CHƯƠNG 3 PHÂN TÍCH HÀNH VI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRONG NGÀNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM
2.2. Hoạt động nghiên cứu và phát triển
Tại Việt Nam, hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực viễn thông nói riêng còn rất hạn chế. Các công trình nghiên cứu ít, chất lượng kém và tỷ lệ ứng dụng thấp. Đến nay, các tập đoàn công nghệ, viễn thông lớn trong nước đều đã thành lập Trung tâm R&D như FPT, Viettel, CMC. Đáng chú ý, Tập đoàn Viettel coi việc đầu tư cho R&D là một trong 3 trụ cột cùng với viễn thông và đầu tư nước ngoài. Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel (Viettel R&D) là một trong những nơi nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ phục vụ cho cả mục đích dân sự và mục đích quốc phòng. Đáng chú ý, Viện đã nghiên cứu, thiết kế thành công nhiều sản phẩm phục vụ cho quốc phòng được đánh giá cao, giúp thay thế việc phải nhập khẩu và tiết kiệm tiền cho Nhà nước. Viettel cũng sản xuất các sản phẩm, thiết bị cảnh báo sóng thần, cảnh báo hồ chứa, thiết bị giám sát nhà trạm, tủ nguồn, USB 3G, điện thoại 3G…
Ngoài ra, Tập đoàn Viettel còn thành lập 2 viện nghiên cứu khác và 2 công ty phần mềm, ước tính tổng nhân lực đang làm việc ở bộ phận nghiên cứu, sáng tạo khoảng 4.500 nhân sự (trong đó có 3.000 tiến sĩ, kỹ sư, lập trình viên). Được biết, doanh thu bước đầu trong lĩnh vực này năm 2014 đạt 5.500 tỷ đồng; hằng năm Viettel dành chi đến 400 triệu USD cho R&D… Việc đầu tư vào R&D, Viettel đặt mục tiêu trở thành tập đoàn không chỉ cung cấp dịch vụ mà còn sản xuất thiết bị công nghệ cao. Cụ thể, Viettel xác định đến năm 2020 trở thành tổ hợp nghiên cứu sản xuất với các mục tiêu cụ thể về thiết bị quân sự, công nghiệp quốc phòng và thiết bị hạ tầng viễn thông để bảo đảm an ninh mạng viễn thông trong nước.
Tập đoàn FPT cũng đã thành lập Viện Nghiên cứu công nghệ để đầu tư cho R&D. Được biết, viện nghiên cứu này của FPT tập trung vào 4 hướng nghiên cứu: Ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, công nghệ vũ trụ, năng lượng mới, công nghệ sinh học. Tương tự, Tập đoàn CMC cũng đã thành lập bộ phận R&D. Muộn hơn, năm 2015, Tập đoàn VNPT Trung tâm Nghiên cứu phát triển. Tùy nhiên, hoạt động nghiên cứu phát triển ở Việt Nam còn gặp một số hạn chế do các nguyên nhân sau:
(1). Việt Nam chưa có thị trường khoa học công nghệ phát triển: Có một thực tế hiện nay, các nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu, các trường đại học rất ít có cơ hội để đưa vào ứng dụng, thương mại hoá thành sản phẩm để kinh doanh. Trong khi đó, các công ty của Việt Nam thì rất ít công ty có khả năng duy trì một đội ngũ nghiên cứu phát triển đủ chất lượng để nghiên cứu, định hướng sản phẩm mới cho đơn vị.
(2). Vấn đề sở hữu trí tuệ: Mặc dù Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, vi phạm bản quyền vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam, đặc biệt là trong những ngành công nghệ cao như viễn thông, công nghệ thông tin. Theo kết quả khảo sát của Liên minh Phần mềm toàn cầu BSA, năm 2010 Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao đạt ngưỡng 83%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ ở Việt Nam, làm triệt tiêu động lực nghiên cứu của các nhà khoa học.
(3). Hoạt động nghiên cứu khoa học chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp quản lý Nhà nước. Vấn đề cốt yếu nhất là chế độ đãi ngộ cho người lao động mà cụ thể ở đây là các nhà khoa học lại bị ràng buộc quá chặt chẽ. Theo nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ quy định tại điều 11 [I.12]: ”Đối với đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm chi phí: Hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu không quá 2,5 lần so với mức tiền lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định; Đối với đơn vị sự nghiệp có thu bảo đảm một phần chi phí: Hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu không quá 2 lần so với mức tiền lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định”. Mặc dù Nhà nước đã có sự điều chỉnh bằng Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 để giúp các đơn vị nghiên cứu khoa học mở thêm chức năng kinh doanh và được áp dụng mức lương trần cho cán bộ
nghiên cứu khoa học nếu đơn vị hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, sự đãi ngộ như thế vẫn là quá ít để các nhà khoa học có thể an tâm tập trung vào công tác nghiên cứu của mình trong điều kiện hiện nay.