Một số thành tựu cơ bản

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hoá việt nam trong những năm đổi mới (1986 2001) (Trang 86 - 92)

Đường lối văn hóa của Đảng ta suốt mấy chục năm qua bắt nguồn từ những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đường lối đó cũng là sự kết hợp những nguyên tắc cách mạng với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa của nhân loại. Trong bước ngoặt của lịch sử, Đảng ta đã kịp thời đề ra những quan điểm, những chủ trương và đường lối thích hợp để lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng nền văn hóa mới.

Điểm lại những quan điểm và đường lối văn hóa của Đảng trong thời kỳ trước đổi mới, chúng ta thấy rằng Đảng ta đã đặt đúng vị trí văn hóa trong đời sống cách mạng, đã chỉ ra những chủ trương và phương pháp có căn cứ khoa học cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới. Không thể tách rời những thành tựu của nền văn hóa lúc đó với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Đó là sự thật. Trong hoàn cảnh lúc bất giờ chúng ta chưa có dịp tiếp xúc nhiều với các thành tựu văn hóa của thế giới, do cuộc chiến tranh kéo dài mấy chục năm cũng làm cho chúng ta bị “lạc hậu về lý luận”. Điều đó thể hiện rõ trong các quan điểm và đường lối, chính sách văn hóa, văn nghệ.

Cũng cần thấy thêm rằng, cơ chế quản lý hành chính quan liêu, bao cấp cũng ăn sâu trong tâm lý, nếp nghĩ của chúng ta. Điều đó cắt nghĩa vì sao có những luận điểm cực kỳ xác đáng mà Đảng ta đã đề ra nhưng không được triển khai trong thực tế. Những sai sót và yếu kém đó tuy chưa gây trở ngại

lớn cho sự phát triển nền văn hóa mới khi nước nhà thống nhất. Cố nhiên ở đây cũng có nguyên nhân của sự trì trệ, khủng hoảng về kinh tế - xã hội. Yêu cầu đổi mới trên lĩnh vực tư duy văn hóa thực ra bắt đầu từ đó.

Trước tình hình đó, Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1996 như một luồng sinh khí mới thổi vào đời sống văn hóa, văn nghệ nước ta. Đại hội đã khẳng định trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới cần đặc biệt chú ý xây dựng quan hệ xã hội và lối sống lành mạnh, khắc phục các hiện tượng tiêu cực. Đại hội còn khẳng định: Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn hóa trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người. Đảng yêu cầu văn hóa thực hiện những chức năng cao quý là tạo nên những giá trị tinh thần, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, xây dựng nhân cách và bản lĩnh của các thế hệ công dân, xây dựng môi trường đạo đức trong xã hội… Như vậy, cùng với Đại hội VI của Đảng, công cuộc đổi mới tư duy trên lĩnh vực văn hóa cũng được bắt đầu. Những quan điểm và phương hướng đó là nền tảng cho nội dung các hoạt động văn hóa chuyển mình theo hướng đổi mới.

Trong “Thập kỷ thế giới phát triển văn hoá” (1987 - 1996), và những

năm sau đó, nhận thức của loài người về vai trò, vị trí của văn hoá đã dần dần thay đổi theo hướng tiếp cận được đúng bản chất của vấn đề. Cùng với nhận thức chung của nhân loại, nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hoá trong thời kỳ đổi mới cũng được nâng lên rõ rệt trên cơ sở kế thừa quan điểm, đường lối văn hoá của các giai đoạn trước, đồng thời căn cứ vào yêu cầu bức thiết của sự nghiệp đổi mới đất nước và xu hướng phát triển của thời đại, các nghị quyết Đại hội lần thứ VI, VII và VIII của Đảng và các nghị quyết: Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá VII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung khoá VIII, Đảng ta đều nhất quán khẳng định vai trò, vị trí to lớn của văn hóa trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,

đồng thời khẳng định quan điểm: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Đây là quan điểm đã tiếp thu được tinh hoa trí tuệ của nhân loại và là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh và điều kiện cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Đặc biệt là với quan điểm văn hóa theo nghĩa rộng bao gồm các lĩnh vực: tư tưởng, đạo đức, lối sống, giáo dục và khoa học, văn học và nghệ thuật, thông tin đại chúng, giao lưu văn hóa với nước ngoài, thể chế văn hóa, v.v., cho đến Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã đề ra Nghị quyết “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó đề cập khá toàn diện từ khái niệm, đánh giá thực trạng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp lớn xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Có thể nói, với văn kiện này, đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng ta được xây dựng hoàn chỉnh và xác định rõ ràng.

Từ nhận thức với những quan điểm đúng đắn đó, trong quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển đất nước, cùng với việc hoạch định đường lối kinh tế, Đảng đã không ngừng bổ sung, hoàn chỉnh đường lối xây dựng nền văn hoá Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân ta. Nó đánh dấu sự trưởng thành trong nhận thức chính trị và tư duy lý luận của Đảng. Sau nhiều năm chưa đề ra được một chiến lược văn hoá tương xứng với sự phát triển của đất nước, đến Hội nghị Trung ương 5 khoá VIII với nhận thức : “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một bộ phận quan trọng của cách mạng xã hội chủ nghĩa”, Đảng đã đề ra một đường lối toàn diện về văn hoá, một chiến lược văn hoá, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phấn đấu vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Nhận thức và đề ra được một đường lối, một chiến lược văn hoá đáp ứng yêu cầu mới của đất nước và dân tộc là điều đã khó, song lãnh đạo sự nghiệp văn hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến nhanh chóng và phức tạp, nhất là nguy cơ áp đặt văn hoá, đồng hoá văn hoá, bá quyền văn hoá của các nước lớn do quá trình toàn cầu hoá đem lại; trong điều kiện đất nước mở cửa, giao lưu văn hoá với nhiều quốc gia trên thế giới; trong lúc các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” và mặt trái của cơ chế thị trường tác động vào nền văn hoá dân tộc là một thử thách to lớn đối với Đảng ta và nhân dân ta. Song, nhờ có bản lĩnh, có kinh nghiệm, và sự sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, nên Đảng đã giữ vững và phát triển được nền văn hoá tiên tiến Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa - một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc và mang tính nhân văn sâu sắc. Đó là thành tựu to lớn của Đảng ta trong lãnh đạo sự nghiệp văn hoá những năm đổi mới. Thành tựu đó đã góp phần giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội của đất nước, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp, làm thay đổi bộ mặt của đất nước và cuộc sống của nhân dân, củng cố vững chắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nâng cao vị thế và uy tín nước ta trên trường quốc tế.

Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn hoá còn thể hiện ở chỗ định ra chủ trương, đường lối làm cơ sở cho Nhà nước hoạch định các chính sách phát triển văn hóa. Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước tiến hành thể chế hoá đường lối, chủ trương đó thành pháp luật, chính sách, chế độ, quy định cho các hoạt động văn hoá vận hành theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền căn cứ vào luật pháp và các chính sách của Nhà nước để điều hành, quản lý tổ chức thực hiện làm cho chủ trương, đường lối của Đảng được thực thi và hiện thực hoá trong đời sống xã hội.

Trong thời kỳ đổi mới (1986-2001), sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, với những chủ trương, chính sách ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, đã tạo ra bước phát triển mới trong các hoạt động văn hoá. Tư tưởng, đạo đức và lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến quan trọng. Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng và phát triển sáng tạo, tỏ rõ giá trị bền vững làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng nước ta.

Hoạt động văn hoá phong phú hơn về nội dung, đa dạng hơn về hình thức. Các giá trị văn hoá đích thực của dân tộc được phát huy. Không khí dân chủ được đề cao. Sự nghiệp giáo dục, khoa học thu được thành tựu quan trọng. Văn hóa, nghệ thuật với các hoạt động sáng tạo có bước phát triển mới, thông tin đại chúng phát triển nhanh. Các di sản và vốn văn hoá các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Giao lưu văn hoá được mở rộng, môi trường văn hoá lành mạnh. Hệ thống thể chế văn hóa bước đầu được xây dựng. Trong đời sống văn hoá cộng đồng, từng bước hình thành những giá trị, chuẩn mực mới về văn hoá. Mọi hoạt động văn hoá đều hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Với những thành tựu đã đạt được, văn hoá Việt Nam đã góp phần quyết định vào những thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam những năm 1986-2001 đã chứng tỏ sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hoá đã và đang phát huy tác dụng tích cực, định hướng đúng đắn cho sự phát triển đất nước. Đó cũng là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, và những nỗ lực to lớn của các lực lượng hoạt động trên lĩnh vực văn hoá.

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp văn hoá, Đảng đã kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong các hoạt động văn hoá. Thông qua Nhà nước và các cơ

quan chức năng, Đảng kịp thời phát hiện những sai lầm trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, báo chí xuất bản, kinh doanh văn hoá phẩm, tổ chức lễ hội, bảo tồn các di sản văn hoá, đời sống văn hoá cơ sở. Trên cơ sở nắm bắt những lệch lạc, hạn chế của công tác văn hoá, Đảng đã thông qua các cơ quan chức năng kịp thời ra các chỉ thị, nghị quyết, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn…để ngăn chặn và định hướng cho các hoạt động văn hoá phát triển lành mạnh, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ.

Đánh giá thành tựu trên lĩnh vực văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng ta qua 15 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng đã ghi: “Văn hóa, xã hội có những tiến bộ; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Giáo dục và đào tạo phát triển về quy mô và cơ sở vật chất. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Nước ta đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và công nghệ chuyển biến tích cực, gắn bó hơn với phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản góp phần tích cực động viên toàn dân tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nâng cao kiến thức và chất lượng cuộc sống. Những nhu cầu thiết yếu của nhân dân về ăn, ở, mặc, chăm sóc sức khỏe, nước sạch, điện sinh hoạt, học tập, đi lại, giải trí… được đáp ứng tốt hơn. Phong trào thể dục, thể thao phát triển, một số môn đạt thành tích cao trong nước và quốc tế. Việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân được đẩy mạnh… Các hoạt động uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các bậc lão thành cách mạng, người có công với nước, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh và gia đình liệt sĩ được mở rộng, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan đoàn thể và doanh nghiệp. Toàn dân góp nhiều tiền của, công sức cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai lớn, tham gia nhiều hoạt động nhân đạo - từ thiện giúp đỡ những người bị ảnh hưởng chất độc da cam, người tàn tật, người già không nơi nương tựa và trẻ em có khó khăn đặc biệt” [19, tr.69- 70].

Một phần của tài liệu Đảng lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hoá việt nam trong những năm đổi mới (1986 2001) (Trang 86 - 92)