2. Gợi ý chính sách
2.4. Các giải pháp đề xuất khác
Tăng cường thực hiện tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong thực tế, giải pháp
này đã và đang được chính phủ Việt Nam thực hiện thí điểm, tuy nhiên nhóm tác giả cho rằng đây là một giải pháp toàn diện, cần được áp dụng rộng rãi trong tương lai. Thực hiện tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công không chỉ làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, mà còn tạo động lực cho các đơn vị công tăng cường đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ, tinh giảm bộ máy hoạt động,… Điều này không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước mà còn góp phần phát triển chất lượng bộ máy tài chính công về lâu dài. Tuy nhiên, để thực hiện được biện pháp này, yêu cầu mỗi cán bộ tại đơn vị công phải tăng cường cải thiện nghiệp vụ, cũng như luôn có thái độ, trách nhiệm cao đối với công việc, để người dân cảm thấy chất lượng hàng hóa công mà mình nhận được xứng đáng với mức thu phí cao hơn mức thu trong quá khứ. Đây là nhiệm vụ dài hạn, cần sự tham gia tích cực của cả nhà nước và nhân dân để hoàn thành. Do đó, Nhà nước cần sát sao đôn đốc, giám sát và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công ngay từ bây giờ, để công cuộc tự chủ hóa đạt được hiệu quả tối ưu nhất.
Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các công trình công. Đây
là hình thức không mới nhưng mới chỉ bước đầu được thực hiện mạnh mẽ tại Việt Nam vài năm gần đây. Việc cho phép các tổ chức tư trong và ngoài nước đấu thầu, đầu tư, thi công một phần hay toàn phần các công trình công dưới sự giám sát, quản lí của các tổ chức công không chỉ giúp giải phóng áp lực cho ngân sách công mà còn đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, tạo một lượng lớn việc làm cho người lao động và thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân. Bên cạnh những lợi ích dễ thấy, biện pháp này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lí, giám sát của các tổ chức công, bởi các bộ phận này cần thực hiện các thủ tục một cách chặt chẽ, nghiêm túc để đảm bảo quá trình xây dựng các công trình công lập diễn ra an toàn, đảm bảo chất lượng, không xảy ra tiêu cực.
Nhìn chung, về lâu dài, giải pháp sẽ không phải là làm thế nào để bù đắp thâm hụt mà phải thực hiện tăng thu và giảm chi hiệu quả. Bởi khi thâm hụt xảy ra, khả năng cao là Chính phủ sẽ thực hiện đi vay trong và ngoài nước dẫn đến các hậu quả kinh tế lâu dài như làm tăng lãi suất thị trường, gây mất ổn định tỉ giá,… Như đã đề cập ở trên, tăng thuế là một trong những giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước nhưng lại không phải cách làm nhận được sự ủng hộ từ công chúng, chưa kể đến việc tăng thuế quá cao hoặc không hiệu quả dẫn đến trốn thuế, chuyển giá, giảm đầu tư nước ngoài hay nới rộng khoảng cách giàu nghèo trong dân chúng. Thêm vào đó, theo cam kết Hiệp định thương mại thì Việt Nam phải giảm thuế phí theo lộ trình.
KẾT LUẬN
Với bài nghiên cứu “Ảnh hưởng của thâm hụt ngân sách nhà nước đến tăng trưởng
kinh tế Việt Nam từ 2000 – 2016”, nhóm tác giả đưa ra kết luận về tác động tích cực của
thâm hụt ngân sách nhà nước lên GDP của Việt Nam trong khoảng thời gian từ 2000 – 2016. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng đưa đến mối quan hệ ngược chiều, dù không chặt chẽ giữa thâm hụt ngân sách lên một biến số kinh tế vĩ mô là tỉ lệ lạm phát. Ngoài ra, giữa tỉ lệ lạm phát và tăng trưởng GDP có mối quan hệ thuận chiều được cho là phù hợp với lí thuyết kinh tế theo trường phái Keynes dù quan hệ giữa hai biến số này là chưa chặt chẽ. Tuy nhiên do tập mẫu vẫn còn khá khiêm tốn và dữ liệu cung cấp từ các nguồn đáng tin cậy chưa thực sự đầy đủ, cộng thêm tác động của các cuộc khủng hoảng trong khoảng thời giam từ 2009 – 2011 là rất lớn có thể dẫn đến sự sai lệch trong quan hệ của các biến số trên.
Bài nghiên cứu của nhóm tác giả sử dụng mô hình gốc của Shojai (1999) cho 5 biến độc lập, tuy nhiên trong quá trình chạy thử mô hình theo phương pháp OLS trên phần mềm Gretl thì chỉ còn hai biến là thâm hụt ngân sách nhà nước và tỉ lệ lạm phát là có ý nghĩa thống kê và giải thích được đến 99% mối quan hệ giữa các biến trong mô hình nên nhóm quyết định giữ lại hai biến trên và loại bỏ ba biến còn lại của mô hình gốc. Thêm vào đó, số liệu của ba biến đã loại bỏ không được cung cấp đầy đủ bởi các nguồn tin cậy nên rất có thể dẫn đến sai lệch về kết quả nghiên cứu và gây ra khuyết tật về phân phối chuẩn của mô hình.
Sau khi đưa ra đánh giá về kết quả kiểm định và nghiên cứu, nhóm tạm thời kết luận mô hình không mắc các khuyết tật quá nghiêm trọng và do đó có thể đảm bảo một phần về mức độ tin cậy của mô hình phân tích dù tập mẫu khá khiêm tốn. Đối với kết quả nghiên cứu chung, nhóm kết luận rằng trong giai đoạn 2000 – 2016 thì quan hệ giữa thâm hụt ngân sách và tăng trưởng kinh tế là thuận chiều nhưng mức độ thâm hụt của Việt Nam là chưa thực sự “lành mạnh” khi xoay quanh 5% và có một mức thâm hụt “an toàn” mà tại đó đảm bảo tăng trưởng ổn định. Qua đó, nhóm tác giả cũng đưa ra một số giải pháp tạm thời giúp tăng trưởng kinh tế và tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, về dài hạn vẫn đòi hỏi sự tham gia của Nhà nước trong việc cải thiện tình hình về thu ngân sách, liên quan đến việc tăng thuế hiện tại vẫn còn khá nhức nhối ở Việt Nam.