Kết luận
Trên cơ sở điều tra thực tế, lấy mẫu phân tích chất lượng nước suối Ngọc Tuyền qua một số chỉ tiêu hóa lý, dinh dưỡng cơ bản nước suối Ngọc Tuyền trong thời gian từ tháng 12/2015 đến tháng 5/2016, tôi rút ra một số kết luận sau:
- Tại khu vực dòng suối Ngọc Tuyền có hai nguồn thải chính là nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi của khu dân cư quanh khu vực. Vào mùa lễ hội, dòng suối Ngọc Tuyền còn bị ô nhiễm bởi các hoạt động tham quan của du khách khi xả thải không đúng quy định, các hoạt động dịch vụ kéo theo.
- Theo kết quảlấy mẫu nước qua 6 đợt phân tích các thông số pH, DO, COD, TSS, N-NO2-, N-NO3-, Phosphat, N-NH4+ cho ta thấy, chất lượng nước suối Ngọc Tuyền đoạn chảy qua khu vực khu dân cư và cửa sau động Nhị Thanh đã bị ô nhiễm. Mức độ ô nhiễm cao nhất là vào tháng 2, tháng 3 vì đây là thời điểm mùa lễ hội và mùa khô, cụ thể: các thông số COD cao gấp 1,2 – 1,6 lần, N-NH4+ cao hơn từ 1,12 – 1,27 lần,Phosphat cao gấp 1,05 – 1,7 lần, N-NO2- cao gấp 1,05 – 1,3 lần, DO thấp hơn từ 1,7 – 1,9 lần so với QCVN 38:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt bảo vệ đời sống thủy sinh. Các thông số COD cao gấp 1,2 – 1,6 lần, Phosphat cao gấp 1,05 – 1,7 lần so với QCVN 08:2008/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, cột A2- Dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp, bảo tồn động vật thủy sinh, hoặc các mục đích sử dụng như loại B1, B2.
- Để cải thiện chất lượng nước suối Ngọc Tuyền, nâng cao chất lượng du lịch khu danh thắng cần thiết phải có sự can thiệp của các cơ quan trong việc quản lí, kiểm soát và xử lý nguồn thải vào suối Ngọc Tuyền đồng thời cần sự tham gia tích cực của người dân quanh khu vực.
Qua việc phân tích tình hình thực tế cũng như quan trắc và đánh giá chất lượng nước suối Ngọc Tuyền, tôi nhận thấy: chất lượng nước suối Ngọc Tuyền đoạn chảy qua khu dân cư và cửa sau động Nhị Thanh đang bị ô nhiễm.
Với mục đích bảo vệ khu danh thắng Nhị Thanh, tôi có một số kiến nghị cải thiện chất lượng nước suối Ngọc Tuyền như sau:
- Cần phối hợp với các cơ quan có liên quan như Sở tài nguyên môi trường, Sở văn hóa thể thao & du lịch, các Ủy ban phường, các tổ dân phố… các cơ quan từ thấp đến cao trong việc quản lý, kiểm tra thanh tra, rà soát xử lý các vấn đề về môi trường không chỉ liên quan đến suối Ngọc Tuyền mà còn cả khu vực Danh thắng.
- Thực hiện tuyên truyền, phối hợp với người dân, những người trực tiếp tác động, ảnh hưởng đến dòng suối, ý thức được vai trò quan trọng của dòng suối cũng như trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường khu vực suối Ngọc Tuyền.
- Triển khai, áp dụng một số phương án xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với nước suối, như: xây mới nâng cấp hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Yêu cầu các hộ chăn nuôi phải xử lý nước thải trước khi xả ra hệ thống chung.