Khu di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh nằm trong dãy núi đá vôi phía Tây Bắc thành phố Lạng Sơn (thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn). Với diện tích trên 52 ha, nơi đây có những hang động đẹp tự nhiên, kỳ thú. Theo tài liệu của nhà địa chất, đây là vùng thuộc địa Triat, phiết thạch, các hạng động này được tạo nên rất lâu đời cách ngày nay từ 360 đến 245 triệu năm.
Động Nhị Thanh được danh nhân Ngô Thì Sĩ khám phá và tôn tạo khi ông làm quan đốc trấn Lạng Sơn từ năm 1777 – 1780. Ông là một bậc hiền thánh đã có công lao to lớn trong việc mở mang ruộng đất, yên ổn dân sinh và xây dựng Lạng Sơn thành khu thương mại sầm uất. Trong thời gian ngao du sơn thủy trong vùng ông đã phát hiện ra động Nhị Thanh và bắt đầu cho tôn tạo, xây dựng chùa Tam Giáo tại đây. Phía bên phải động là chùa Tam Giáo (có 3 đạo thờ
chung một chùa), có kiến trúc rất đặc biệt: không có mái, không có nhà, bàn thờ được đặt trong hang, hốc đá làm cho ta có cảm giác thiên tạo với những nhũ đá kỳ vỹ càng tạo nên sự linh thiêng của ngôi chùa. Bên trái chùa Tam Giáo là đường vào động Nhị Thanh và suối Ngọc Tuyền uốn lượn với nhiều ngõ ngách và nhũ đá tự nhiên rũ xuống tuyệt đẹp. Dọc theo động là suối Ngọc Tuyền làm không khí trở nên dịu mát và con đường nhỏ uốn cong theo suối. Giữa động có cửa Thông Thiên nhìn thẳng lên trời, giúp ánh sáng mặt trờ rọi xuống suối và nhiều khu vực trong hang. Hàng năm, khu danh thắng thu hút hàng nghìn lượt khách đến thăm quan hưởng ngoại, là điểm dừng chân không thể bỏ qua nếu có chuyến đi về tỉnh này.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tốc độ đô thi hóa nhanh, cho nên tại các khu danh thắng Nhất- Nhị Thanh, một số hộ dân xây dựng công trình lấn chiếm và xâm hại di tích, tình trạng xây dựng nhà không phép, lấn chiếm cảnh quan môi trường khu di tích có xu hướng ngày càng tăng, dẫn đến không gian và môi trường danh thắng Nhất, Nhị Thanh bị hủy hoại nghiêm trọng. Bên cạnh đó, trong công tác quy hoạch đô thị, thành phố đã không tính đến tốc độn suy thoái tài nguyên rừng và môi trường, dân đến việc nguồn cung cấp nước cho nước suối Ngọc Tuyền chảy qua khu danh thắng bị cạn kiệt nước vào mùa khô. Còn mùa lũ, toàn bộ lượng nước thải của hàng nghìn hộ dân ở Kéo Táu và các khối 6, 7 và khối 11 phường Tam Thanh, đổ chảy vào động, ngập úng, rác thải trôi vào trong động. Vào mùa khô, bầu không khí trong động Nhất, Nhị Thanh càng bị ô nhiễm nặng, nguồn nước thải sinh hoạt của các hộ dân chảy qua động có màu đen đặc, bốc mùi rất khó chịu, làm nhiều du khách không dám vào thăm động Nhất, Nhị Thanh. Do đó, hiện nay các cấp các ngành có liện quan đang tìm kiếm những giải pháp xử lý, ngăn chặn các tình trạng ô nhiễm, cải tạo xử lý nước thải sinh hoạt của dân cư, trước khi cho chảy qua động Nhất, Nhị Thanh… tránh lặp lại bài học Nàng Tô Thị bị đốn ngã để “Nung vôi” năm nào.