2.1.1.Biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu
Lấy con người làm trung tâm, pháp luật dân sự tôn trọng quyền cá nhân trong việc thực hiện các quyền do pháp luật thừa nhận. Do đó, biện pháp bảo vệ quyền sở hữu đầu tiên được pháp luật dân sự ghi nhận và khuyến khích thực hiện là biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu. Tự bảo vệ được hiểu là người có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp tự thực hiện các hành vi, cách thức bảo vệ quyền sở hữu nhằm tác động trực tiếp đối với chủ thể đối kháng hoặc hành vi có nguy cơ đe dọa hoặc đã, đang xâm hại đến quá trình thực hiện quyền sở hữu của mình. Tuy nhiên không phải mọi hành vi, cách thức chống lại nguy cơ hoặc hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu, chiếm hữu của các cá nhân, tổ chức đều được pháp luật thừa nhận. Quan điểm này được ghi nhận tại Điều 255 Bộ luật dân sự , theo đó “chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật” [6]. Hiểu theo nội dung Điều luật trên, các chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp chỉ được tự mình thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu của mình mà pháp luật dân sự có quy định, bao gồm: yêu cầu ngăn chặn và chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với người thực hiện quyền sở hữu, chiếm hữu hợp pháp,yêu cầu trả lại tài sản và yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, chiếm hữu bồi thường thiệt hại.
Tự bảo vệ là biện pháp bảo vệ quyền sở hữu được sử dụng thường xuyên với cách thức thể hiện đa dạng nhất trong các biện pháp bảo vệ được pháp luật dân sự ghi nhận. Không cần phải trải qua bất kỳ trình tự, thủ tục nào, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, người có quyền sử dụng đất,quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề trực tiếp thực hiện quyền đối kháng đối với hành vi và các chủ thể thực hiện hành vi có nguy cơ, đã hoặc
31
đang xâm phạm trực tiếp lên quyền sở hữu, chiếm hữu hợp pháp của mình. Đây cũng là biện pháp bảo vệ mang tính kinh tế cao nhất do tiết kiệm được thời gian, ít tốn kém chi phí cho việc giải quyết tranh chấp. Khả năng phát hiện và thực hiện sớm biện pháp tự bảo vệ giúp chủ thể quyền có thể ngăn chặn ngay từ khi hành vi xâm phạm có nguy cơ diễn ra đồng thời hạn chế một cách nhanh nhất và tối đa nhất các thiệt hại có thể xuất hiện do tác động của các hành vi này. Biện pháp tự bảo vệ thể hiện rõ nhất nguyên tắc tự định đoạt và nguyên tắc thỏa thuận của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp trong việc theo dõi, tìm hiểu, phát hiện hành vi xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng của mình cũng như chủ động lựa chọn cách thức bảo vệ phù hợp như: yêu cầu người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, yêu cầu người chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại và chủ động thương lượng, thỏa thuận bất kỳ khi nào suốt quá trình giải quyết tranh chấp.
So với các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu khác, hạn chế duy nhất để chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp thực hiện biện pháp tự bảo vệ lựa chọn phương thức bảo vệ chính là các biện pháp này không ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của tổ chức và cá nhân. Nếu cho phép người có quyền thực hiện mọi biện pháp để có thể theo đuổi quyền bảo vệ, kể cả sử dụng các hành vi trái pháp luật, sẽ dẫn đến đảo lộn trật tự xã hội, xâm phạm đến các quy định pháp luật mà nhà nước bảo vệ, từ đó khiến các chủ thể trong xã hội e ngại tham gia các giao dịch dân sự. Trên thực tế, có không ít trường hợp để bảo vệ tài sản của mình khỏi các nguy cơ xâm hại của chủ thể khác, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp đã thực hiện các hành động tự vệ ngay từ đầu đối với tài sản như: giăng dây điện quanh ao cá, vườn cây ăn quả; đặt bẫy chông, hầm hố quanh tài sản… hoặc có hành vi đe dọa, dùng vũ lực để buộc người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt thực hiện hành vi xâm phạm, trả lại tài sản hay phải bồi thường thiệt hại. Thời gian gần
32
đây, báo chí nhắc nhiều đến các trường hợp người dân đánh đập dẫn đến trọng thương, thậm chí là tử vong người trộm chó ở Nghệ An, Quảng Trị cho thấy để bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản nhiều trường hợp đã vượt quá giới hạn dẫn đến người có quyền lại trở thành người có hành vi phạm tội vì thực hiện quyền mà xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Do đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp cần rất cẩn trọng khi thực hiện biện pháp tự bảo vệ để bảo đảm quyền và lợi ích của mình được bảo vệ mà không xâm hại đến lợi ích công cộng, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác. Các cách thức tự bảo vệ mà chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, người có quyền sử dụng đất, sử dụng bất động sản liền kề có thể lựa chọn để bảo vệ quyền sở hữu của mình bao gồm:
Thứ nhất, người có quyền có thể yêu cầu ngăn chặn hoặc yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp. Quyền sở hữu, chiếm hữu hợp pháp, quyền sử dụng đất, sử dụng bất động sản liền kề mang lại cho người có quyền khả năng khai thác, sử dụng, chuyển giao theo thời hạn tài sản để đạt được một lợi ích nhất định về mặt vật chất cũng như tinh thần trong đời sống sinh hoạt cũng như trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Quá trình thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản đôi khi bị cản trở, bị xâm phạm hoặc đe dọa bị xâm phạm bởi hành vi của chủ thể khác dẫn đến chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không thể hoặc hạn chế việc thực hiện đầy đủ các quyền năng của mình. Trong trường hợp này, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền thông báo, nhắc nhở, yêu cầu chủ thể này phải chấm dứt các hành vi đó. Ví dụ, chủ sở hữu đầm tôm càng xanh hoặc người được chủ sở hữu thuê để trông coi và nuôi tôm càng xanh trong đầm của mình thực hiện nuôi tôm dự kiến trong 1 năm sẽ có tôm trưởng thành để giao cho Công ty X đã ký kết hợp đồng để xuất khẩu tôm ra thị trường nước ngoài. Nhưng trong
33
quá trình nuôi tôm trong đầm, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp phát hiện ra chủ sở hữu vườn cây bên cạnh liên tục sử dụng phân bón, hóa chất cải tạo đất làm ảnh hưởng chất lượng nước nuôi tôm trong đầm với biểu hiện một số tôm càng xanh bị chết. Trong tình huống này, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền nhắc nhở, yêu cầu người thực hiện hành vi sử dụng hóa chất cải tạo đất phải chấm dứt hành vi để đảm bảo tôm sống trong đầm không bị chết. Nếu người thực hiện hành vi trên không chấm dứt hành vi, vẫn tiếp tục sử dụng phân bón và hóa chất cải tạo đất thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có thể kiện ra Tòa yêu cầu chủ thể này chấm dứt hành vi đồng thời bồi thường về thiệt hại đã xảy ra. Trong tình huống nêu trên, dễ dàng để thấy được việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp nếu thực hiện thành công biện pháp yêu cầu người thực hiện hành vi chấm dứt hành vi sẽ hạn chế tối đa thiệt hại đối với đầm tôm, so với việc tốn nhiều thời gian để chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp kiện ra Tòa án yêu cầu chấm dứt hành vi mà trong khoảng thời gian kiện tụng, người bị kiện vẫn tiếp tục có hành vi sử dụng hóa chất, phân bón ảnh hưởng đến nguồn nước nuôi tôm. Biện pháp tự bảo vệ bằng ngăn chặn, yêu cầu dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp tạo khả năng bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm hữu một cách nhanh chóng, kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại và nhiều trường hợp có thể tránh được thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, biện pháp này phụ thuộc nhiều vào sự tự nguyện thực hiện hay không thực hiện chấm dứt hành vi cản trở việc xâm phạm quyền của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp của người được yêu cầu. Vì thế, việc thực hiện biện pháp này của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp gần như không có sự bảo đảm.
Thứ hai, người có quyền có thể truy tìm và đòi lại tài sản. Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp chính là người có quyền nắm giữ, quản lý tài sản đồng thời có quyền quyết định chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng đối với
34
tài sản có thời hạn hoặc không có thời hạn cho một người khác. Trong thực tế, nhiều trường hợp, tài sản lúc đầu rời khỏi sự quản lý, nắm giữ của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp phù hợp với ý chí của họ nhưng sau đó, tài sản lại bị người nhận chuyển giao hợp pháp chuyển cho người thứ ba mà chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không biết, hoặc trường hợp tài sản rời khỏi sự nắm giữ, quản lý của họ đến tay người khác hoàn toàn ngoài sự kiểm soát của họ. Để bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm hữu tài sản của mình, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền truy tìm tài sản. Thông qua việc thu thập thông tin về tài sản như đăng thông tin tìm kiếm, nhờ người tìm hiểu…, người có quyền đã xác định ai hiện đang là người nắm giữ tài sản bất hợp pháp tài sản của mình và tình trạng tài sản ra sao. Sau khi xác định được tài sản còn tồn tại, hiện đang nằm trong sự chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ pháp luật của người khác, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có thể thực hiện quyền đòi lại tài sản. Việc đòi lại tài sản trong biện pháp tự bảo vệ có thể là yêu cầu bằng văn bản hoặc bằng miệng được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp hoặc người được họ ủy quyền gửi đến người bị yêu cầu với một biện pháp bảo đảm duy nhất là sự tự nguyện thực hiện trả tài sản từ người có hành vi nắm giữ, quản lý tài sản không có căn cứ pháp luật. Chủ thể quyền cũng có thể chỉ cho người có hành vi xâm phạm biết rằng nếu họ không trả lại tài sản, người có quyền sẽ thực hiện kiện ra Tòa đòi người có hành vi xâm phạm phải trả lại tài sản. Bảo đảm trả lại tài sản bằng sự tự nguyện của người có hành vi xâm phạm hay chỉ cho họ nguy cơ phải hầu Tòa không phải là một sự bảo đảm chắc chắn. Do đó, việc tự đòi lại tài sản từ người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự thương lượng của cả hai bên sao cho tài sản nhanh chóng được trả lại, giảm thiểu thiệt hại cho các bên. Và trong trường hợp tự truy tìm, tự đòi lại tài sản từ người đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, không phải lúc nào chủ sở hữu, người chiếm
35
hữu hợp pháp có thể xác định được chính xác được người mình cần hướng đến để truy đòi tài sản và cũng khó khăn cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp khi phải tìm biện pháp để ngăn chặn hành vi chuyển giao, tẩu tán tài sản từ người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
Thứ ba, người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu, chiếm hữu gây ra. Khác với hai biện pháp tự bảo vệ đã nêu ở trên, điều quan trọng nhất để chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có thể tự mình thực hiện biện pháp yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, chiếm hữu bồi thường là có thiệt hại đã xảy ra đối với chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp. Yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể là yêu cầu độc lập hoặc kết hợp với yêu cầu đòi lại tài sản, hay yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở quá trình thực hiện quyền của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp. Trong quá trình yêu cầu bồi thường thiệt hại, người có quyền sẽ đưa ra yêu cầu về các khoản mục bồi thường thiệt hại với mức bồi thường nhất định do tài sản bị hư hỏng một phần hoặc toàn bộ, tài sản bị huỷ hoại, tiêu huỷ… Việc xác định mức bồi thường hoàn toàn phụ thuộc vào sự tính toán của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp trên cơ sở có sự thỏa thuận, đồng ý từ người được yêu cầu bồi thường cũng như có các chứng từ, giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí đã bỏ ra để khắc phục thiệt hại. Đương nhiên, nếu mức bồi thường không hợp lý, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp khó có thể nhận được sự bồi thường từ người bị yêu cầu. Và trong nhiều trường hợp, khi tài sản bị mất, bị hủy hoại dẫn đến chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không thể đòi lại tài sản, họ có thể yêu cầu người có lỗi gây ra thiệt hại về tài sản phải bồi thường như trường hợp người được chủ sở hữu chuyển giao quyền chiếm hữu hợp pháp nhưng đã chuyển giao cho một người thứ ba mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu và người thứ ba đã làm mất tài sản đó. Trong yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, nội dung quan trọng nhất cần
36
quan tâm chính là khả năng bồi thường cũng như sự tự nguyện thực hiện việc bồi thường của người được yêu cầu.
Như vậy, tự bảo vệ quyền sở hữu là biện pháp mà nhà nước ghi nhận để chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp thực hiện nhằm đối kháng một cách ngay lập tức, nhanh chóng và có hiệu quả với người có hành vi đe dọa, đã và đang xâm phạm đến quyền sở hữu và chiếm hữu hợp pháp tài sản của mình. Đồng thời, việc ghi nhận biện pháp tự bảo vệ cũng là cách thức để nhà nước nâng cao trách nhiệm bảo vệ sở hữu của chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản và lợi ích của mình. Bằng việc đề cao trách nhiệm các chủ thể quyền trong suốt quá trình thực hiện quyền bảo vệ, nhận thức của chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp đối với quyền sở hữu, chiếm hữu sẽ được nâng cao giúp họ không ngừng gia tăng các biện pháp bảo vệ tài sản cũng như nâng cao ý thức ràng buộc khi thực hiện chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản cho một người khác.
Pháp luật dân sự quy định biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu bên cạnh đảm bảo quyền cho các chủ thể cũng như trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp còn góp phần giảm thiểu các tranh chấp tại Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền để các tranh chấp được nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí cũng như ổn định trật tự trong giao lưu dân sự. Tuy nhiên, hiệu quả của việc sử dụng biện pháp tự bảo vệ lại phụ thuộc rất nhiều vào việc thỏa thuận, thương lượng giữa hai bên cũng như nhận thức của người có hành vi xâm phạm dẫn dến nhiều trường hợp, biện pháp tự bảo vệ không phát huy tác dụng. Và kể cả khi hai bên thỏa thuận được về việc giải quyết tranh chấp, bên được yêu cầu chấm dứt hành vi, trả lại tài sản hay bồi thường