Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới, muốn nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cà phê cần phải có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Những tiến bộ mới về khoa học – kỹ thuật ở Tây Nguyên đã và đang góp phần đáng kể trong sản xuất cà phê và các loại nông sản khác. Việc liên kết các chuỗi sản xuất ( nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp) giúp các quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm được tốt hơn. Đồng thời, liên kết sản xuất ở quy mô lớn giúp cho việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật ngày càng dễ dàng hơn so với việc sản xuất nhỏ lẻ. Thực hiện cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ khoa học – công nghệ gắn với các doanh nghiệp để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn và đời sống sản xuất. Nhà nước cũng có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp nông lâm ngư nghiệp áp dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp ở Tây Nguyên.
Các nghiên cứu ứng dụng phát triển nông nghiệp Tây Nguyên cũng đã được triển khai theo định hướng tổ hợp các công nghệ để giải quyết đồng bộ các yêu cầu thực tiễn. Ðó là xây dựng giải pháp ứng dụng đồng bộ một số phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong canh tác cà-phê, chè, hồ tiêu như thuốc bảo vệ thực vật Anisaf SH-01, phân nhả chậm CH03, CH06, POLYFA-TN3, chất giữ ẩm polymer thân thiện môi trường AMS-1, chất giữ ẩm CH24, polyme chống xói mòn PAM... Các công nghệ không chỉ làm tăng năng suất cây trồng, tăng độ phì đất mà còn chống xói mòn đất, ứng phó với hạn hán, sâu bệnh do biến đổi khí hậu. Các công trình đã thực hiện thử nghiệm thực tế và thành công tại ba tỉnh: Ðác Lắc, Ðác Nông, Lâm Ðồng. Công nghệ cấy chuyển phôi bò sữa cao sản góp phần nhân nhanh đàn bò sữa cao sản, nâng cao chất lượng con giống bò sữa tại Tây Nguyên. Nghiên cứu ứng dụng thụ tinh nhân tạo, nhân giống heo rừng Tây Nguyên và lai tạo heo rừng thương phẩm đã chuyển giao cho doanh nghiệp triển khai. Công nghệ chiếu sáng
LED phục vụ nhân giống, điều khiển quá trình sinh trưởng của bảy loại cây trồng tại Tây Nguyên. Công nghệ viễn thám và thông tin đã thực hiện giám sát lớp phủ rừng, biến động sử dụng đất và phát triển một số dịch vụ đa phương tiện giám sát các thông số môi trường sản xuất trên nền mạng viễn thông WIMAX tại vùng Tây Nguyên.