3.3.2.1. Về chính sách tiền tệ:
Với sự ra đời của thông tư số 30/2011/TT-NHNN ngày 28/09/2011, có hiệu lực từ 01/10/2011, quy định về việc áp dụng lãi suất trần đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) và cá nhân bao gồm cả khoản chi khuyến mãi dưới mọi hình thức là 6%/ năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng và 14%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Công văn này cùng với các quy định về chế tài xử lý kèm theo cũng như thái độ kiên quyết của Ngân hàng nhà nước đã góp phần ngăn chặn tình hình cạnh tranh không
lành mạnh giữa các ngân hàng thương mại,bình ổn mặt bằng lãi suất huy động, hạ nhiệt mặt bằng lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế có những thay đổi, thì việc linh hoạt trong quản lý lãi suất của ngân hàng nhà nước là điều cần thiết.
Về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, việc quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng thương mại ảnh hưởng đến nguồn vốn khả dụng của ngân hàng và chủ trương phân bổ nguồn vốn huy động của ngân hàng, NHNN cần áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sao cho phù hợp với tình hình thực tế, vừa đảm bảo an toàn thanh khoản, vừa đảm bảo cho ngân hàng tận dụng hiệu quả nguồn vốn huy động của mình vào các hoạt động sinh lời. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng công cụ dự trữ bắt buộc trong việc thực thi chính sách tiền tệ.
3.3.2.2. Hỗ trợ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt:
Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện và phối hợp với các ngân hàng thương mại cùng với các cơ quan có liên quan trong việc phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán thẻ, chi trả lương qua hệ thống ATM, kết nối hệ thống ATM giữa các ngân hàng thương mại, thu các loại phí, lệ phí, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại qua hệ thống tài khoản ngân hàng hoặc thông qua hệ thống ATM. Nhờ đó, khách hàng sẽ được tiện lợi hơn vì không cần tích trữ hoặc sử dụng nhiều tiền mặt để thanh toán, các ngân hàng thương mại thu hút được một nguồn vốn lớn tạm thời nhàn rỗi từ tài khoản thanh toán của khách hàng.
3.3.2.3. Hỗ trợ các ngân hàng thương mại nâng cao năng lực quản trị rủi ro:
Đối với rủi ro lãi suất, NHNN cần quan tâm thực hiện tốt công tác dự báo những biến động của lãi suất thị trường, nhằm cung cấp các thông tin cần thiết, kịp thời cho các ngân hàng thương mại trong việc đo lường và kiểm soát rủi ro lãi suất.
Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ các ngân hàng thương mại phát triển các nghiệp vụ phái sinh phòng ngừa rủi ro lãi suất.
Đối với rủi ro thanh khoản, NHNN cần điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc sao cho hợp lý, vừa đảm bảo ở mức cần thiết tính an toàn hoạt động của các ngân hàng thương mại, vừa tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tận dụng tối đa nguồn lực của mình để phát triền hoạt động kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, NHNN cần tích cực hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thông qua hoạt động tái cấp vốn và hoán đổi ngoại tệ, điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu sao cho phù hợp với tình hình thị trường.