7. Kết cấu của luận văn
2.1.1. Xác định lại giới tính cần được pháp luật coi trong và bảo vệ
Theo quan niệm truyền thống, trong xã hội có hai giới tính người, đó là nam và nữ [16] Tuy nhiên, trong thời đại mới, khái niệm giới tính đã mở rộng hơn và thừa nhận sự tồn tại của giới tính thứ ba (thường gọi là ái nam ái nữ), thậm chí là có khái niệm giới tính thứ tư (người không giới tính), người sinh ra có bộ phận sinh dục không phù hợp với bộ nhiễm sắc thể dẫn đến khuyết tật bẩm sinh về giới tính, Điều 36 Bộ luật Dân sự năm 2005 của Việt Nam quy định quyền nhân thân của cá nhân là được xác định lại giới tính.
Trên thế giới và Việt Nam, ước tính cứ 2.000 trẻ em sinh ra, thì ít nhất một trẻ có bộ phận sinh dục không phù hợp với bộ nhiễm sắc thể, dẫn đến khuyết tật bẩm sinh về giới tính. Nguyên nhân dẫn đến khiếm khuyết giới tính có thể do quá trình người mẹ mang thai bị đột biến gen hoặc do di truyền bị khiếm khuyết nhiễm sắc thể. Theo y học thì đó là trường hợp lưỡng giới thật (có cơ quan sinh dục của cả nam và nữ) hoặc lưỡng giới giả (có cơ quan sinh dục của giới chính, đồng thời có thêm một số rối loạn khác.
Việc xác định hoặc nhận thức không đúng giới tính của một người sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn về tâm sinh lý trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, cũng như công việc mà người đó thực hiện. Và quan trọng hơn là sự đánh giá của cộng đồng xã hội đối với họ. Vì vậy, xác định lại giới tính được yêu cầu thực tế đặt ra và Bộ Luật Dân sự Việt Nam năm 2005 ghi nhận đó là quyền nhân thân của cá nhân.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ là Điều 36 chỉ thừa nhận quyền xác định lại giới tính trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính của cá nhân đó.
Theo thống kê của cơ quan chức năng vào cuối năm 2007 ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh giới tính là 1/10.000- 12.000 người, tức là nước ta sẽ có khoảng trên 7.000 người có cấu tạo bất thường hoặc giới tính không rõ ràng. Nếu pháp luật không công nhận quyền xác định lại giới tính sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của những người này.
Để đảm bảo việc thực hiện xác định lại giới tính trong thực tế được thuận lợi và đúng theo điều luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2008/NĐ-CP về việc xác định lại giới tính.
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định này là Điều 3 Nguyên tắc xác định lại giới tính, nêu rõ: “1. Bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình; 2. Việc xác định lại giới tính phải được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực, khoa học và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác định lại giới tính; 3. Giữ bí mật về các thông tin liên quan đến người được xác định lại giới tính, trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử liên quan đến việc xác định lại giới tính.”
Và Điều 4 – Hành vi bị nghiêm cấm: “1. Thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính; 2. Thực hiện việc xác định lại giới tính khi chưa được phép của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Điều 8 Nghị định này; 3. Tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác; 4. Phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính.”
Việc xác định lại giới tính với những quy định chặt chẽ trên sẽ đảm bảo: thứ nhất, xác định chính xác giới tính của cá nhân; thứ hai, đảm bảo ổn định xã hội. Chính vì thế, pháp luật Việt Nam không cho phép việc xác định lại giới tính chỉ do ý thích một người muốn đổi với tính từ nam thành nữ (hoặc ngược lại), những cá nhân đó không được phép thực hiện quyền này. Nhìn từ góc độ pháp lý, có thể thấy xác định lại giới tính là một quyền nhân thân có điều kiện và chỉ khi đáp ứng được các điều kiện luật định mới có quyền yêu cầu y học xác định lại giới tính chính xác. Các điều kiện đó được nêu rõ tại Khoản 1, Điều 1 – Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định 88/2008/NĐ-CP “Nghị định này quy định việc xác định lại giới tính đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác”. Và Điều 2 Nghị định này cũng giải thích rõ các thuật ngữ liên quan để tránh sự cố tình hiểu sai và áp dụng sai quyền xác định lại giới tính trong thực tế.
Sau khi xác định lại giới tính, cơ quan Tư pháp căn cứ vào Giấy chứng nhận y tế (do cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện việc can thiệp y tế xác định lại giới tính cấp) để giải quyết việc đăng ký hộ tịch cho người đã xác định lại giới tính. Sau khi hoàn tất thủ tục, họ sẽ được sửa lại giới tính trên các loại giấy tờ nhân thân như khai sinh, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, văn bằng, chứng chỉ. Người xác định lại giới tính cũng có quyền được tự do kết hôn như mọi công dân khác và làm giấy khai sinh cho con (nếu có), được nhận nuôi con nuôi...
Như vậy, có thể thấy việc “xác định lại giới tính” - trả lại giới tính thực cho những người bị khuyết tật hoặc giới tính chưa được định hình chính xác được pháp luật bảo vệ chặt chẽ, khác với việc “chuyển đổi giới tính” - được thực hiện theo “ý thích”. Thế nhưng, không ít người do chưa hiểu biết đầy đủ, cứ cho rằng pháp luật cấm “đổi giới”, mà thực ra pháp luật Việt Nam chỉ cấm
chuyển đổi giới tính với những người hoàn toàn bình thường về giới tính nhưng vẫn muốn chuyển đổi - những người bị xem là mắc bệnh rối loạn hành vi, tâm lý.