Đội ngũ thanh tra viên y tế

Một phần của tài liệu Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam hiện nay (Trang 65 - 68)

2.2.2.1. Về số lượng thanh tra viên và chuyên viên thanh tra

- Thanh tra Bộ Y tế hiện có 36 cán bộ, trong đó có 4 đồng chí lãnh đạo bao gồm Chánh Thanh tra và 03 Phó Chánh Thanh tra, 12 Thanh tra viên và có 7 phòng: Phòng Thanh tra Y tế dự phòng; Phòng Thanh tra Khám chữa bệnh và Bảo hiểm y tế; Phòng Thanh tra Dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; Phòng Thanh tra hành chính và phòng, chống tham nhũng; Phòng Thanh tra Dân số Kế hoạch hóa gia đình; Phòng Tiếp dân, xử lý và giải quyết đơn thư; Phòng Hành chính, Kế toán, Tổng hợp [44, tr.2].

- Công chức thanh tra chuyên ngành Cục An toàn thực phẩm, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Quản lý dược hiện có 24 người.

- Thanh tra Sở Y tế cũng không ngừng được củng cố, số lượng và chất lượng đội ngũ thanh tra y tế tại các địa phương được tăng lên hàng năm. Từ chỗ mỗi Sở Y tế chỉ có từ 1 - 2 cán bộ làm công tác thanh tra khi mới thành lập, đến nay cả nước có 270 cán bộ làm công tác thanh tra y tế chuyên trách tại Sở Y tế. Trong đó, đa số Sở Y tế có từ 02 đến 03 cán bộ phụ trách công tác thanh tra. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh có 41 thanh tra viên và công chức thanh tra và tại Hà Nội có 15 thanh tra viên và công chức thanh tra. Từ năm 2010 thanh tra y tế toàn ngành có 313 người đến năm 2014 thanh tra toàn ngành có 330 người, trong 4 năm (2010 - 2013) số tăng tuyệt đối của toàn ngành là 17 người.

Qua Báo cáo kết quả điều tra thực trạng tổ chức, hoạt động và nhu cầu đào tạo thanh tra y tế địa phương, tháng 9/2012 của Thanh tra Bộ Y tế, tại 23 Sở Y tế, việc phân loại thanh tra viên, chuyên viên thanh tra và tình hình cấp thẻ thanh tra viên được thể hiện như sau:

Bảng 2.1: Phân loại thanh tra viên, chuyên viên thanh tra và tình hình cấp thẻ thanh tra viên

TT Nội dung Số lượng (n=62) Tỷ lệ%

01 Thanh tra viên, Thanh tra chính 48 74.42

02 Chuyên viên thanh tra 14 22.58

03 Số TTV đã được cấp thẻ 39 69.35

(Nguồn: Thanh tra Bộ Y tế, Báo cáo kết quả điều tra thực trạng tổ chức, hoạt động và nhu cầu đào tạo thanh tra y tế địa phương, tháng 9/2012).

Trong 62 cán bộ thanh tra y tế thì mới có 48 cán bộ được bổ nhiệm làm thanh tra viên chiếm 74,42%, số còn lại là chuyên viên thanh tra. Mặt khác, số cán bộ thanh tra đã được cấp thẻ thanh tra viên mới chỉ có 39 cán bộ chiếm 69,35% trong tổng số cán bộ thanh tra chuyên trách ở các Sở Y tế. Như vậy, số cán bộ thanh tra được cấp thẻ thanh tra viên còn thấp, nhất là trong điều kiện định biên của Sở Y tế chỉ có giới hạn đã làm ảnh hưởng đến sự chủ động và phát huy quyền của thanh tra viên trong quá trình thanh tra và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật vì theo quy định của pháp luật cán bộ thanh tra đến cơ sở phải xuất trình thẻ thanh tra viên hoặc quyết định thanh tra.

2.2.2.2. Về chất lượng thanh tra viên và chuyên viên thanh tra

Thanh tra Bộ Y tế: Hiện có 17 cán bộ có trình độ trên đại học; các cán bộ thuộc Thanh tra Bộ Y tế đã được học tập về nghiệp vụ thanh tra và quản lý nhà nước. Trong đó đã có 12 cán bộ đã được đào tạo trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân chính trị [44, tr. 3].

Thanh tra Sở Y tế: Qua kết quả điều tra thực trạng tổ chức, hoạt động và nhu cầu đào tạo thanh tra y tế địa phương, tháng 9/2012 của Thanh tra Bộ Y tế, chất lượng thanh tra viên y tế, chuyên viên thanh tra được thể hiện qua các số liệu dưới đây:

Bảng 2.2: Phân loại thanh tra viên, cán bộ thanh tra Sở Y tế chuyên trách theo trình độ chuyên môn

TT Nội dung Số lượng (n=62) Tỷ lệ %

1 Bác sĩ 38 61,29

2 Dược sĩ 19 30,64

3 Đại học khác 5 8.07

4 Trung học 0 0

5 Có trình độ sau đại học hoặc văn

bằng 2 9 14.5

6 Biết ít nhất 1 ngoại ngữ 52 83.87

7 Biết tin học văn phòng 53 85.48

8 Đã học trung cấp lý luận chính trị 62 100

9 Đã học cao cấp lý luận chính trị 8 12.90

10 Đã học cử nhân chính trị 4 6.45

(Nguồn: Thanh tra Bộ Y tế, Báo cáo kết quả điều tra thực trạng tổ chức, hoạt động và nhu cầu đào tạo thanh tra y tế địa phương, tháng 9/2012)

Các số liệu trên đây cho thấy, 100% số cán bộ thanh tra y tế đều có trình độ đại học, có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, trong đó 12,9% có trình độ lý luận chính trị cao cấp và 6,45% có trình độ cử nhân chính trị. Đây là điều kiện khá thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao vì yêu cầu của công tác thanh tra đòi hỏi người cán bộ phải vừa có trình độ chuyên môn tốt vừa có nhận thức tốt về lý luận mới có khả năng xem xét một cách khách quan, khoa học và đưa ra kết luận chính xác về những vụ việc đã xảy ra.

Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ và tin học của các cán bộ thanh tra y tế còn hạn chế, vẫn còn 17,4% chưa biết ngoại ngữ và 3,1% chưa biết tin học. Do vậy, cần quan tâm đào tạo, đào tạo lại về ngoại ngữ, tin học cho thanh tra y tế địa phương.

Bảng 2.3:Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ đảm nhiệm công tác thanh tra y tế tại địa phương

TT Nội dung Số lượng (n=365) Tỷ lệ %

1 Đã học quản lý nhà nước chương trình

chuyên viên 284 77,8%

2 Chưa được học quản lý nhà nước chương

trình chuyên viên 81 22,2%

3 Được học nghiệp vụ thanh tra trên 1 tháng 52 14,2%

4 Đã được tập huấn ngắn hạn về thanh tra 221 60,6%

5 Chưa được học nghiệp vụ thanh tra 92 25,2%

(Nguồn: Thanh tra Bộ Y tế, Báo cáo kết quả điều tra thực trạng tổ chức, hoạt động và nhu cầu đào tạo thanh tra y tế địa phương, tháng 9/2012).

Để thực hiện tốt công tác thanh tra thì người thực thi không những phải nắm vững chuyên môn kỹ thuật mà phải có hiểu biết tốt về công tác quản lý nhà nước, có nghiệp vụ, có kỹ năng trong hoạt động thanh tra. Vì vậy, trong thời gian qua, việc đào tạo cán bộ thanh tra y tế địa phương đã bước đầu được quan tâm.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều người tham gia công tác thanh tra nhưng chưa được đào tạo về nghiệp vụ thanh tra (25,2%); tỷ lệ cán bộ được tập huấn nghiệp vụ thanh tra trên 1 tháng rất thấp (14,2%) và được học quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cũng chưa nhiều (77,8%). Điều đó đã ảnh hưởng không ít đến quá trình hoạt động và kết quả thanh tra. Do vậy, cần quan tâm đào tạo, đào tạo lại về quản lý nhà nước, đặc biệt là nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ thanh tra y tế ở địa phương.

Một phần của tài liệu Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam hiện nay (Trang 65 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)