Một số lỗi thường gặp khi phân tích dẫn chứng.

Một phần của tài liệu V19 rèn luyện kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng trong bài nghị luận văn học dành cho học sinh giỏi ngữ văn (Trang 37 - 40)

II. Rèn kĩ năng phân tích dẫn chứng.

3.Một số lỗi thường gặp khi phân tích dẫn chứng.

3.1. Trích sai dẫn chứng.

Việc ghi nhớ dẫn chứng với học sinh từ trước đến nay vẫn là không dễ. Trích sai nội dung, thừa/ thiếu chữ trong những trường hợp cần trích nguyên văn… là những lỗi sai thường gặp. Thực tế chúng tôi đã gặp những dẫn chứng như: Hai dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám xịt lại (Vợ

chồng A Phủ - Tô Hoài); Chí Phèo bưng bát cháo hành lên, thổi cho đỡ nóng rồi húp cái soạt (Chí Phèo – Nam Cao)… không ít trường hợp bi hài khi đã sai

còn được lựa chọn xoáy sâu phân tích: con ruồi nuôi trong xó cửa hay một lỗi sai khá phổ biến khi phân tích bài thơ Tràng giang:

Lòng quê dờn dợn vời con nước Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Hai chữ “dợn dợn” giàu tính tạo hình trong câu thơ Huy Cận đã bị nhớ nhầm thành “dờn dợn” và theo đó, người viết dễ dàng suy diễn thành một thứ cảm giác sợ hãi, lo lắng (?) rất phi lí với mạch văn bản.

Tránh lỗi này, nếu học sinh cần có ý thức nghiêm túc học dẫn chứng, khi không chắc chắn thì không nên lựa chọn dẫn chứng đó để đi vào phân tích.

Một dạng của trích sai là trích thiếu. Theo quan điểm của chúng tôi, trích

thiếu cũng là một dạng trích sai vì nó không đảm bảo tính chỉnh thể, làm sai lệch nội dung và đôi khi khiến chúng ta khai thác sót thông tin từ văn bản. Ngoài lỗi thiếu từ ngữ thông thường thì cần đặc biệt chú ý lỗi thiếu dấu câu: dấu câu cũng quan trọng, cũng biểu đạt nhiều ý nghĩa, gợi mở những cơ hội khai thác làm sáng tỏ vấn đề. Chẳng hạn trường hợp câu thơ của Xuân Diệu:

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân

Dấu chấm giữa dòng thơ thường hay bị học sinh bỏ qua. Thực tế nó được ví như một “con đập ngăn đôi dòng cảm xúc” của thi nhân, là bản lề khép mở cho hai thế giới tâm trạng, bước chuyển từ bức tranh thiên đường trên mặt đất sang những triết lí thời gian đậm màu sắc bi kịch cá nhân. Để khai thác hiệu quả dẫn chứng, cần chú ý đến phần văn bản được lựa chọn, hiểu đúng, hiểu đủ

những dấu hiệu hình thức từ từ ngữ đến câu văn và ngay cả những dấu câu nhỏ bé.

3.2. Dẫn chứng không hài hòa với lí lẽ.

Như trên đã nói, sự hài hòa giữa dẫn chứng và lí lẽ là một đòi hỏi quan trong trong bài làm văn nghị luận. Dẫn chứng không hài hòa với lí lẽ có thể thuộc vào một trong các trường hợp sau:

+ Phân tích quá ít/ quá nhiều dẫn chứng (đối với các dạng đề tự do lựa chọn, không giới hạn phạm vi dẫn chứng).

+ Đưa dẫn chứng vào bài mà không phân tích.

3.3. Dẫn chứng không được phân tích hiệu quả.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới việc dẫn chứng không được phân tích hiệu quả là việc người viết sa đà vào việc phân tích tác phẩm, không bám sát vào vấn đề nghị luận. Đáng tiếc đây lại là lỗi sai khá phổ biến. Học sinh thường chỉ chú ý trả lời câu hỏi: “Phân tích cái gì?” trong khi thực tế phải xuất phát từ mục tiêu để lựa chọn phương pháp: Từ câu hỏi “Phân tích để làm gì?” mà quyết định: “Phân tích như thế nào?”. Nếu không bám sát mục tiêu, việc phân tích rất dễ trở nên chung chung, kém hiệu quả.

Nguyên nhân thứ hai có thể là do nhiều bài viết triển khai dẫn chứng lộn xộn, tùy tiện: Khi học sinh không có ý thức sắp xếp dẫn chứng theo trình tự nhất định (Thời gian, không gian, thể loại…) thì hệ thống dẫn chứng sẽ lộn xộn, “nhảy cóc”… gây khó hiểu và khó chịu cho người đọc.

Cuối cùng, hiệu quả của việc phân tích không thể đạt tới do bài phân tích hời hợt, chung chung, nhạt nhòa, không gây được ấn tượng, bài viết không có chiều sâu từ đó cũng không tạo được sức thuyết phục.

CHƯƠNG III: MỘT SỐ DẠNG BÀI TẬP RÈN KĨ NĂNG LỰA CHỌN VÀPHÂN TÍCH DẪN CHỨNG TRONG BÀI NLVH DÀNH CHO HSG. PHÂN TÍCH DẪN CHỨNG TRONG BÀI NLVH DÀNH CHO HSG.

Kĩ năng lựa chọn và phân tích dẫn chứng sẽ được thể hiện trên những bài làm cụ thể. Thông qua bài viết, GV sẽ nắm được điểm mạnh, điểm yếu, từ đó có định hướng rèn luyện kĩ năng cho HS. Tuy vậy, trong thực tế việc viết và việc chấm, chữa các bài văn lớn, hoàn chỉnh không phải lúc nào cũng thực hiện được do những hạn chế về thời gian, sự ngần ngại, nặng nề về tâm lí khi liên tục viết bài, làm bài. Do đó, ở chuyên đề này, chúng tôi hướng tới xây dựng một số dạng bài tập cơ bản nhằm rèn kĩ năng lựa chọn và phân tích dẫn chứng cho học sinh. Đây là những dạng bài tập nhỏ, không mất quá nhiều thời gian mà vẫn phát huy được hiệu quả rèn luyện.

Một phần của tài liệu V19 rèn luyện kĩ năng chọn và phân tích dẫn chứng trong bài nghị luận văn học dành cho học sinh giỏi ngữ văn (Trang 37 - 40)