2.1. Những căn cứ để xây dựng mục tiêu GD
Việc xây dựng mục tiêu GD được căn cứ vào các yếu tố sau:
- Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật của đất nước.
- Những điều kiện, tiềm năng kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ cụ thể của đất nước.
- Yêu cầu của đất nước, của thời đại đối với nhân cách thế hệ tương lai.
- Xu thế phát triển GD của quốc gia và của thế giới. - Điều kiện hiện có của hệ thống GD quốc dân. - Trình độ hiện có của người hoc theo các cấp học.
2.2. Mục tiêu GD Việt Nam
• Mục tiêu ở cấp độ tổng quát: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
• Mục tiêu nhân cách:
Mục tiêu nhân cách thể hiện một cách khái quát nhất đó là phát triển toàn diện cá mặt của nhân cách con người (phát triển hoàn toàn các năng lực của con người và GD làm phát triển hài hòa các mặt của nhân cách như thể chất, trí tuệ, tình cảm …).
Tư tưởng về GD toàn diện đã có từ lâu trong lịch sử, nhưng đến Mác và Ăng- ghen mới đưa ra đầy đủ những cơ sở khoa học của GD nhân cách toàn diện và từ đó đã trở thành mục tiêu lý tưởng của nền GD xã hội chủ nghĩa.
Ngày khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 9.1945), Hồ Chủ tịch đã có thư gửi các học sinh và đã nhắc tới việc nền GD mới có mục tiêu là làm phát triển toàn diện con người: “một nền GD sẽ đào tạo các em nên những người công dân có ích cho nước Việt Nam, một nền GD làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” (chú ý: phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có nhưng phải có ích cho đất nước )
Yêu cầu SV nghiên cứu Luật Giáo dục và trình bày mục tiêu giáo dục của các cấp học. Nghiên cứu Luật Giáo dục ở nhà và trình bày trên lớp về mục tiêu giáo dục
Mục tiêu GD toàn diện, phát triển toàn diện các mặt của nhân cách học sinh được cụ thể hóa và được xác định trong nhiều văn kiện của Đảng.
Mục tiêu này cũng đã được cụ thể hóa và đưa vào luật. Điều 2 Luật GD 2005 đã quy định: “Mục tiêu GD là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
• Mục tiêu ở cấp độ hệ thống GD:
Mục đích GD Việt Nam được cụ thể hóa thành các mục tiêu GD cho từng cấp học, bậc học, ngành học và được quy định trong Luật GD.
- Mục tiêu GD mầm non: “Mục tiêu của GD mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một”.
- Mục tiêu GD Tiểu học: “GD tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở".
- Mục tiêu GD Trung học cơ sở: “GD trung học cơ sở nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của GD tiểu học; có học vấn phổ thông ở trình độ cơ sở và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động”. - Mục tiêu GD Trung học phổ thông: “GD trung học phổ thông nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của GD trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động”.
- Mục tiêu GD của trường dạy nghề: Mục tiêu của GD nghề nghiệp là đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ở các trình độ khác nhau, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ nhằm
tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Trung cấp chuyên nghiệp nhằm đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ năng thực hành cơ bản của một nghề, có khả năng làm việc độc lập và có tính sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào công việc.
Dạy nghề nhằm đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo.
- Mục tiêu của GD đại học: Mục tiêu của GD đại học là đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức hoẻ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đào tạo trình độ cao đẳng giúp sinh viên có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành cơ bản để giải quyết những vấn đề thông thường thuộc chuyên ngành được đào tạo.
Đào tạo trình độ đại học giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có kỹ năng thực hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.
Đào tạo trình độ thạc sĩ giúp học viên nắm vững lý thuyết, có trình độ cao về thực hành, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.
Đào tạo trình độ tiến sĩ giúp nghiên cứu sinh có trình độ cao về lý thuyết và thực hành, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát hiện và giải quyết những vấn đề mới về khoa học, công nghệ, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn. - GD thường xuyên giúp mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội. Nhà nước có chính sách phát triển GD thường xuyên, thực hiện GD cho mọi người, xây dựng xã hội
học tập.
• Mục tiêu ở cấp độ chuyên biệt:
Mục tiêu GD ở cấp độ này là những chỉ tiêu, những yêu cầu cụ thể cần phải đạt được như mục tiêu dạy, mục tiêu học, mục tiêu của chương trình, của môn học…. Những mục tiêu này cần được lượng hóa để có thể đo lường được. Mục tiêu ở cấp độ này thể hiện ở ba mặt: Kiến thức, kỹ năng, thái độ mà học sinh phải đạt được trong quá trình học tập.
- Kiến thức là hệ thống những khái niệm, phạm trù, những thông tin khoa học theo nội dung từng môn học, từng chuyên ngành cụ thể. Kết quả học tập của học sinh được đánh giá về số lượng và chất lượng kiến thức mà họ đã tiếp thu được.
- Kỹ năng là khả năng thực hiện các công việc cụ thể, sau khi học sinh đã qua một chương trình học tập, một khóa huấn luyện. Trình độ kỹ năng được đánh giá bằng sản phẩm mà học sinh làm ra. - Thái độ là biểu hiện ý thức của học sinh đối với kiến thức đã tiếp thu được và những dự định ứng dụng chúng vào cuộc sống. Thái độ được biểu hiện qua mối quan hệ của bản thân với gia đình, xã hội, công việc và ngay cả với tự nhiên. Đó là một mặt của nhân cách, biểu hiện và được đánh giá qua hành vi.