Hiện trạng nước mặt tại các khu du lịch, di tích, lịch sử tại Việt Nam

Một phần của tài liệu QUAN TRẮC CHẤT LƯỢNG NƯỚC SUỐI NGỌC TUYỀN ĐOẠN CHẢY QUA ĐỘNG NHỊ THANH PHƯỜNG TAM THANH THÀNH PHỐ LẠNG SƠN QUA VIỆC PHÂN TÍCH MỘT SỐ CHỈ TIÊU HÓA HỌC (Trang 25 - 27)

Không chỉ với số lượng lớn, các di tích tại Việt Nam còn rất phong phú về thể loại, được chia thành Di tích văn hóa, di tích thắng cảnh, di tích nghệ thuật, di tích lịch sử .v.v. Phần nhiều trong số các di tích này đều sở hữu tiềm năng phát triển các hoạt động văn hóa, du lịch rất lớn. Điều này dẫn đến thực tế là tại nhiều di tích, việc khai thác tiềm năng du lịch một cách ồ ạt, thiếu sự đầu tư, quản lí đúng đắn đã gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn không chỉ đến bản thân di tích mà còn cả khu vực xung quanh.

Vùng di sản Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận có diện tích 434 km2. Khu vực gồm có 775 đảo, những đảo đá nhấp nhô trên sóng nước tạo thành một khung cảnh huyền ảo. Trong những đảo đá có những hang động đẹp nổi tiếng... Tất cả được xem như một kiệt tác của tạo hóa. Nhìn chung, chất lượng nước ngoài khơi Vịnh Hạ Long vẫn tốt, chưa có biểu hiện ô nhiễm. Tuy nhiên, ở một số khu vực gần bờ có biểu hiện của ô nhiễm, như độ đục tăng, rác thải trôi nổi trên mặt vịnh, xuất hiện dầu mỡ trong nước biển.... Nguyên nhân của việc ô nhiễm là do việc xả rác của người dân ở khu vực ven bờ ví dụ như sau lễ hội du lịch Hạ Long, các khu ven bờ, rác thải chất thành đống. Nguyên nhân nữa xuất phát từ các tàu du lịch. Hiện có khoảng trên 520 tàu du lịch đang hoạt động trên vịnh Hạ Long, song chỉ 20% tàu có hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn. Ngoài ra, hoạt động sống của các làng chài trên Vịnh và các tàu chở hàng cũng góp phần gây nên tình trạng ô nhiễm trên. Vịnh Hạ Long là một kỳ quan mà thiên nhiên bạn tặng cho Việt Nam. Nếu không biết gìn giữ, bảo tồn thì tác phẩm tự nhiên này sẽ không được toàn vẹn và sẽ bị mai một do sự tác trách của nhiều người.

Chùa Hương thuộc thôn Yến Vĩ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, nơi có động Hương Tích với vẻ đẹp hiếm có được coi là Nam thiên đệ nhất động, một vùng sơn thuỷ hữu tình, non xanh nước biếc, không chỉ bao gồm các quần thể di tích có bề dầy lịch sử hơn năm trăm năm, mà còn là một danh thắng nổi tiếng về du lịch và lễ hội lâu đời mang yếu tố tâm linh của người dân đất Việt mỗi dịp tết đến, xuân về. Mùa lễ hội chùa Hương kéo dài khoảng 3 tháng thu hút khoảng 1,5 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên, bên cạnh những bước phát triển về kinh tế - xã hội ngày càng tiến bộ nhờ lượng khách du lịch đến Chùa Hương có mức tăng trưởng liên tục, người dân địa phương cũng như khu di tích, danh thắng phải đối mặt với một vấn đề bức xúc đó là tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất, đó là vấn đề thu gom và xử lý rác thải, nước thải Chùa Hương. Đến với chùa Hương bạn sẽ được du thuyền trên bến Đục, có thể thấy ‘vật thể lạ” nổi lềnh bềnh trên sông. Đó là túi nilon, chai nhựa, đồ ăn.v.v. Hàng năm, sau mỗi dịp lễ hội, chính quyền địa phương ở đây không có biện pháp xử lí chất thải nổi đó. Vì vậy, qua từng năm lượng rác thải đó càng nhiều, và một lượng lớn bị chìm xuống lòng bến Đục và thực sự bến Đục giờ đây đã đục thật. Mặt khác, theo số liệu thống kê của Sở khoa học công nghệ - môi trường Hà Tây số lượng sinh vật tại các dòng sông, dòng suối nằm trong phạm vi xã Hương Sơn quanh khu vực chùa Hương từ 85 loài (năm 1996) giảm xuống còn 4 loài (năm 2005). Nguyên nhân, thứ nhất có thể thấy rõ rác thải đó phần lớn là của khách du lịch hoặc là cố tình hoặc là vô ý hoặc là chưa có sự bố trí hợp lý các thùng rác dẫn đến việc vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm nguồn nước. Thứ hai, do các dịch vụ ăn uống, sinh hoạt phục vụ khách du lịch là rất lớn, lượng phế thải phát sinh từ quá trình phục vụ không được xử lý đúng nơi đúng chỗ và cũng do sự nhận thức của người dân còn kém cũng là nhân tố gây ô nhiễm nguồn nước ở nơi đây.

Chùa Cầu hay còn gọi là chùa Nhật Bản, nằm trong khu phố cổ Hội An, được công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Chùa Cầu là

công trình do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng giữa thế kỉ 16. Đây là môt trong những điểm du lịch nổi tiếng tại Hội An, đến Hội An mà chưa ghé thăm chùa Cầu coi như chưa đến. Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển của du lịch các hoạt động dịch vụ kéo theo như khách sạn, nhà hàng, ăn uống cùng với sự quản lý chưa chặt chẽ của địa phương, chùa Cầu- Biểu tượng của phố cổ Hội An đang dần trở thành nỗi ám ảnh của người dân và du khách thập phương bởi con kênh chạy qua đây ô nhiễm nặng và bốc mùi vô cùng khó chịu. Trong số hơn 6.000 m3 nước thải từ các hoạt động du lịch cũng như sinh hoạt của người dân TP.Hội An thì có đến hơn 2.000 m3 nước thải đổ trực tiếp ra kênh Chùa Cầu mà không qua xử lý. Kết quả lấy mẫu phân tích, kiểm tra của Phòng Tài nguyên – Môi trường TP.Hội An, nước thải của các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn có các chỉ tiêu oxy sinh hóa (BOD5) và vi khuẩn gây các bệnh liên quan đến đường ruột (Coliforms) vượt chỉ tiêu cho phép nhiều lần. Cũng tại các đợt kiểm tra, phòng đã phát hiện 11 cơ sở vi phạm về ô nhiễm môi trường trong việc xả thải ra kênh Chùa Cầu. Tùy tiện thải nước không qua xử lý của các hộ dân và doanh nghiệp là nguyên nhân trực tiếp khiến khu vực môi trường Chùa Cầu bị ô nhiễm nặng. Nếu không có biện pháp xử lý, khắc phục thì ô nhiễm ở chùa Cầu sẽ “đuổi” du khách ở Hội An.

Một phần của tài liệu QUAN TRẮC CHẤT LƯỢNG NƯỚC SUỐI NGỌC TUYỀN ĐOẠN CHẢY QUA ĐỘNG NHỊ THANH PHƯỜNG TAM THANH THÀNH PHỐ LẠNG SƠN QUA VIỆC PHÂN TÍCH MỘT SỐ CHỈ TIÊU HÓA HỌC (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(62 trang)
w