Biện pháp kỹ thuật chăm sóc

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC SINH THÁI VÀ KĨ THUẬT CHĂN NUÔI DÚI MỐC TẠI TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN VÀ CỨU HỘ ĐỘNG VẬT RỪNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÂM NGHIỆP (Trang 43 - 46)

Ngoài những hiểu biết cơ bản về đặc điểm sinh học, sinh thái của động vật để đảm bảo cho việc nhân nuôi động vật thu được kết quả như mong muốn, người chăn nuôi cần nắm vững các yêu cầu kỹ thuật chăn nuôi chúng và kỹ thuật chăm sóc chúng cũng là một trong những yêu cầu đòi hỏi người chăn nuôi cần phải nắm vững. Cụ thể như sau:

Nguồn thức ăn: Đóng vai trò quyết định đến tính bền vững của hoạt động chăn nuôi động vật hoang dã nói chung và Dúi mốc nói riêng. Nguồn thức ăn phải đảm bảo tươi sạch, không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Chú ý đến chất lượng thức ăn, thức ăn phải có nguồn gốc rõ ràng.

Thức ăn cung cấp cho Dúi mốc phải đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng bao gồm các loại thức ăn tinh bột (ngô, sắn…) và các loại thức ăn xơ (tre, cỏ voi…). Đồng thời chú ý cung cấp đủ các nguyên tố khoáng đa, vi lượng để Dúi sinh trưởng phát triển tốt. Dúi là loài có nhu cầu rất ít về nước, nó được lấy từ thức ăn nên không cần cho Dúi uống nước. Mặt khác, khi cho Dúi ăn các loại thức ăn có hàm lượng nước cao (mía) cần chú ý về số lượng tránh làm cho Dúi bị ngộ độc.

Trước khi cho ăn, thức ăn phải được chế biến đúng kỹ thuật. Lượng thức ăn cho vào phải căn cứ vào lượng thức ăn tiêu thụ ngày hôm trước tình trạng sức khỏe của cá thể và khẩu phần ăn tiêu chuẩn. Thức ăn cho Dúi ăn cần phải thay đổi theo định kỳ để đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân đối chất dinh dưỡng cho Dúi. Phải chú ý bổ sung các chất khoáng cho Dúi. Cho Dúi ăn đầy đủ còn giúp Dúi không cắn nhau và mau lớn hơn.

Tùy vào từng giai đoạn sinh lý của Dúi mốc như Dúi con, Dúi mẹ có chửa và nuôi con, Dúi bị bệnh và thời kỳ chuyển tiếp giữa các mùa để bổ sung vitamin và khoáng vi lượng vào trong các bữa ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng và bệnh tật cho Dúi. Có thể dùng các loại thức ăn khoáng sản xuất cho các loài gia súc: chó, mèo, lợn… Đối với các chất khoáng vi lượng, vitamin có thể trộn đều cùng với ngô sau đó cho vào bát cho Dúi ăn. Khi sử dụng các loại thức ăn này cần chú ý nguồn gốc và hạn sử dụng.

Thời gian cho Dúi ăn: Do Dúi mốc hoạt động, kiếm ăn suốt ngày nên có thể cho Dúi ăn vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày nhưng tốt nhất là nên cho ăn vào buổi chiều (15h00’ - 16h00’) vì vào buổi tối Dúi hoạt động mạnh hơn, thức ăn sẽ được tiêu thụ nhanh hơn.

Dúi là loài nhút nhát với các tác động bên ngoài nên trong quá trình chăm sóc cần hạn chế tiếng ồn và nếu không thật cần thiết thì tránh có tác động tới Dúi.

* Chăm sóc Dúi sinh sản và Dúi non mới sinh

Dúi mốc cái có chửa cần được cho ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng và chú ý bổ sung thêm các chất khoáng, vitamin vào khẩu phần ăn hàng ngày. Trong quá trình nuôi con cần được cho ăn thêm các thức ăn nhiều chất dinh dưỡng như ngô, các chất khoáng.

Khi Dúi mẹ sắp sinh cần tách Dúi bố vì Dúi bố trong tự nhiên không tham gia nuôi con. Dúi mẹ có thể ăn thịt con mà nguyên nhân là do Dúi ăn không đầy đủ chất dinh dưỡng, do môi trường sống không yên tĩnh bị người hoặc động vật lạ quấy nhiễu,… Để khắc phục hiện tượng này cần cho Dúi ăn

đầy đủ chất dinh dưỡng và khoáng, chuồng nuôi cần yên tĩnh và an toàn, tránh người và vật lạ. Khi cần kiểm tra Dúi mẹ, Dúi con thì người kiểm tra cần khử mùi tay bằng cồn để tránh cho Dúi mẹ thấy có mùi lạ mà ăn thịt con.

Ảnh 05: Dúi non mới sinh

Chuồng Dúi cần phải che kín đáo, yên tĩnh và an toàn đảm bảo chuột, mèo, chó và các động vật khác không vào được. Khi Dúi mới sinh không nên quấy rầy, không xem con non, không đưa vật lạ vào chuồng, không thay đổi bố trí nội thất trong chuồng, không thay người chăm sóc, không để người lạ lại gần chuồng.

Sau khi sinh Dúi mẹ tự vệ sinh và chăm sóc cho con non nên hạn chế tác động của con người.

Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi cần lập sổ theo dõi cho từng ô chuồng. Trong sổ ghi lại tình trạng sức khỏe, khẩu phần ăn,… của các cá thể trong chuồng để tiện cho việc theo dõi và chăm sóc.

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC SINH THÁI VÀ KĨ THUẬT CHĂN NUÔI DÚI MỐC TẠI TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN VÀ CỨU HỘ ĐỘNG VẬT RỪNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÂM NGHIỆP (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(81 trang)
w