Các bước hình thành khái niệm

Một phần của tài liệu Bước đầu vận dụng dạy khái niệm một số bài phần động vật – sinh học 11 nâng cao (Trang 37 - 39)

Khái niệm là sản phẩm cao nhất của nhận thức. Khái niệm là một hình thức tư duy, có chức năng phản ánh những mối quan hệ tương đối bền vững và ổn định ở trong mỗi sự vật thể hiện những thuộc tính, bản chất sự vật ấy. Do đó, nó hình thành nên sự hiểu biết của con người về các sự vật, hiện tượng được phản ánh. Vì thế mỗi một khái niệm là đánh dấu một nấc thang của sự hiểu biết và là một mắc lưới trong quá trình hình thành nên toàn bộ tri thức nói chung.

Ví dụ: Hình thành khái niệm sinh sản vô tính ở động vật (bài 44, sinh học 11 – chương trình nâng cao).

Bước 1: Xác định nhiệm vụ nhận thức

Đây là khâu quan trọng đầu tiên nhằm tạo bầu không khí lớp học. GV cho HS hiểu được sơ bộ kiến thức sắp học là sinh sản vô tính. Giáo viên đặt tình huống có vấn đề, tạo sự tò mò của HS, dẫn dắt đến khái niệm mới.

Các em nghe ông bà ta đi ruộng, nếu gặp một con đĩa đem chặt nó làm 3 hay 4 phần thì mỗi phần sẽ cho ra một con đĩa mới. Tại sao lại có điều đó, chúng ta cùng đi tìm hiểu để biết rõ hơn.

Bước 2: Quan sát thí nghiệm, vật thật, vật tượng hình

Tài liệu trực quan được sử dụng như là nguồn dẫn đến kiến thức mới; GV hướng cho HS sự quan sát, chú ý của HS vào dấu hiệu chủ yếu của khái niệm.

Các em hãy quan sát lần lượt các hình: trùng biến hình, sán lông, thủy tức. Hãy trả lời các câu hỏi sau:

Cá thể con được sinh ra từ đâu?

Cần mấy cá thể con để tạo ra các cơ thể con?

Làm thế nào để cá thể mẹ tạo ra cơ thể con?

Số lượng nhiễm sắc thể sau sinh sản như thế nào so với trước sinh sản?

Vậy cơ sở khoa học của sinh sản vô tính ở động vật là gì?

Hình thức sinh sản của trùng biến hình, sán lông, thủy tức được gọi là sinh sản vô tính. Vậy sinh sản vô tính ở động vật là gì?

Bước 3: Phân tích dấu hiệu chung và bản chất của khái niệm

Sau khi HS đã lĩnh hội được cái chung cụ thể là những dấu hiệu bề ngoài của sự vật hiện tượng. GV phải hướng dẫn HS tìm ra dấu hiệu bản chất, phân biệt nó với dấu hiệu không bản chất. Đây là khâu quyết định chất lượng lĩnh hội kiến thức của HS. Sau khi vạch được bản chất của khái niệm, GV hướng dẫn HS thử định nghĩa khái niệm rồi GV bổ sung.

* Quan sát hình heo mẹ và bầy heo con. Quan sát trùng biến hình tạo ra các cá thể con. Yêu cầu HS trả lời những câu hỏi sau:

Những cá thể con được từ đâu? Có hình dạng như thế nào so với cá thể mẹ?

Heo con là động vật bậc cao hay bậc thấp? Trùng biến hình là động vật bậc cao hay bậc thấp?

Nếu nhà em có nuôi heo nái, em muốn heo nái đẻ con thì cần điều gì?

Vậy heo con được tạo thành phải cần mấy cơ thể?

Heo con được hình thành từ 2 cơ thể bố - mẹ, cá thể con sinh ra có thể giống hoặc khác cá thể mẹ đây được gọi là hình thức sinh sản hữu tính ở động vật, chúng ta sẽ được tìm hiểu ở bài sau.

Heo con là động vật bậc thấp hay cao?

Trùng biến hình là động vật bậc thấp hay cao?

Em hãy cho biết đối tượng của sinh sản vô tính là gì?

Bước 4: Đưa khái niệm mới học vào khái niệm đã có

Bằng cách so sánh với khái niệm khác có liên quan hoặc bằng sự trình bày hợp lý trong lúc hình thành khái niệm mới hoặc bằng bài tập cuối chương, nếu đó là một nhóm nhiều khái niệm.

Em hãy so sánh sinh sản vô tính ở động vật và sinh sản vô tính ở thực vật.

Bước 5: Luyện tập vận dụng khái niệm trong những điều kiện khác nhau

Hình thức luyện tập vận dụng có thể thông qua bài tập nhỏ, qua những thí nghiệm, qua giải quyết những vấn đề trong thực tiễn thiên nhiên, thực tiễn sản xuất.

Hãy quan sát hình trùng roi và cho biết hình thức sinh sản của trùng roi. Giải thích. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Bước đầu vận dụng dạy khái niệm một số bài phần động vật – sinh học 11 nâng cao (Trang 37 - 39)