc huyện Vĩnh Châu và một số xã nuôi tôm thuộc huyện Mỹ Xuyên (Huỳnh Ngọc Vân, 2005), thời điểm xuống giống của mỗi vụ cũng không giống nhau ở các vùng, do đó trong tỉnh luôn có lúa hiện diện trên đồng. Hệ thống thời vụ mỗi nơi do nông dân chọn lựa tự phát duy trì qua nhiều năm, mục đích nhằm khai thác tối đa điều kiện tự nhiên của đất trồng lúa, nên xem như khá phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại của địa phương.
Trần Thị Hiền (2010) đã sử dụng tư liệu vệ tinh viễn thám theo dõi quá trình canh tác lúa với cơ cấu mùa vụ phức tạp ở ĐBSCL bằng cách sử dụng chỉ số NDVI, NDWI và EVI được tạo ra từ dữ liệu ảnh MODIS cho các giai đoạn phát triển liên tục của đồng lúa được trích ra từ dữ liệu ảnh Landsat cho thấy:
- Cơ cấu lúa 2 vụ chiếm ưu thế nhất (71%) diện tích đất trồng lúa kế đến là cơ cấu lúa 3 vụ (25%) và cuối cùng lúa 1 vụ chỉ chiếm diện tích rất ít (4%).
- Cơ cấu lúa 2 vụ thì Đông Xuân sớm – Hè Thu muộn chiếm tỉ lệ cao nhất (chiếm gần 106.680 ha) vì đây là kiểu sử dụng tốt cho đất có khoảng thời gian đất nghĩ tương đối đều nhau sau mỗi mùa vụ, kế đến là cơ cấu Đông Xuân chính vụ - Hè Thu – Thu Đông chiếm trên 34.182 ha. Đứng hàng thứ ba là cơ cấu 2 vụ lúa (Đông Xuân chính vụ - Hè Thu sớm) trên 19.565 ha, thấp nhất là cơ cấu 1 lúa (8.619 ha).
Hình 3.3: Bản đồ cơ cấu mùa vụ tỉnh Sóc Trăng