Chương 3: Xu hướng biến đổi lợi thế so sánh của các sản phẩm xuất khẩu chủ lực vùng Tây Nguyên
3.3.2. Thuận lợi bước đầu
Vùng đất Tây Nguyên có nguồn tài nguyên nông nghiệp như: đất, nước, khí hậu… rất thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ mới vào nông nghiệp. Bước đầu, Tây Nguyên đã và đang là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước với nhiều loại nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: rau, hoa, quả xứ lạnh, cà phê, chè Ô Long, Sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm, …
Điển hình là tỉnh Lâm Đồng đã hình thành nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và đang dẫn đầu cả nước về hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Tỉnh có trên 50% diện tích rau, hoa; 25% diện tích chè; 11% diện tích cà phê được ứng dụng công nghệ cao. Nhiều diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao đạt từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Kim ngạch nông sản xuất khẩu chiếm tới 80% giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Là thủ phủ trồng cà phê, Đắk Lắk chiếm 30% diện tích cà phê cả nước, với sản lượng trên 450.000 tấn cà phê nhân/năm. Theo quy hoạch, đến năm 2020, Đắk Lắk sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 30 ha tại Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh. Đắk Lắk cũng sẽ xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây cà phê với diện tích 40.000 ha, hồ tiêu 3.000 ha, bơ 3.000 ha, lúa lai F1 840 ha, ngô cao sản 46.000 ha, rau an toàn 1.000 ha.
Một địa phương khác trong vùng là tỉnh Kon Tum mới đang dần hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đáng kể có vùng sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh và chăn nuôi đại gia súc tập trung (dê sữa, bò sữa, bò thịt) gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông (3.000 ha). Vùng sản xuất cà phê sạch đạt chuẩn Quốc tế mang thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” (500 ha). Vùng chăn nuôi gia súc tập trung và nuôi cá nước ngọt huyện Ia HDrai (quy mô 2.000 ha).