II. Rèn kĩ năng phân tích dẫn chứng.
1. Một vài tiêu chí cần đạt khi phân tích dẫn chứng.
1.1. Sát.
Trước hết, việc phân tích cần bám sát vấn đề trọng tâm, phục vụ trực tiếp cho vấn đề. Cần phân biệt việc phân tích nói chung và việc phân tích dẫn chứng cho một yêu cầu cụ thể. Khi đó mục tiêu của người viết không phải là khai thác toàn diện mọi khía cạnh của dẫn chứng mà sẽ tập trung đi sâu vào những khía cạnh cơ bản, nổi bật nhất, phù hợp nhất với yêu cầu của đề bài.
Cũng cần lưu ý phân tích bám sát ở đây còn được hiểu là bám sát văn bản – tức là mọi phân tích đều phải được lấy cơ sở từ văn bản, tránh sự suy diễn vô căn cứ.
1.2. Sâu.
Khi phân tích, người viết phải đi được vào những nội dung sâu sắc, mới mẻ, có chiều sâu với khám phá riêng của cá nhân. Ngoài việc khai thác triệt các trị của dẫn chứng để làm nổi bật vấn đề cần nghị luận, người viết cũng cần có những trăn trở, suy tư riêng, những phát hiện mới, những cách cảm thụ mang màu sắc riêng.
1.3. Nổi.
Việc phân tích phải làm sáng rõ, nổi bật vấn đề, giúp người đọc nhanh chóng hình dung được hệ thống ý cơ bản, ý đồ, mục tiêu, của người viết, từ đó nhanh chóng thuyết phục người đọc với những dẫn chứng và lí lẽ được đưa ra.
1.4. Hài hòa.
Đó là sự hài hòa giữa dẫn chứng – dẫn chứng, giữa dẫn chứng – lí lẽ, tránh đưa dẫn chứng mà không phân tích, hoặc phân tích hời hợt, không đồng đều giữa các dẫn chứng có vị trí tương đương trong bài làm… Theo GS. Nguyễn Đăng Mạnh, “người viết phải tùy từng vấn đề, từng kiểu bài mà xác định tỉ lệ
giữa lí lẽ và dẫn chứng cho phù hợp”. Bởi lẽ “Bài viết chỉ có lí lẽ (hoặc dẫn chứng quá ít) sẽ trở nên khô khan… tạo cảm giác nặng nề cho người đọc. Trái
lại nếu bài nghị luận chỉ toàn dẫn chứng (lí lẽ quá ít) sẽ trở nên hời hợt và nhạt nhẽo gây cho người đọc cảm giác bài viết rỗng, thiếu sâu sắc” [4, 123].
Sự hài hòa giữa lí lẽ và dẫn chứng cũng là một đòi hỏi cần thiết nhưng đôi khi người viết chưa quan tâm thích đáng. Dẫn chứng được phân tích thỏa đáng sẽ phát huy hết giá trị, ngược lại, lí lẽ có đầy đủ dẫn chứng sẽ trở nên chắc chắn và thuyết phục hơn.
1.5. Logic.
Hệ thống dẫn chứng cũng cần phải phân tích theo trình tự lo gic (logic thời gian, không gian, trình tự kết cấu tác phẩm…) như đã được sắp xếp ở khâu lựa chọn dẫn chứng, tránh sự bừa bãi, lộn xộn, thiếu kế hoạch nghiêm túc. Chẳng hạn muốn chứng minh tư tưởng nhân đạo xuyên suốt trong văn học Việt Nam không thể đi từ các tác phẩm văn học hiện đại về văn học dân gian rồi văn học trung đại… Ngoài ra cũng cần chú ý logic ngay trong lời văn phân tích, đảm bảo sự thống nhất về quan điểm, về cách hiểu đối với các dẫn chứng được sử dụng.
Để làm rõ hơn những tiêu chí trên, chúng ta cùng quan sát ví dụ sau: Ví dụ 8: Đề bài: Tú Xương qua bài Thương vợ.
Hướng tới đề bài trên, hai phần phân tích sau đều sử dụng dẫn chứng cụ thể là hai câu luận song lại có cách phân tích hoàn toàn khác biệt:
Đoạn 1:
Hai câu thơ tiếp tựa như những giọt nước mắt của Tú Xương nhỏ xuống cuộc đời người vợ tảo tần:
Một duyên, hai nợ âu dành phận Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cách đếm số “Một…hai…” đã quá quen thuộc trong những câu ca dao dân ca xưa. Quan niệm về chữ “duyên”, chữ “nợ” cũng thật đặc biệt. Ông Tú tự nhận ra mình và người vợ đến với nhau bởi cái duyên, nhưng rốt cuộc lại trở thành cái “nợ”, “một duyên” nhưng lại có đến “hai nợ”. Chữ “duyên nợ” trong ca dao xưa được tác giả khéo léo tách thành “một duyên hai nợ” như
cách nói đay nghiến, chì chiết sự vô dụng của chính mình làm vợ thêm gánh nặng. Câu thơ chứa chan cái ngậm ngùi cho một cuộc hôn nhân “duyên ít, nợ nhiều”. Ba chữ “âu đành phận” vang lên như một tiếng thở dài. Sang đến câu tiếp theo, nhà thơ sử dụng phép đảo ngữ “năm nắng mười mưa” nhằm nhấn mạnh sự vất vả hi sinh của người vợ. Điều đáng quý là dẫu khổ cực là thế song bà Tú có bao giờ “dám quản công”. Bà chấp nhận sự hi sinh như một điều gì tất yếu. Hình tượng người vợ, vì thế lại càng trở nên đẹp đẽ, cao thượng gấp nhiều lần.
(Bài làm của học sinh)
Đoạn 2:
Quả thật, bài thơ viết về người vợ song không chỉ có hình tượng người vợ hiện lên chân thực, sống động mà cả hình tượng người chồng – ông Tú cũng gây nhiều ấn tượng mạnh mẽ cho bạn đọc. Ở những dòng thơ tiếp, Tú Xương hiện lên là người biết quý trọng vợ, biết ơn sự hi sinh hết mình cho chồng con của vợ:
“Một duyên hai nợ âu đành phận Năm nắng mười mưa dám quản công”
Nhà thơ đã sáng tạo chữ duyên nợ thành “một duyên hai nợ” vừa miêu tả được tình thương yêu của mình đối với vợ, vừa dự cảm những khó khăn thử thách mà hai vợ chồng đã phải vượt qua. Duyên nợ chỉ một hai mà đủ sức giúp nhau vượt qua “năm mười mưa nắng”. Mưa nắng của đất trời và mưa nắng của cuộc đời. Chi mà duyên – một cuộc đời đeo hai gánh nợ, âu cũng là số phận mà bà đành chịu một đời năm nắng mười mưa. Ấy là Tú Xương nghĩ vậy chứ bà thì không hề có ý ấy, trước sau như một, bà chấp nhận hi sinh thầm lặng: “âu đành phận, dám quản công”. Ông thấy được ở bà một người vợ vô cùng nhân hậu, giàu đức hi sinh. Còn chúng ta, độc giả hình dung thấy một ông Tú đang buồn vì chưa làm tròn trách nhiệm của một người cha, người chồng đối với đàn con và vợ. Nhưng dù sao thì Tú Xương cũng là một con người có nhân cách đẹp qua những gì ông tự suy nghĩ, dằn vặt mình.”
(Nguyễn Thị Hiền – THPT Xuân Trường. Trích theo: Những bài làm văn
chọn lọc 11, NXB Giáo dục, 1997).
Nhìn tổng thế, có thể thấy cả hai đoạn phân tích đều bám sát văn bản, khai thác khá đầy đủ, phong phú các yếu tố về nội dung, hình thức của dẫn chứng được phân tích. Tuy nhiên, đoạn 1 chỉ phân tích văn bản một cách thuần túy, đoạn 2 mới đáp ứng được yêu cầu cụ thể của đề bài khi có ý thức tập trung vào hình tượng ông Tú ngay từ câu dẫn (hình tượng người chồng… gây nhiều ấn
tượng mạnh mẽ, Tú Xương hiện lên là người biết quý trọng vợ) cho tới nội dung
phân tích cụ thể (Nhà thơ đã sáng tạo … miêu tả được tình thương yêu của mình
đối với vợ) và nhất là qua câu tiểu kết cuối đoạn (dù sao thì Tú Xương cũng là một con người có nhân cách đẹp qua những gì ông tự suy nghĩ, dằn vặt mình)
v.v. Người viết bước đầu có những phát hiện mới khi so sánh Duyên nợ chỉ một
hai mà đủ sức giúp nhau vượt qua “năm mười mưa nắng”. Lời văn phân tích có
thể chưa thật sắc sảo song người viết đã chứng tỏ mình hiểu và luôn cố gắng làm sáng tỏ nội dung được yêu cầu.
Như vậy, bám sát các tiêu chí là “chìa khóa” đầu tiên để đi tới thành công cho quá trình phân tích dẫn chứng trong bài văn NLVH của HSG.