8. Kết cấu của luận văn
2.2.1. Phải thực hiện thay đổi nhận thức của nông dân Bạc Liêu về mọi mặt
Nâng cao nhận thức của nông dân về sự cần thiết và vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới.
Cần nâng cao nhận thức cho nông dân Bạc Liêu về sự cần thiết phải xây dựng nông thôn mới. Như ta đã biết, mục đích đấu tranh của bao nhiêu thế hệ con người Việt Nam
là mong muốn đưa đất nước ta thoát khỏi sự nô dịch của nước ngoài và mong sao cho đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để đạt được mục đích đó, cần phải chăm lo xây dựng nông thôn mới với những đặc trưng: cơ sở vật chất ngày càng được cải thiện, nhà cửa của bà con nông dân ngày càng khang trang, hiện đại, đường sá ngày càng thuận lợi; nông thôn có điện, có trường học khang trang đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh, có trạm xá chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Nông thôn mới có nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Nông thôn mới là nông thôn mà con người quan hệ với nhau ấm tình người, con người quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Nông thôn mới là nông thôn có cuộc sống thanh bình, an ninh, an toàn xã hội được đảm bảo. Hiện nay dân số sống ở các vùng nông thôn chiếm tới khoảng 70% dân số cả nước. Nông thôn phát triển, ổn định, bình yên là cơ sở cho sự bình yên của đất nước. Xây dựng nông thôn mới vừa đáp ứng được nhu cầu của nông dân, vừa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tỷ lệ dân cư nông thôn ở Bạc Liêu lại chiếm một tỷ lệ lớn (74%), vì vậy việc xây dựng nông thôn mới càng trở nên cấp thiết.
Sự nghiệp xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của chính bà con nông dân. Chủ trương xây dựng nông thôn mới do Đảng ta nêu ra, nhưng chủ thể tham gia sự nghiệp đó chính là bà con nông dân. Nông dân là những người trực tiếp xây dựng nông thôn mới và cũng chính là những người thụ hưởng những thành quả đó. Những đặc trưng nông thôn mới như đã nêu ở trên sẽ không thể có được nếu không thu hút được sự tham gia của nông dân. Nhà cửa không thể khang trang nếu bà con nông dân không có ý thức xây dựng và nếu không nỗ lực thực hiện. Đường sá giao thông không thể có nếu nông dân không thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai của mình. Đường sá không thể đảm bảo chất lượng nếu bà con nông dân không có ý thức bảo vệ, giữ gìn. Văn hóa truyền thống không thể được khôi phục, phát huy nếu thiếu sự tham gia của nông dân.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động về sự cần thiết và những yêu cầu xây dựng nông thôn mới ở Bạc Liêu.
Thực tế trong thời gian qua, việc tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới ở Bạc Liêu đã có thực hiện nhưng kết quả đạt được còn hạn chế do công tác tuyên truyền chưa cao. Phần lớn người nông dân chỉ nghe việc tuyên truyền suông của các
tổ chức, đoàn thể mà chưa hiểu và chưa nắm được sâu sắc những nội dung cụ thể của việc xây dựng nông thôn mới là gì, hoặc người dân hiểu rồi nhưng trong khi làm thì công tác kiểm tra, giám sát về công việc còn hạn chế, lỏng lẻo nên một số việc khi làm xong nhưng không đạt hiệu quả như làm đường, xây dựng chợ, giữ gìn môi trường v.v... Do đó trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Bạc Liêu còn gặp nhiều khó khăn và hiệu quả đạt được chưa cao. Hoặc còn một bộ phận nông dân có đời sống vật chất quá khó khăn, mức sống thấp như vùng có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, họ phải bươn chải kiếm sống hàng ngày cho nên mặc dù họ có hiểu biết xây dựng nông thôn mới là gì nhưng họ không quan tâm chú ý đến nhiệm vụ chính trị trên của địa phương. Do đó bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền vận động về xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành có liên quan phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Để từ đó người dân vừa được nhận thức và hiểu về nội dung xây dựng nông thôn mới, vừa có đời sống vật chất tốt hơn thì quá trình xây dựng nông thôn mới ở Bạc Liêu sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Cần tuyên truyền sâu rộng từ trong cán bộ, đảng viên đến các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết xây dựng nông thôn mới để mọi người (nhất là nông dân) nhận thức sâu sắc về nội dung, ý nghĩa chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Bạc Liêu hiện nay. Cần phải tuyên truyền vận động để bà con nông dân hiểu được xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền để nhân dân tự giác đóng góp sức lực, trí tuệ, của cải vào công việc chung đó. Cần đấu tranh với những quan niệm sai trái cho rằng công việc xây dựng nông thôn mới là của người khác, của Đảng, của Nhà nước không phải là công việc của nông dân.
Cần đẩy mạnh những hoạt động tuyên tuyền về yêu cầu khách quan, những nội dung xây dựng nông thôn mới ở Bạc Liêu, đồng thời làm rõ vai trò của nông dân trong công việc đó bằng nhiều hình thức khác nhau: Thông qua đài phát thanh truyền hình của tỉnh, thông qua sách báo của địa phương, thông qua sinh hoạt của các tổ chức Đảng, qua các buổi sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội. Cần phải chuyển hóa những nội dung tuyên truyền đó thông qua các hình thức nghệ thuật để những chủ trương đó đi đến với bà con nông dân.
Cần xây dựng những chương trình, kế hoạch về xây dựng nông thôn mới ở Bạc Liêu.
Mong ước về xây dựng nông thôn mới phải được cụ thể hóa thành những kế hoạch, biện pháp cụ thể, phải làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức trong công việc này.
Trong xây dựng kết cấu hạ tầng ở các vùng nông thôn cần cụ thể hóa rõ trách nhiệm của các chủ thể. Trong xây dựng trường học, bệnh xá Nhà nước đầu tư kinh phí, nhân dân góp đất đai, công sức theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Việc lựa chọn xây dựng những cơ sở đó phải thu thập được đông đảo ý kiến của nhân dân. Quy mô xây dựng phải vừa đáp ứng yêu cầu hiện tại, đồng thời phải đảm bảo yêu cầu tương lai trong vài chục năm tới. Việc làm ẩu, thiếu thiết kế, quy hoạch dẫn tới tình trạng nay làm mai phá sẽ gây lãng phí công sức và tiền của của nhân dân. Cần phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các bộ phận trong mỗi công việc. Cần huy động tối đa ý kiến và sự đóng góp của nông dân vào những công việc đó. Công tác quy hoạch, tổ chức thi công cần được công khai, dân chủ, thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Việc xây dựng đời sống tinh thần, khôi phục lễ hội truyền thống, giữ gìn phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương phải do chính nhân dân thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền.
Cần phải phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở các cấp, các ngành. Mỗi cấp, mỗi ngành, đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân v.v... ) trong hệ thống chính trị đều phải xây dựng chương trình hành động cụ thể đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bạc Liêu v.v...) về các mô hình tốt, điển hình tiên tiến về xây dựng nông thôn mới ở các huyện, xã để kịp thời động viên và khích lệ để nhân rộng ra toàn tỉnh.
Bồi dưỡng kiến thức xây dựng nông thôn mới cho nông dân Bạc Liêu thông qua các buổi sinh hoạt của nông dân để họ nắm vững và tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch phát triển ấp, xã; tự giác đóng góp xây dựng và quản lý sau xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội của cộng đồng ở nông thôn.
Đẩy mạnh sâu rộng hơn nữa cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong nông dân Bạc Liêu, qua đó cũng góp phần tuyên truyền tư tưởng của Người về giai cấp nông dân, về lòng yêu nước và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ đó cũng góp phần tăng cường sự hiểu biết về giai cấp nông dân Việt Nam, tạo niềm tin và động lực cho nông dân Bạc Liêu phát huy vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh hiện nay.