- Mô hình dịch bệnh hiện nay và tương lai: Hiện nay, dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1, H7N9…) ở người đang xảy ra và diễn biến phức tạp ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Lịch sử hơn 100 năm qua đã xảy ra 4 đại dịch cúm có nguồn gốc từ gia cầm đã làm chết hàng trăm triệu người [12, tr5].
Thế giới ngày nay đã và đang tồn tại vô số những căn bệnh mà động vật có thể làm lây nhiễm sang người như sốt phát ban, sốt rét, sốt xuất huyết, sốt vàng, viêm não, bệnh đậu mùa, bệnh Laima, sốt Ebola, HIV/AIDS, dịch SARS, H5N1, H7N9...
Điều đáng lo ngại là nếu trước đây, các đại dịch đều phải cần từ 6 - 9 tháng mới đạt được quy mô toàn cầu thì hiện nay là 3 tháng. Nếu đại dịch cúm gia cầm trên người xảy ra thì tốc độ lan truyền nhanh gấp 38 lần so với dịch SARS và có thể có từ 2 - 7 triệu người chết khi đại dịch bùng nổ (WHO dự đoán), con số này có thể từ 20 - 100 triệu người (một số nhà bác học dự đoán). Do đó, Việt Nam phải cảnh giác với đại dịch này.
Mô hình dịch bệnh hiện nay càng ngày càng nguy hiểm. Trong tương lai gần sẽ còn xuất hiện trên người nhiều căn bệnh lây nhiễm từ động vật và thiệt hại về nhân mạng cũng như vật chất sẽ gia tăng do quá trình toàn cầu hóa, môi sinh bị hủy hoại, thay đổi khí hậu dẫn tới nguy cơ những bệnh dịch của động vật có thể đe dọa mạng sống của hàng trăm nghìn người.
- Sự phát triển khoa học - công nghệ về y tế
Thứ nhất, y học thực chứng: Trong thế kỷ XXI, lĩnh vực y học lâm
sàng sẽ có sự cải cách, biến đổi sâu sắc về quan niệm y học: Y học thực chứng (Evidence - Based Medicine) với đặc trưng quan trọng nhất là y học lâm sàng kết hợp với dịch tễ học, thống kê y học, kinh tế y tế, nối mạng liên kết toàn cầu, phạm vi trách nhiệm, sự hợp tác giữa thầy thuốc và người bệnh (y học thực chứng dựa vào bằng chứng và nâng cao trách nhiệm của thầy thuốc)... sẽ ra đời và dần thay thế y học truyền thống với đặc trưng lấy kinh nghiệm và suy đoán làm nền tảng.
Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, thầy thuốc phải kết hợp kinh nghiệm lâm sàng, kỹ năng nghề nghiệp với tham khảo nguyện vọng và yêu cầu của người bệnh để đưa ra biện pháp điều trị hữu hiệu cho từng người bệnh cụ thể. Trong điều trị, thầy thuốc phải cân nhắc giữa lợi và hại của mỗi phương pháp điều trị và đi đến một quyết định điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Như vậy, khi y học thực chứng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam sẽ xuất hiện nhu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật liên quan đến hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại... Khi người bệnh đã đồng ý khám bệnh, chữa bệnh tức là "hợp đồng" đã được giao kết. Do đó, người bệnh phải được hiểu tường tận từng chi tiết từ khâu chẩn đoán bệnh đến việc dùng thuốc... Bất kỳ một điều khoản nào phát sinh không được nêu lên trong "hợp đồng" mà bên cung cấp dịch vụ đưa ra thì bên cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm.
Thứ hai, nhân bản vô tính ở người: Các nhà khoa học của một số nước
đang nghiên cứu nhân bản vô tính người với mục đích chữa bệnh hiếm muộn. Nó cho phép một người cha không có tinh trùng hay một người mẹ không có trứng sẽ có một đứa con sinh học. Việc nghiên cứu nhân bản vô tính ở người hiện đang gặp trở ngại vì kỹ thuật, cũng như không có nhiều trứng của những phụ nữ tự nguyện hiến và đã nổ ra các cuộc tranh luận trên toàn cầu về khía cạnh đạo đức và pháp luật của nó.
Thứ ba, vấn đề y học tái sinh - sử dụng tế bào gốc trong y học: Từ trước đến nay, các tế bào gốc luôn được biết đến với những khả năng kỳ diệu cho phép tái tạo được nhiều dạng mô khác nhau, từ đó tạo ra các bộ phận cơ thể người hoàn chỉnh để thay thế cho các bộ phận cơ thể người bị tổn thương hoặc thoái hoá hoàn toàn. Trung Quốc đã thành công bước đầu khi phát hiện ra phương pháp đặc biệt cho phép tái tạo mô của các mạch máu và ứng dụng phương pháp này để điều trị một số căn bệnh, trong đó có cả chứng sơ vữa động mạch. Hiện nay, họ đang dự kiến sẽ sử dụng phương pháp này để khôi phục lại gan, tim, thận và kể cả mắt hay não.
Thứ tư, chủ động tạm ngừng sự sống - ngành khoa học mới về phục
sinh học: Từ nguyên tắc sinh học, nếu không được cung cấp ô xy, chỉ trong
4 - 5 phút não ở người sẽ chết; tế bào tim và các mô khác cũng chết, nếu không được cung cấp đầy đủ ôxy, các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra cơ chế chính của quá trình tạm ngừng sự sống. Đó là "cú sốc làm lạnh" có thể phá vỡ quá trình chết vì thiếu ô xy và cơ thể sẽ dần dần chìm vào trạng thái ngừng sống nhẹ nhàng, phiêu du. Với hy vọng khi nghiên cứu thành công ở người, các bác sỹ sẽ có thời gian cứu chữa nạn nhân khi bị tai nạn hay bị bắn như phẫu thuật, băng bó...
Thứ năm, bản đồ gien người: Trong con người có hàng tỷ tế bào được
chuyên biệt hoá để tiến hành các chức năng đặc biệt nhằm bảo đảm cho quá trình sinh hoá diễn ra bình thường; mỗi tế bào chứa một số nhiễm sắc thể đặc biệt. Sau một thời gian nghiên cứu, ngày 12/02/2001, Trung tâm nghiên cứu gien thuộc Đại học tổng hợp Washington đã công bố trên toàn thế giới bản đồ gien người. Khi có bản đồ gien người, qua phân tích vai trò của từng gien, mã di truyền của từng cặp ADN, chức năng của từng protein... y học hiện đại sẽ sử dụng liệu pháp gien để chữa bệnh cho từng tế bào hoặc bắt các protein trở thành nhà máy hoá chất sản xuất ra các tân dược đại tu cơ thể. Như vậy, quá trình lão hoá của cơ thể sẽ được kiểm soát hoàn toàn.
- Toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại tác động đến hệ thống y tế Việt Nam: Tại Việt Nam, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế đến nay, tình hình đầu tư trực tiếp của nước ngoài và thương mại quốc tế đã và đang phát triển nhanh chóng. Việt Nam, cũng như các nước chậm phát triển, đang phát triển khác đã phải đối mặt với việc giải quyết vấn đề tăng trưởng kinh tế đi đôi với việc giải quyết các vấn đề công bằng xã hội, trong đó có y tế. Các tác động của toàn cầu hóa đến hệ thống y tế và sức khoẻ nhân dân ở Việt Nam bao gồm:
+ Việc phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế làm cho thu ngân sách tăng nên ngân sách chi cho y tế cũng ngày càng tăng, đồng thời thu nhập dân cư tăng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn và điều đó đã tác động tích cực đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
+ Việc phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế cũng góp phần làm tăng thu nhập quốc gia ở Việt Nam nhưng cũng kéo theo sự gia tăng về bất bình đẳng trong thu nhập giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo, tác động cả tích cực và tiêu cực đến sức khoẻ.
+ Việc mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế sẽ xuất hiện nguy cơ lan truyền dịch bệnh, bệnh tật cũng tăng nhanh. Việc không bảo đảm việc làm, thất nghiệp, mất công bằng trong thu nhập... và các sự kiện này đã trở thành nguyên nhân chính gây trầm cảm, rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, nghiện rượu, bạo lực gia đình, tự tử, xung đột.
+ Quá trình toàn cầu hóa đã tác động đến các dịch vụ y tế ở Việt Nam, thể hiện ở 4 loại hình sau: Kinh doanh dịch vụ y tế xuyên biên giới; tiêu thụ dịch vụ y tế ở ngoài nước (thường xảy ra với những người giàu trong xã hội muốn được chữa bệnh chất lượng cao ở nước ngoài); sự hiện diện của dịch vụ
và thương mại nước ngoài ở trong nước (ví dụ qua hình thức đầu tư trực tiếp vào hệ thống bệnh viện, vào sản xuất dược phẩm); sự chuyển dịch của nhân lực y tế (thông qua việc các chuyên gia giỏi ra nước ngoài làm việc hoặc nhân viên y tế nước ngoài làm việc tại trong nước).
+ Các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng tác động đến việc tiếp cận các loại thuốc chữa bệnh mới, thuốc đặc trị. Nhu cầu về các thuốc chữa bệnh đặc trị của các nước đang phát triển và nước nghèo, trong đó có Việt Nam là rất lớn tuy nhiên giá thuốc lại quá cao. Việc tiếp cận các loại thuốc chữa bệnh mới, thuốc đặc trị cũng gặp khó khăn vì các rào cản pháp lý quốc tế liên quan đến sở hữu trí tuệ.
+ Việc gia nhập WTO đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh môi trường chính sách pháp luật trên cơ sở thực thi những chuẩn mực, quy định của quốc tế, quản lý phải minh bạch hơn, thực hiện đối xử bình đẳng với các công ty nước ngoài và dỡ bỏ các rào cản thương mại cũng như rào cản hành chính.
+ Toàn cầu hoá tác động đến việc tiếp cận thuốc điều trị do tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh của các công ty kinh doanh thuốc nước ngoài tại Việt Nam. Để hạn chế độc quyền, góp phần bình ổn giá thuốc chữa bệnh cần thiết phải nghiên cứu để có các chính sách chống độc quyền, cạnh tranh lành mạnh của các công ty này trên thị trường Việt Nam.