8. Kết cấu của luận văn
2.1.2. Nông dân Bạc Liêu thực hiện xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đang được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước.
Mục tiêu chung của xây dựng nông thôn mới ở Bạc Liêu là tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, chuyển dần sang công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là nông dân trong tỉnh, làm cho nông dân ngày càng có mức sống cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ (điện - đường - trường - trạm); xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; nâng cao dân trí, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương VII khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Khi chưa có chủ trương xây dựng nông thôn mới theo chương trình quốc gia thì Đảng bộ và chính quyền Bạc Liêu đã chú trọng đến những nội dung xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững nhằm thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, chăm lo nâng cao đời sống người nông dân Bạc Liêu.
Từ khi có chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì Đảng và chính quyền Bạc Liêu đã bám sát các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả và kết quả đạt được một cách nhất định. Những kết quả và hạn chế đó có thể tóm tắt như sau:
Một là, nông dân Bạc Liêu đi đầu trong phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Trong thời gian qua, nông dân Bạc Liêu luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng có liên quan đến vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đặc biệt là Hội Nông dân, nên đã góp phần to lớn vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như xây dựng giao thông nông thôn; xây dựng chợ nông thôn; xây dựng nhà văn hóa; xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi, thủy nông nội đồng; xây dựng phòng học, trạm y tế và giữ gìn vệ sinh môi trường v.v... Tất cả những điều ấy đều vì quyền lợi của nông dân vì họ là những người trực tiếp hưởng thụ những thành quả đó.
Về hệ thống giao thông nông thôn, những năm qua bà con nông dân đã cùng với chính quyền địa phương thực hiện và đạt được những kết quả khả quan: giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, làm mới. Tổng chiều dài của các tuyến đường trục xã, liên xã trên địa bàn 1.813 km, trong đó với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân đã kiên cố hóa 1.112 km, đạt 61,3%; đường trục thôn, xóm 2.095 km, đã cứng hóa 679,5 km, đạt 32,4%; đường ngõ, xóm 1574, 4 km, đã cứng hóa 632,5 km, đạt 40,1%.
Về hệ thống thủy lợi, trong những năm qua với sự đầu tư của Nhà nước, sự góp sức của nông dân đã xây dựng được một số công trình lớn gồm có: 01 công trình đê biển dài 52,4 km, tu sửa được 379 km đê sông và bờ bao, 03 công trình kè chống sạt lở bờ biển và bờ sông, 03 trạm bơm điện; hệ thống kênh mương có 33 kinh trục và cấp 1 dài 720,04 km, 258 kinh cấp 2 dài 1.497,69 km, 649 kênh cấp 3 vượt cấp dài 2.413 km và hàng ngàn kênh cấp 3 và kênh nội đồng.
Do bà con nông dân làm tốt hệ thống thủy lợi nên đảm bảo việc cung cấp và thoát nước cho diện tích đất nông nghiệp của tỉnh mỗi năm từ 204.000 - 208.000 ha; ngăn mặn, giữ ngọt, dẫn ngọt, tiêu úng, xổ phèn cho 73.000 - 76.000 ha đất nông nghiệp.
Ngoài ra, bà con nông dân Bạc Liêu đã xây dựng được hệ thống thủy nông nội đồng, có khả năng đáp ứng khoảng 80% nhu cầu đối với vùng ngọt (phía Bắc Quốc lộ 1A), 60% nhu cầu đối với vùng nuôi trồng thủy sản, làm muối (phía Nam Quốc lộ 1A).
Các công trình đê biển, đê sông và bờ bao đã được nông dân xây dựng nhưng còn thiếu kiên cố nên chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi sản xuất, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, khi mực nước biển dâng cao và nhiều diện tích rừng ven đê, ven biển bị chặt phá để nuôi trồng thủy, hải sản.
Về điện, bà con nông dân đã góp công sức cùng với sự đầu tư của Nhà nước xây dựng được tổng số trạm biến áp trên địa bàn các xã trong tỉnh là 1.914 trạm, đạt 72% khối lượng; mắc được chiều dài đường dây hạ thế 2.348 km, đạt 71% khối lượng. Số hộ nông dân được thường xuyên sử dụng điện an toàn từ các nguồn trên địa bàn các xã trong tỉnh đạt 84,1% [59; tr.2]. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn hẹp, ý thức đảm bảo an toàn chưa cao nên nhiều nơi cột điện, dây điện còn chưa đảm bảo an toàn cho bà con nông dân, nếu khi mưa bão xảy ra.
Về trường học, trong những năm qua được sự đầu tư của Nhà nước và chính quyền địa phương, bà con nông dân góp công sức đã xây dựng được tổng số trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh là 298 trường. Trong đó, trường mẫu giáo và mầm non là 60 trường, trường tiểu học có 153 trường, trường THCS có 67 trường, phổ thông trung học là 18 trường. Tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia là 31, đạt tỷ lệ 10,4% [59; tr.2].
Về xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, trong những năm qua nông dân đã góp
phần xây dựng được 19 nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch ở 9/50 xã. Hiện nay, bà con nông dân rất mong muốn trên địa bàn mỗi xã đều có nhà văn hóa và khu thể thao đạt theo tiêu chuẩn do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đề ra để nâng cao phong trào tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe cho con em của mình.
Về xây dựng chợ nông thôn, trong những năm qua được sự hỗ trợ của Nhà nước
chợ nông thôn, trong đó có 16 chợ đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng. Hầu hết, các chợ nông thôn được xây dựng đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy mạnh giao lưu, trao đổi hàng hóa nông sản của nông dân Bạc Liêu với nông dân ở ngoài tỉnh. Các chợ nông thôn đã kích thích bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước xóa bỏ tư duy kinh tế theo hướng tự cung, tự cấp, không tính tới hiệu quả kinh tế.
Về thông tin liên lạc, nông dân Bạc Liêu đã góp phần xây dựng được 61 điểm phục vụ bưu chính viễn thông, đạt 52,1% tổng khối lượng quy hoạch của ngành; 168 điểm dịch vụ phục vụ internet ở các ấp, đạt 38,9% số điểm theo quy hoạch của tỉnh. Những điểm bưu điện và dịch vụ internet đã góp phần quan trọng trong mở rộng giao lưu, trao đổi hàng hóa, giúp họ nắm nhanh thông tin về thị trường, giá cả hàng nông sản trong nước và trên thế giới. Hơn nữa, việc hòa mạng internet cũng giúp nông dân nâng cao trình độ hiểu biết về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong nước và trên thế giới; nhận thức được mình là lực lượng cơ bản, là chủ thể của tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Mặc dù có sự kết hợp giữa Nhà nước và nông dân cùng làm và đã đạt được những thành tựu to lớn về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn Bạc Liêu, nhưng nhìn chung hầu hết kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ; chất lượng công trình còn thấp, còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho bà con nông dân. Nhiều công trình kênh mương, cống đập, nhiều tuyến lộ, cầu giao thông bị xuống cấp nghiêm trọng chưa được khắc phục nên khả năng đối phó với thiên tai còn thấp khi mưa bão xảy ra. Nguyên nhân là do thiếu kinh phí đầu tư, sửa chữa, nâng cấp.
Về điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân còn rất hạn chế. Tỷ lệ hộ nông dân dùng điện để sản xuất ở nông thôn còn thấp, phần lớn là nông dân chỉ dùng điện phục vụ trong sinh hoạt do việc cung cấp điện chưa ổn định nên ít nhiều làm ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và phát triển sản xuất của nông dân. Những vùng nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp còn bị ảnh hưởng nhiều do mất điện liên tục trong mùa khô nên thường gây thiệt hại lớn cho sản xuất của bà con nông dân.
Trong những năm qua với sự phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh, nhà ở của nông dân Bạc Liêu đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ nhà ngói, nhà cao tầng tăng lên đáng kể. Nhưng nhìn chung đời sống của nông dân Bạc Liêu vẫn còn hết sức khó khăn. Nhiều hộ vẫn còn trong tình trạng nhà tạm, nhà lá dừa, nhà dột nát. Hiện nay trong tỉnh vẫn còn khoảng 30.245 căn nhà như vậy, chiếm tỷ lệ khoảng 20% tổng số nhà dân. Những gia đình nông dân có nhà dột, nhà tạm đều là nông dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, neo đơn. Phong trào xóa nhà tạm do nông dân đóng góp đã đạt được những thành tựu nhất định, được đông đảo bà con nông dân hưởng ứng. Tuy nhiên phong trào này vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Hiệu quả đầu tư giúp đỡ các hộ nghèo còn chưa cao. Không ít trường hợp chưa thực sự đúng đối tượng. Tình trạng nể nang, quen thân trong việc kê khai những đối tượng hộ nghèo vẫn còn xảy ra. Nhìn chung tỷ lệ nhà tạm ở nông thôn Bạc Liêu so với tỷ lệ chung của cả nước còn cao.
Vì vậy đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cho nông dân Bạc Liêu nhiều hơn nữa. Đồng thời, nông dân Bạc Liêu phải tích cực phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của mình trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, bởi vì những công trình ấy một mặt phục vụ đời sống nông dân, mặt khác còn làm thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Hai là, nông dân Bạc Liêu đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo.
Cùng với phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nông dân Bạc Liêu
cũng đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo.
Nhờ những chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến diêm được tuyên truyền, vận động thường xuyên của Hội Nông dân các cấp nên vấn đề xóa đói, giảm nghèo của nông dân Bạc Liêu đã có hiệu quả. Đời sống của bà con
nông dân được nâng lên, số hộ đói khi giáp hạt không còn nữa, tỷ lệ hộ nghèo
giảm còn 9,8% năm 2009 (khoảng 16.499 hộ). Tuy nhiên, tỷ lệ trên vẫn còn cao so với tỷ lệ chung của cả nước.
Nông dân Bạc Liêu đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường với cơ cấu “nông, công nghiệp, xây dựng - dịch vụ”. Tuy nhiên, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn khá cao. Năm 2009, tỷ trọng ngành nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng - dịch vụ là 53,00% - 23,66% - 23, 34% [59; tr.3]. Tỷ lệ này còn cách xa so với tỷ lệ cơ cấu kinh tế chung của cả nước (Hiện nay tỷ lệ nông - lâm - ngư nghiệp chung của cả nước chỉ khoảng trên 20%). Do đó đòi hỏi nông dân Bạc Liêu phải nỗ lực nhiều hơn nữa để góp phần phát triển mạnh công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Nông dân Bạc Liêu đã tự nguyện xây dựng được 72 hợp tác xã nông nghiệp và thủy sản, có 6.120 xã viên, chủ yếu là hộ gia đình, vốn điều lệ đăng ký kinh doanh là 10.090.000 đồng/xã viên. Ngoài ra, nông dân còn tham gia vào các tổ hợp tác, câu lạc bộ với 23.261 thành viên (1.319 tổ).
Về phát triển trang trại, nông dân Bạc Liêu đã xây dựng được 13.432 trang trại theo tiêu chí với tổng số vốn sản xuất - kinh doanh của trang trại là 905.803.000 đồng. Ngoài việc nông dân thường đầu tư sản xuất các loại gia súc (trâu, bò, heo ...), gia cầm (gà, vịt, chim cút ...), họ còn mạnh dạn đầu tư các loài thủy hải sản khác nhau có giá trị kinh tế cao như nuôi cá sấu, ba ba, cá chình, cá bống tượng v.v... Tổng diện tích đất và mặt nước trang trại đang sử dụng khoảng 38.967 ha. Số lao động của chủ trang trại, thuê thường xuyên và thời vụ làm việc trong trang trại khoảng 48.824 người. Tổng thu nhập của kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh khoảng 1.859.940.000 đồng/năm [59; tr. 4].
Nhìn chung, việc nông dân đầu tư phát triển hình thức sản xuất theo hướng trang trại, hợp tác xã hay tổ hợp tác không những đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mình mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi phong trào nông dân Bạc Liêu thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo.
Trong những năm qua, nông dân Bạc Liêu đã có ý thức và tự nguyện xin gia nhập các hình thức hợp tác sản xuất ngày càng nhiều. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ hợp tác của nông dân mới dừng lại ở mức hợp tác một số khâu trong sản xuất, hỗ
trợ kỹ thuật v.v… nên chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên để đạt hiệu quả hơn trong sản xuất như tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông phẩm. Do đó vẫn còn tình trạng phổ biến là nông dân “được mùa thì mất giá”, bị thương nhân ép giá, thu lợi nhuận không cao trong sản xuất.
Nhìn chung, tình hình hoạt động của các hợp tác xã và tổ hợp tác của nông dân có bước phát triển như tăng về số lượng xã viên, doanh thu tăng, lợi nhuận tăng năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, các hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động hiệu quả chưa cao. Nhiều hợp tác xã hoạt động còn yếu, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa tích cực chủ động vươn lên. Năng lực tổ chức quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ hợp tác xã còn rất hạn chế. Nhiều tổ hợp tác được hình thành mang tính thời vụ, tự phát, hiệu quả hoạt động thấp.
Tuy nhiên, hầu hết các hình thức sản xuất kinh tế của nông dân Bạc Liêu chủ yếu là kinh tế hộ gia đình với quy mô nhỏ, manh mún. Số hộ nông dân tham gia vào các hình thức liên kết kinh tế chưa nhiều, vẫn còn nhiều nông dân chưa mạnh dạn tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác hay liên kết để thành lập các trang trại với quy mô lớn, vì ý thức liên kết sản xuất chưa cao và còn hạn chế về vốn đầu tư cho sản xuất. Điều này đòi hỏi phải có sự tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hơn nữa của Liên minh hợp tác xã, Hội Nông dân, câu lạc bộ của tỉnh để giúp nông dân Bạc Liêu phát huy được vai trò kinh tế của mình, thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, nhất là nông dân là những người thuộc dân tộc Khmer. Điều kiện sống, thu nhập và mức sống của đa số nông dân người Khmer còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.