Quy hoạch, bảo tồn tài nguyên du lịch

Một phần của tài liệu tiểu luận kinh tế du lịch giải pháp phát triển bền vững ngành du lịch của thành phố hà nội (Trang 31 - 33)

Muốn phát triển bền vững thì không chỉ khai thác mà còn phải tái tạo, duy trì sức sống của các điểm du lịch, cảnh quan.

3.5.1. Nâng cao điều kiện sống cho người dân ở khu phố cổ và khu phố cũ

Trước sự xuống cấp của các công trình kiến trúc cổ trong khi nhu cầu của người dân sống trong các công trình này ngày càng gia tăng, việc tìm cách cải thiện điều kiện sinh sống của người dân được cho là giải pháp chủ đạo và lâu dài, giúp cho các công trình kiến trúc cổ không tiếp tục bị biến dạng một cách tiêu cực. Muốn giải quyết vấn đề này cần phân tích rõ các nhóm kiến trúc cổ gắn với dân cư để có những hành động cụ thể, thiết thực.

3.5.2. Triển khai chi tiết quy hoạch bảo tồn không gian di tích

Ưu tiên nguồn vốn trùng tu, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng và những di tích có giá trị về lịch sử văn hóa.

Soạn thảo và niêm yết các quy định về bảo vệ tài nguyên và môi trường tại các di tích. Nghiêm cấm và giải quyết triệt để các trường hợp xâm hại đến di tích làm mất cảnh quan môi trường.

Hiện nay, nhiều di tích bị tu sửa sai quy cách do sự thiếu hiểu biết của những người có trách nhiệm và cả đơn vị thi công. Việc tu bổ di tích còn dựa vào kinh nghiệm, ít dựa vào luật và các văn bản dưới luật, kết quả là di tích gốc bị biến dạng, nhất là đối với các di tích kiến trúc nghệ thuật. Chính vì thế, cần có những người chuyên môn cao giám sát quá trình tu sửa.

3.5.3. Tiếp tục đầu tư cho bảo tồn

Bên cạnh việc cấp ngân sách trực tiếp cho việc nghiên cứu các di tích và các công trình tu bổ, tôn tạo di tích, Nhà nước có thể tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tôn tạo, bảo tồn các di tích, với điều kiện phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định về chuyên môn. Khuyến khích các nguồn vốn xã hội hóa, vốn doanh nghiệp và nguồn vốn khác thực hiện các chương trình bảo tồn. Mặt khác, việc bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ hoàn toàn có thể huy động các nguồn lực từ nhân dân.

3.5.4. Đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn

Sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng đang là vấn đề chung cho hoạt động bảo tồn, trùng tu di tích với đặc thù không những phải xử lý các vấn đề liên quan đến các yếu tố kỹ thuật, thẩm mỹ mà còn phải ứng xử phù hợp với các yếu tố lịch sử, văn hóa, các đặc trưng và giá trị truyền thống. Trong ngắn hạn và dài hạn, việc ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn cần được chú trọng.

3.5.5. Khôi phục và phát triển các làng nghề - loại hình nghệ thuật truyền thống

Hiện nay, các làng nghề và các loại hình nghệ thuật truyền thống đang dần bị mai một và có nguy cơ biến mất. Chúng ta cần phải tích cực đầu tư vào những nhân tố này như việc xây dựng phát triển thêm nhiều các sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống như nhà hát chèo, nhà hát múa rối nước,…, khôi phục lại các làng nghề cổ đang dần mai một. Nên trợ cấp cho người nghệ sĩ cũng như tạo điều kiện ưu tiên cho những lao động ở khu vực làng nghề để họ có cơ sở gắn kết với nghề. Đồng thời, cũng nên mở các chuyến tham quan,trải

nghiệm thực tế giáo dục cho giới trẻ, vì chính các bạn trẻ sẽ là người giữ vững được lửa nghề văn hóa truyền thống - giữ vững nét đặc sắc văn hóa dân tộc thu hút bạn bè du lịch bốn phương.

3.5.6. Tăng cường hợp tác quốc tế

Hợp tác quốc tế là nhu cầu không thể thiếu được trong hoạt động bảo tồn với các di sản văn hóa có quy mô lớn và phức tạp như các khu đô thị cổ. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn được hiểu theo hai khía cạnh, đó là khía cạnh tài chính và khía cạnh chuyên môn. Trong quá trình hợp tác, sự giúp đỡ về tài chính của các nước là quan trọng, nhưng đáng quý hơn là về kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức chuyên sâu về bảo tồn của các chuyên gia nước ngoài.

3.5.7. Xây dựng ý thức - giáo dục nâng cao trách nhiệm giới trẻ

Tuyên truyền, vận động du khách tôn trọng thuần phong, mỹ tục của người dân địa phương. Đồng thời xây dựng ý thức cho người dân về sự hiếu khách và bảo tồn các tài nguyên du lịch.

Giáo dục văn hóa cho thế hệ trẻ: thế hệ trẻ chính là người sẽ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của Hà Nội, vì thế, cần đặc biệt quan tâm đến thế hệ này. Đây là những “hạt mầm” cần nhân rộng, phải tạo cho lớp trẻ niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương ngay từ khi còn nhỏ và khi còn trên ghế nhà trường, tổ chức các cuộc thi tài năng viết về văn hóa cho lớp trẻ; tạo điều kiện để có nhiều cơ hội được khám phá và trải nghiệm văn hóa lịch sử Hà Nội, như được miễn phí vé tham quan di tích hoặc phải trả mức phí rất thấp.

Một phần của tài liệu tiểu luận kinh tế du lịch giải pháp phát triển bền vững ngành du lịch của thành phố hà nội (Trang 31 - 33)