II. Rèn kĩ năng phân tích dẫn chứng.
2. Cách thức rèn kĩ năng phân tích dẫn chứng.
2.1. Rèn kĩ năng triển khai dẫn chứng khi phân tích.
Trong quá trình phân tích, người viết có thể triển khai dẫn chứng theo những cách như sau:
- Đi theo từng biểu hiện (luận điểm) của vấn đề nghị luận, trong từng biểu hiện sử dụng 1 hoặc 1 nhóm tác phẩm để chứng minh cho từng luận điểm ấy.
- Đi theo từng tác phẩm một , trong mỗi tác phẩm sẽ làm sáng tỏ các luận điểm của vấn đề nghị luận.
Tuy vậy, trong thực tế sự triển khai hết sức linh hoạt theo từng tình huống cụ thể.
“Thích một bài thơ, theo tôi nghĩ, trước hết là thích một cách nhìn, một cách nghĩ, một cách xúc cảm, một cách nói, nghĩa là trước hết là thích một con người”.
(Tuyển tập Hoài Thanh, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1982)
Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?
(Trích đề thi HSG Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2004)
Đề bài yêu cầu người viết trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến của Hoài Thanh. Ý kiến vừa đề cập đến vấn đề tiếp nhận văn học (mối quan hệ giữa người đọc và tác phẩm, tác giả) vừa khẳng định những khía cạnh cơ bản của phong cách nghệ thuật thể hiện qua tác phẩm cụ thể. Theo đó, phong cách của nhà văn thể hiện qua tác phẩm phải đảm bảo sự độc đáo (một cách) trên cả bốn phương diện (cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm, cách nói) thì tác phẩm mới có khả năng tạo nên khoái cảm thẩm mĩ cho người đọc.
Với đề bài dạng này, khi lựa chọn dẫn chứng, người viết vừa phải bộc lộ cảm thụ riêng (thể hiện quá trình tiếp nhận riêng của cá nhân - như một sự trải lòng) vừa phải có sự đối chiếu so sánh trong phạm vi nhất định để làm bật lên cái riêng của nhà văn, của tác phẩm mình lựa chọn. Khi phân tích, có thể triển khai phân tích các dẫn chứng theo từng biểu hiện của vấn đề (cách nhìn, cách
nghĩ, cách cảm, cách nói), cũng có thể phân tích theo từng tác phẩm để làm sáng
rõ cùng một lúc bốn biểu hiện trên, song rõ ràng khi cần tìm ra cái riêng, cái độc đáo người viết buộc phải có ý thức so sánh, đối chiếu giữa các tác giả, tác
phẩm.
Chúng ta cùng tham khảo đoạn phân tích dẫn chứng sau:
Tôi còn nhớ bao lần đứng trước mùa thu, lắng nghe nhịp đến nhịp đi của mùa lòng không khỏi bâng khuâng, nao nức mà không sao nói lên lời. Chỉ khi đến với những vần thơ Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu… mới thấy từng nhịp thổn thức đang lắng trong từng con chữ. Song không phải vì cùng một đề tài mà hai nhà thơ chỉ có nét giống nhau. Đọc Thu vịnh và Đây mùa thu tới, tôi vẫn nhận ra những xao xuyến riêng. Thu của cụ Tam Nguyên là mùa thu ở nông thôn,
đượm vẻ buồn đồng ruộng, còn thu Xuân Diệu lại bâng khuâng cái cảm xúc thị thành. Một bên mùa thu đã hoàn tất còn một bên thu vừa mới chớm. Một bên trước thu mà gợi tình, một bên tìm cảm xúc vương mang trong nhịp bước của nàng thu. Ngay cảnh vật thôi, cách miêu tả thật khác. Ám ảnh đến thế màu xanh vời vợi trong thơ cổ nhân:
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu
Một màu xanh ngắt là cái cao rộng, không cùng của đất trời cũng là điểm xoáy đậm đặc của con mắt yêu say. Không gắn bó với quê hương, thi sĩ có lấy ra được từ đất trời một màu xanh thăm thẳm đến thế? Người Việt Nam ai chẳng một lần rung động trước màu xanh ấy.
Cũng là sắc thu nhưng cảm quan thi sĩ Thơ mới lại bắt gặp được khoảng khắc thu phôi phai trong sắc lá:
Với áo mơ phai dệt lá vàng
Mơ phai là màu gì? Không rõ. Câu thơ nhập nhòa giữa thực và hư. Đó là cái nhòe đi của cảm xúc hay cảnh vật đang sinh sắc trong thơ. Cũng là màu vàng từng in dấu qua bao tác phẩm cổ điển, nhưng bước vào thơ Xuân Diệu nó lại tái sinh một sắc mới. Ấy là màu của mùa thu hay là màu sắc trái tim nghệ sĩ. Nếu Thu vịnh đem đến một mùa thu gợi cảm, tinh tế bằng bút pháp cổ điển thì Đây mùa thu tới lại hấp dẫn bằng bút pháp tả thực. Người đọc chạm đến từng con chữ là chạm tới bước đi của mùa.
(…) Giữa bao vần thơ thu, mãi đi về trong trái tim tôi một Thu vịnh, Đây mùa thu tới. Có phải những tác phẩm ấy đã hấp dẫn tôi, mãi sinh sắc, xanh tươi bởi mạch nguồn sáng tạo. Thế mới hay “thích một bài thơ… trước hết là thích một con người”. Một Nguyễn Khuyến lắng vào thâm trầm. Một Xuân Diệu băn khoăn gửi cái buồn vương vất vào hư không.
(Trích bài làm của Đỗ Lê Thùy Dương – HS trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ - Bài đạt giải Nhất năm 2004 với 18/20 điểm)
Ở đây người viết đã đáp ứng được cả hai yêu cầu cơ bản nhất: nêu được quá trình tiếp nhận tác phẩm của bản thân, có cơ hội chia sẻ những cảm thụ tinh tế của cá nhân trên hành trình đến với tác phẩm văn chương (Tôi còn nhớ bao
lần đứng trước mùa thu, lắng nghe nhịp đến nhịp đi….). Người viết cũng khôn
khéo lựa chọn phân tích song song hai dẫn chứng để làm rõ phong cách riêng của từng nhà văn. Khi lựa chọn phân tích song song, hai dẫn chứng phải đảm bảo vừa có nét tương đồng làm cơ sở cho sự so sánh lại vừa có nét khác biệt làm nên giá trị. Cụ thể, hai bài thơ cùng viết về đề tài mùa thu nhưng mỗi bài thể hiện một cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm, cách nói rất riêng, ghi dấu ấn riêng của hai con người thuộc hai thời đại.
Tuy vậy, sẽ hoàn thiện hơn nữa nếu người viết bám sát nhận định, làm rõ
cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm trước khi khái quát hình ảnh con người thi nhân
qua tác phẩm. Phần phân tích dẫn chứng mới chỉ làm rõ được cách nhìn, cách cảm chứ hầu như chưa đề cập tới cách nói – cũng có nghĩa là người viết dường như bỏ qua cơ hội khai thác sâu hơn vào đặc điểm nghệ thuật của hai tác giả; nhất là với hai bài thơ thuộc về hai thời kì văn học với đặc trưng thi pháp rất khác nhau như Thu vịnh và Đây mùa thu tới.
2.2. Rèn kĩ năng trích dẫn dẫn chứng khi phân tích.
Khi sử dụng dẫn chứng, người viết có thể lựa chọn hai cách trích dẫn cơ bản:
- Trích nguyên văn: trích dẫn đầy đủ, chính xác, toàn vẹn phần dẫn chứng được lựa chọn (1 câu, 1 đoạn…)
- Trích không nguyên văn: Tóm lược nội dung bằng lời văn của người viết; trích từ/ cụm từ quan trọng mang tính chất “chìa khóa” để bám sát vấn đề.
Trong nhiều tình huống, việc trích đầy đủ, nguyên văn dẫn chứng có thể khiến phần viết trở nên “cồng kềnh”, nặng nề không cần thiết, nhất là với dẫn chứng là đoạn văn xuôi. Tách đưa dẫn chứng nếu làm khéo léo có thể làm mềm hóa lời văn, tạo giọng điệu tự nhiên hơn cho bài viết.
Tùy vào mục đích phân tích, người viết sẽ lựa chọn hình thức trích dẫn phù hợp nhất, có khi là linh hoạt cả hai hình thức trên trong quá trình phân tích. Ví dụ 10:
“Làm nên nét trữ tình đầu tiên là hình ảnh “con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Chính nhịp văn, lời văn và nghĩa chữ đã góp phần gợi tả những nét thi vị thật đặc biệt của dòng sông. Câu văn rất dài chỉ có một dấu ngắt duy nhất kết hợp với điệp ngữ “tuôn dài tuôn dài”… vừa gợi tả sinh động độ dài của dòng sông, vừa đem đến cảm giác về sự liền mạch bất tận, gợi hình ảnh dòng sông uốn lượn tuôn chảy từ những dãy núi hùng vĩ của vùng biên giới Tây Bắc, miên man chảy xuống đồng bằng, lặng lẽ hòa vào sông Hồng rồi thao thiết đổ ra biển (…) Trong câu văn miêu tả rất tài hoa của Nguyễn Tuân, có thể thấy sông Đà đã nhận thêm vào dòng chảy của mình nét thơ mộng, huyền ảo của “mây trời”, sự tươi tắn rực rỡ của “hoa ban hoa gạo tháng hai” và đặc biệt là cái ấm áp gần gũi thân yêu của làn “khói núi Mèo đốt nương xuân”….”
(TS. Trịnh Thu Tuyết – Hướng dẫn ôn thi THPT môn Ngữ Văn) Ở đây, người viết muốn đi sâu khai thác nhịp văn, lời văn, dung lượng câu văn, do đó việc trích gần như nguyên vẹn câu văn dài là rất cần thiết để làm căn cứ cho nhận định. Nhưng cũng ngay trong đoạn phân tích, có những lúc người viết lại chọn cách trích dẫn chỉ từ hoặc cụm từ cần thiết giúp câu văn phân tích trở nên linh hoạt, mềm dẻo và đầy tính thuyết phục.
2.3. Các bước rèn kĩ năng khai thác dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận. - Bước 1: Định hướng khai thác dẫn chứng trên cơ sở vấn đề nghi luận:
Sau khi đã lựa chọn xong dẫn chứng, chúng ta cần bám sát các vế của
nhận định hoặc các ý (luận điểm) đã được triển khai ở phần giải thích hoặc bàn luận vấn đề, trên cơ sở đó xác định rõ những khía cạnh nội dung/ nghệ thuật tương ứng của dẫn chứng dự kiến sẽ khai thác. Trong thực tế, một dẫn chứng – cho dù chỉ là một chi tiết, một hình ảnh hay một câu, một đoạn… thì vẫn rất giàu
giá trị biểu đạt nhiều mặt, do đó nếu người viết không nắm vững định hướng thì khi phân tích hoặc sẽ chệch ra so với định hướng ban đầu hoặc sẽ chung chung, không cụ thể, không bám sát yêu cầu. Cùng một dẫn chứng nhưng khi sử dụng trong những tình huống khác nhau, phục vụ những mục đích khác nhau thì hướng khai thác cũng sẽ khác nhau.
Ví dụ 11:
Ta muốn ôm:
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn Ta muốn riết mây đưa và gió lượn Ta muốn say cánh bướm với tình yêu Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng hương thơm, cho đã đầy ánh sáng Cho no nê thanh sắc của thời tươi
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Những dòng thơ trên đây của Xuân Diệu, nếu cần phân tích để làm rõ tình yêu đời, yêu cuộc sống của nhà thơ thì cần tập trung vào khát khao ôm trọn sự sống, hệ thống các động từ mạnh, các tính từ giàu sắc thái biểu cảm… Còn nếu khai thác để chứng minh Xuân Diệu mới nhất trong các nhà Thơ mới, người viết cần tập trung vào sự mới mẻ trong dòng cảm xúc (cách thể hiện cái tôi đam mê nồng nhiệt không chút giấu che), lối thơ vắt dòng, ngôn ngữ mới mẻ, táo bạo chưa từng có…
Lưu ý: Khi khai thác dẫn chứng, luôn có ý thức phát hiện, nuôi dưỡng
những phát hiện mới, thể hiện cảm thụ riêng của cá nhân. Bài viết – dù là bài
viết của học sinh, nếu chỉ nói lại những điều đã cũ sẽ khó có thể được đánh giá cao, nhất là với bài làm của học sinh giỏi. Những dẫn chứng mới chưa từng/ rất ít được quan tâm tới hoặc phát hiện mới mẻ về một khía cạnh nội dung/ nghệ thuật ở những dẫn chứng tưởng đã cũ, quen đều góp phần tạo chiều sâu cho bài
viết, thể hiện “chất” của học sinh giỏi và gây được hứng thú mạnh mẽ cho người đọc.
Ví dụ 12: Khi phân tích những yếu tố bên ngoài có tác động làm hồi sinh tâm hồn Mị, phần lớn chúng ta mới chỉ chú ý tập trung tới bức tranh thiên nhiên Hồng Ngài vào xuân đầy sức sống, tiếng sáo gọi bạn tình dập dìu mời gọi… mà ít khi chú ý tới tiếng hát. Không phải ngẫu nhiên cả hai lời hát được trích dẫn đều là tiếng hát ca ngợi tình yêu tự do, thể hiện khát vọng yêu đương tự do mãnh liệt, thể hiện tư thế chủ động kiếm tìm tình yêu đích thực: “Ta chưa có con trai con gái/ Ta đi tìm người yêu” hay “Em không yêu quả pao rơi rồi/ Em yêu người nào em bắt pao nào” v.v. Cùng với tiếng sáo, tiếng hát tạo nên một không gian
Hồng Ngài tươi đẹp, phơi phới khát vọng tình yêu của tuổi trẻ, đủ sức đánh thức tâm hồn héo khô của Mị.
Nhìn chung, những phát hiện mới, cách cảm thụ đậm màu sắc cá nhân luôn tạo được sức hấp dẫn cho bài viết, là cách người viết đóng “con dấu riêng” cho sản phẩm tinh thần của mình.
- Bước 2: Định hướng tổ chức đoạn văn phân tích dẫn chứng:
Cấu trúc đoạn văn phân tích dẫn chứng đa dạng như cấu trúc đoạn văn thông thường. Tuy vậy, để đảm bảo sự chặt chẽ có thể theo kết cấu tổng – phân – hợp như sau:
SƠ ĐỒ KẾT CẤU ĐOẠN VĂN ĐOẠN PHÂN TÍCH
PHÂN TÍCH DẪN CHỨNG VẺ ĐẸP SÔNG ĐÀ
(Ví dụ 3)
32
Đặt vấn đề: Nêu luận điểm có chứa dẫn chứng
Phân tích cụ thể dẫn chứng làm sáng tỏ luận điểm
Khái quát luận điểm từ dẫn chứng
“Làm nên nét trữ tình đầu tiên là hình ảnh con sông Đà “tuôn dài tuôn dài….”
Chính nhịp văn, lời văn và nghĩa chữ đã góp phần gợi tả những nét thi vị … thao thiết đổ ra biển.
Trong câu văn miêu tả rất tài hoa của Nguyễn Tuân, có thể thấy sông Đà đã nhận thêm vào dòng chảy của mình nét thơ
- Bước 3: Định hướng diễn đạt khi phân tích dẫn chứng.
Ngoài những yêu cầu chung về diễn đạt trong bài làm văn, trong quá trình viết, để tỏ ra bám sát vấn đề, làm tăng tính thuyết phục, người viết cần có ý thức
đan lồng những từ ngữ có trong nhận định, ý kiến chứa đựng vấn đề nghị luận, hoặc diễn đạt bằng những từ đồng nghĩa, gần nghĩa với những từ có trong nhận định/ ý kiến đó… Người viết cũng cần quay trở lại nhắc nhở, khẳng định lại các
nội dung liên quan đến vấn đề trong và sau quá trình phân tích.
Ví dụ 13: Đề bài: Nhận xét về các nhà Thơ mới, Hoài Thanh viết: “Họ
yêu vô cùng thứ tiếng đã chia sẻ buồn vui với cha ông trong mấy mươi thế kỉ. Họ dồn cả tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”.
Bằng những hiểu biết của mình về Thơ mới, anh (chị) hãy giải thích và làm sáng tỏ nhận định trên.
Chúng tôi xin trích đoạn văn phân tích dẫn chứng trong bài làm của HS: “Yêu vô cùng thứ tiếng đã chia sẻ buồn vui với cha ông trong mấy mươi
thế kỉ”, các nhà Thơ mới không chỉ có ý thức lựa chọn sử dụng tiếng Việt cho những sáng tạo thơ ca của mình mà còn góp phần làm giàu đẹp, phong phú thêm ngôn ngữ cha ông. Chẳng hạn, cùng tả nắng, Hàn Mặc Tử có một “nắng hàng cau” tinh khôi trong buổi sớm mai thôn Vĩ:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”
Một “nắng ửng khói mơ tan” ngây ngất trong không gian “mùa xuân chín”:
“Trong làn nắng ửng, khói mơ tan Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”
Còn Lưu Trọng Lư – nhà thơ của niềm sầu mộng mênh mông thì tìm đến một buổi mai “nắng mới”:
Xao xác gà trưa gáy não nùng Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không”
Chỉ riêng nắng thôi mà bao sắc màu, bao cung bậc! “Nắng hàng cau” dịu nhẹ, trong trẻo, tinh khiết, thứ ánh nắng “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy”. Nắng ửng là nắng mới hửng lên, có chút gì e ấp như màu hồng vừa rạng lên trên gò má người thiếu nữ sớm xuân thì. Còn màu nắng mới của Lưu Trọng Lư chập chờn hư ảo như gọi lại kí ức xa xưa. Đâu phải chỉ có tiếng gà xao xác, đó cũng là cái xao xác của nắng và của hồn người! Chữ không đơn thuần là chữ, sau con chữ ấy là cả niềm tiếc nuối bâng khuâng, nỗi xót xa len nhè nhẹ khi trái tim ta va đập vào hoài niệm cũ. Gửi hồn mình vào tiếng Việt, đó phải chăng cũng là một cách thể hiện tình yêu của những nhà Thơ mới?”