Các nhóm biện pháp nâng cao mức độ biểu hiện tình cảm cho trẻ mẫu

Một phần của tài liệu biểu hiện tình cảm của trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi ở một số trường mầm non tại thành phố hồ chí minh (Trang 113 - 119)

a. Nhóm biện pháp quan sát

Mục đích: Nhận biết xúc cảm vui, buồn, ngạc nhiên ,sợ hãi, tức giận của người khác. Rút ra bài học hoặc ý nghĩa của hành vi, thái độ, lời nói

Nội dung: Quan sát là một trong những công cụ được các giáo viên lựa chọn nhiều nhất để đánh giá lĩnh vực tình cảm của trẻ MG 5 – 6 tuổi [42, tr.40]. Trẻ em là những nhà quan sát xã hội, các em quan sát tình cảm, giới tính, hành vi, vai trò xã hội của người lớn. Trẻ phân tích và bắt chước những gì người lớn làm như cách người lớn

tiếp xúc với nhau và với trẻ, cách người lớn biểu lộ tình cảm... Cái nhìn của trẻ chỉ đơn thuần là nghe, xem và cảm nhận, do vậy cần phải dạy trẻ quan sát có chủ định hơn để có thể tăng cường khả năng biểu hiện tình cảm của mình.

Cách thực hiện: Tạo cơ hội cho trẻ quan sát những người khác trong nhiều tình huống khác nhau, trong vui chơi, trong học tập, trong lao động... Dạy trẻ quan sát xúc cảm, tình cảm của những người gần gũi như cô giáo, ba mẹ, ông bà... rồi đến những người xung quanh. Đưa ra yêu cầu cụ thể hoặc gợi ý để trẻ quan sát bằng cách đặt câu hỏi, chẳng hạn: “Hôm qua cả nhà con đi chơi có vui không? Vì sao con biết mọi người vui?”; Khi dạy trẻ quan sát, hãy dành thời gian để nghe trẻ kể về những điều mình quan sát được, khi trẻ kể lại, trẻ sẽ cảm nhận điều đó sâu sắc hơn và thông qua lời kể để giáo dục trẻ cái nào nên cái nào không.

b. Sử dụng hành vi mẫu mực của các nhân vật trong truyện kể, tác phẩm văn học, phim thiếu nhi và trong cuộc sống

Mục đích: Giúp trẻ nhận biết những phản ứng xúc cảm, tình cảm đúng, học cách thể hiện những xúc cảm, tình cảm tích cực theo các nhân vật.

Nội dung: Đối với trẻ MG 5 – 6 tuổi, cảm nhận thẩm mĩ là một bước phát triển quan trọng giúp trẻ tiếp nhận các tác phẩm văn học, truyện kể, phim ảnh hay những câu chuyện có thật trong cuộc sống hoàn thiện hơn về vốn hiểu biết lẫn tình cảm. Những hành vi ứng xử, cử chỉ, điệu bộ, ảnh mắt, nụ cười của từng nhân vật, từng con người sẽ được đứa trẻ nhập tâm và bắt chước hoàn toàn tự nhiên. Giáo viên phải hướng dẫn trẻ để trẻ bắt chước có chọn lọc hơn về hành vi bên ngoài đến phẩm chất tâm lý bên trong. Sự lo lắng, cảm thông với các nhân vật cũng liên hệ với cách đánh giá của trẻ trong cuộc sống. Ngoài ra trẻ còn học được các phương tiện lời nói diễn cảm. Quan trọng nhất là lựa chọn truyện kể, phim ảnh, tác phẩm văn học phù hợp.

Với hành vi mẫu mực của các nhân vật trong truyện kể hay tác phẩm văn học, giáo viên cần lựa chọn những câu chuyện có nội dung lành mạnh, giàu hình tượng và có tính nghệ thuật cao, phân biệt rõ cái tốt, cái xấu, cái thiện, cái ác, dễ nhớ, dễ hiểu đối với trẻ.

Với phim hoạt hình, cho trẻ xem hình ảnh các nhân vật ngộ nghĩnh với các phản ứng hành vi xúc cảm khác nhau để cho trẻ nhận biết các loại xúc cảm đó.

Với những hành vi mẫu mực trong cuộc sống, giáo viên cần phải lấy tấm gương mẫu mực từ chính bản thân, các bạn cùng lớp, ông bà, cha me, anh chị em của trẻ và bản thân trẻ để nêu gương vì nó dễ tạo ra xúc cảm và dễ bắt chước hơn.

Cách tiến hành: Khi đọc cho trẻ nghe hoặc xem các tác phẩm văn học, truyện kể, phim ảnh, những câu chuyện có thật thì giáo viên phải hướng vào các nhân vật có phản ứng tích cực, kết hợp với tranh ảnh minh họa, tiến hành đàm thoại để gợi lên những hình ảnh về hành vi và biểu hiện xúc cảm, tình cảm mà trẻ vừa được nghe, được xem. Ở mức cao hơn, giáo viên dạy trẻ cách biểu hiện thái độ với các nhân vật, với tính cách, với các phản ứng xúc cảm của nhân vật để đưa ra nhận xét đánh giá của mình. Điều quan trọng là làm sao trong quá trình nghe, tình cảm của trẻ được giàu có và phong phú thêm.

c. Giáo dục bằng đồ chơi và sự nhập vai, đồng thời luân phiên thay đổi góc chơi, nhóm chơi, vai chơi

Mục đích: Khơi gợi TCTT, TCTM của trẻ, kích thích trẻ tham gia vào trò chơi để cảm nhận và thể hiện xúc cảm của mình và của người khác. Giúp trẻ thiết lập mối quan hệ giữa các vai chơi, cách phối hợp hành động cùng nhau. Giáo dục cho trẻ biết tìm bạn để chơi, quan tâm, tôn trọng những yêu cầu chính đáng của bạn.

Nội dung: HĐVC luôn có sức hấp dẫn với trẻ MG 5 – 6 tuổi hơn những hoạt động khác, một phần nhờ đồ chơi. Đồ chơi phải luôn mới lạ, hấp dẫn, gây được hứng thú, tò mò với trẻ. Việc lựa chọn đồ chơi một cách có suy nghĩ giúp các em hình thành tốt thị hiếu thẩm mĩ. Đồ chơi giúp trẻ cảm nhận và thể hiện xúc cảm, tình cảm thông qua sự nhập vai. Qua các vai chơi khác nhau, trẻ biết đặt mình vào vị trí của người khác và đối xử với người khác như đối với bản thân. Việc luân đổi góc chơi, nhóm chơi, vai chơi của trẻ sẽ giáo dục cho trẻ lòng thông cảm, đồng cảm, tình thân ái, tính ân cần chu đáo. Tránh tình trạng như hiện nay là số lượng góc chơi và thành viên chơi trong 1 góc có hạn nhưng có những trẻ chỉ chơi mãi một góc hoặc một vai nào đó trong khi những bạn khác không được chơi. Việc luân phiên thay đổi vai chơi, không chỉ làm thay đổi vị thế của đứa trẻ mà còn thay đổi cả nội dung giao tiếp, thay đổi các quan hệ xã hội mà đứa trẻ tham gia vào, tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm những xúc cảm, tình cảm khác nhau.

Cách tiến hành: Mỗi buổi chơi, giáo viên dạy trẻ sử dụng đồ chơi theo những công dụng khác nhau, có thể cung cấp nguyên vật liệu mở để trẻ tự khám phá công dụng, chức năng của nó. Phân công ai chơi ở góc nào, vai nào một cách tế nhị, tránh tranh giành, xung đột. Thường xuyên cho trẻ luân phiên thay đổi góc chơi, nhóm chơi, vai chơi để tạo cơ hội cho mỗi trẻ đều được trải nghiệm các xúc cảm, tình cảm khác nhau. Có thể dùng xúc xắc hoặc phiếu rút thăm để việc phân chia trở nên dễ chấp nhận nhất đối với trẻ.

d. Tạo tình huống chơi để trẻ xử lý và biểu hiện xúc cảm phù hợp

Mục đích: Tạo nhiều cơ hội để trẻ học cách xử lý và biểu hiện các xúc cảm khác nhau.

Nội dung: Tình huống chơi rất phong phú đa dạng và nảy sinh theo diễn biến trò chơi của trẻ. Tình huống chơi chính là tái hiện lại các mối quan hệ xảy ra trong cuộc sống thực. Do vậy đó là cơ hội tuyệt vời để trẻ tự ướm mình vào vai người trong cuộc để trẻ trải nghiệm và biển hiện xúc cảm, tình cảm của mình. Giáo viên mầm non không nên là người đứng ngoài thụ động mà đôi khi có thể tham gia một vai trong trò chơi của trẻ để tạo ra các tình huống giả định một cách có chủ ý. Đôi khi giữa các trẻ xảy ra mâu thuẫn trong khi chơi, vì vậy giáo viên cần khéo léo đưa xung đột đó vào tình huống chơi để trẻ giải quyết thông qua các vai chơi trên tinh thần xây dựng và hòa thuận.

Phương pháp: Giáo viên theo dõi HĐVC của trẻ và tạo ra tình huống chơi theo diễn biến của cuộc chơi. Chẳng hạn tham gia vào trò chơi “bác sĩ – bệnh nhân”: “Ôi, tôi đau quá, bác sĩ ơi! Giúp tôi với!” Chờ đợi sự tiếp nhận của trẻ. Trẻ sẽ tự lựa chọn, giải quyết và biểu hiện theo ý của mình. Hãy lặp lại tình huống vài lần cho đến khi biết chắc trẻ không giải quyết được thì mới đưa ra gợi ý để trẻ tiếp tục trò chơi: “Tôi đau ở tay quá! Làm sao cho hết đau bác sĩ?”. Nếu trẻ tiếp nhận gợi ý và biểu hiện thái độ phù hợp thì kết thúc bằng một lời khen ngợi. Nếu trẻ không phản ứng gì thì giáo viên lại phải gợi ý tiếp “Bác sĩ có thuốc không chích cho tôi với? Chích thuốc là hết đau liền à!”.

e. Nhận xét đánh giá của giáo viên

Mục đích: Phản hồi xúc cảm, tình cảm của trẻ và điều chỉnh những biểu hiện chưa hợp lí

Nội dung: Trong quá trình vui chơi, trẻ bộc lộ một cách vô thức lẫn có ý thức những biểu hiện xúc cảm, tình cảm của mình. Nhận xét của giáo viên là cực kì quan trọng trong việc định hướng và điều chỉnh những biểu hiện của trẻ. Khi giáo viên nhận xét, trẻ sẽ nhận biết các xúc cảm, tình cảm mà mình đã thể hiện, điều đó góp phần cũng cố những biểu hiện tốt và uốn nắn biểu hiện chưa tốt. Những nhận xét đúng cách và đúng lúc của giáo viên sẽ giải quyết được những vướng mắc, xung đột dẫn đến thể hiện những xúc cảm, tình cảm tiêu cực và trẻ sẽ học cách thể hiện phù hợp hơn trong những lần sau.

Cách tiến hành: Để đánh giá khách quan, kịp thời đòi hỏi giáo viên phải quan sát quá trình chơi của trẻ nhận xét trong khi trẻ chơi hoặc sau khi trẻ chơi xong là tốt nhất. Trường hợp có ít thời gian thì có thể nhận xét cuối ngày hoặc cuối buổi. Khi đánh giá, giáo viên nên để trẻ tự nhận biết các xúc cảm, tình cảm mà mình đã trải qua trong lúc chơi, nhận xét và đánh giá biện hiện của nhau. Bản thân giáo viên phải vận dụng linh hoạt biện pháp khen thưởng và trách phạt trong lúc nhận xét. Giáo viên hay nói “con làm tốt lắm”, đối với trẻ đó là từ rỗng. Khen hay chê trẻ đều phải kèm theo lí do, thông tin càng cụ thể càng tốt, chẳng hạn: “Cô rất vui vì con đã dọn đồ chơi đúng chỗ”. Khen ngợi và khích lệ để bé hoàn thành công việc: Cô tuyên dương bạn A vì bạn A đã giúp các bạn khác dọn đồ chơi, như vậy lần sau các con sẽ dễ dàng tìm được đồ chơi và cô mong các bạn khác cũng sẽ giúp A.

f. Nhóm biện pháp dùng lời

Mục đích: Dạy cho trẻ diễn đạt xúc cảm, tình cảm của mình bằng lời nói.

Nội dung: Ở trẻ MG 5 – 6 tuổi, ngôn ngữ của trẻ đã phát triển một cách mạch lạc, trẻ đã nghe, hiểu âm thanh lời nói có ngữ điệu biểu cảm khác nhau và có tác dụng diễn đạt ý nghĩ, xúc cảm, tình cảm của người nói. Trẻ cần phải nhận ra rằng có xúc cảm, tình cảm là rất tốt, tình cảm là một phần của đời sống con người và cần phải học cách biểu hiện phù hợp. Có rất nhiều cách để thể hiện tình cảm như qua nét mặt, cử chỉ, điệu bộ... nhưng cách tốt nhất là diễn đạt chúng bằng lời.

Cách tiến hành: Để diễn đạt đúng xúc cảm, tình cảm với sắc thái thái phù hợp thì giáo viên cần cung cấp vốn từ, vốn hiểu biết cho trẻ về các xúc cảm, tình cảm như niềm vui, nỗi buồn, ngạc nhiên, sợ hãi, tức giận, xấu hổ. Giáo viên dùng lời nói sinh động, giàu hình ảnh của để trò chuyện, để đặt câu hỏi hoặc giao yêu cầu, nhiệm vụ cho trẻ như “Con cảm thấy rất buồn phải không?”, “Điều gì làm con sợ hãi như vật?”... làm gương cho trẻ. Dạy trẻ dùng từ ngữ miêu tả tâm trạng của trẻ, trẻ tự thể hiện những sắc thái xúc cảm khác nhau bằng câu hỏi và lời nói của mình trong lúc chơi. Chẳng hạn: “Con cảm thấy rất buồn vì không được chơi góc gia đình”, “Bạn làm cái bánh sinh nhật này đẹp quá, mình rất thích!”. Luyện tập cho trẻ gọi tên các xúc cảm trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, tập nói cho cha mẹ xúc cảm, tình cảm của trẻ khi ở nhà.

g. Trò chuyện cuối tuần

Mục đích: Tạo điều kiện cho trẻ bày tỏ xúc cảm, tình cảm của mình và lắng nghe xúc cảm, tình cảm của người khác.

Nội dung: Trong quá trình học tập, vui chơi ở trường cũng như ở nhà, trẻ chứng kiến hoặc gặp phải nhiều vấn đề. Giáo viên hãy tận dụng những cơ hội này để giúp trẻ hiểu được xúc cảm, tình cảm của bản thân và của người khác. Việc tổ chức trò chuyện về xúc cảm, tình cảm sẽ giúp trẻ tái hiện lại các tình huống đã xảy ra và có sự lựa chọn cách phản ứng với chúng. Khác với trò chuyện cá nhân, trò chuyện trong một tập thể còn giúp giáo viên tranh thủ sự đồng tình hoặc phản đối của tập thể và tiến hành giáo dục đồng loạt cho cả lớp. Nghĩa là trẻ phải có cơ hội thảo luận về những gì chúng đã làm; trẻ cần phải hiểu người khác cảm thấy ra sao; giải quyết luôn khía cạnh đạo đức của vấn đề là biểu hiện nào đúng, biểu hiện nào chưa phù hợp và làm thế nào để giải quyết vấn đề.

Cách tiến hành: Giáo viên tổ chức trò chuyện định kì mỗi tuần 1 lần hoặc vài tuần 1 lần. Thời gian trò chuyện linh động 30 đến 60 phút. Có thể tổ chức trò chuyện theo chủ đề, một số chủ đề gợi ý: “thế nào là thông cảm, đồng cảm?”, “làm sao để kiểm soát cơn giận”, “khi nào tôi buồn?”, “ý nghĩa của cái đẹp”, “ý nghĩa của lòng nhân ái”... Sắp xếp môi trường trò chuyện thân thiện và tôn trọng để trẻ không cảm thấy sợ là sẽ bị cười nhạo, chế giễu hoặc trở nên ngu ngốc trong mắt các bạn. Giáo

viên phải tỏ thái độ thừa nhận xúc cảm đang tồn tại ở trẻ và dẫn dắt xúc cảm của trẻ một cách hợp lý.

Bước 1: Mở đầu buổi trò chuyện một cách thoải mái sao cho nhiều em có cơ hội được nói. Chẳng hạn cho trẻ tự đánh giá xúc cảm của mình hằng ngày hoặc hằng tuần bằng biểu tượng “khuôn mặt” (mặt cười, mặt buồn, mặt ngạc nhiên, mặt sợ hãi, mặt tức giận, mặt xấu hổ) hoặc theo thang điểm 10 (10 là tốt nhất và 1 là tệ nhất). Hỏi trẻ vì sao lại chọn “khuôn mặt” hoặc cho điểm như vậy. Khi tình huống xuất hiện, giáo viên phải kích thích trẻ nói.

Bước 2: Sau khi trẻ nói trước lớp thì dành thời gian cho các trẻ trò chuyện với nhau (5 đến 15 phút).

Bước 3: Giáo viên nhận xét các phát biểu của trẻ. Giải thích mối liên quan giữa hành vi của trẻ và xúc cảm của người khác để trẻ hiểu khi trẻ có một hành động đúng hoặc sai thì mọi người cảm nhận thế nào về hành động đó của trẻ.

Bước 4: Có thể kết thúc ở bước 3, nếu giáo viên có thời gian thì cho trẻ thực hành cách biểu hiện một số xúc cảm, tình cảm ngay tại lớp.

Chẳng hạndạy trẻ cách kiểm soát cơn tức giận bằng một số cách

+Bày tỏ điều làm trẻ tức giận ra bằng lời: “Con cảm thấy … vì.... ”.

+Nghĩ về kết quả của những hành động, ứng xử không phù hợp: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu....”.

+Gợi ý cho trẻ những cách thể hiện khác: “Nếu con là ... con sẽ…”.

+Khuyên trẻ tự chủ trong những lần sau

Một phần của tài liệu biểu hiện tình cảm của trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi ở một số trường mầm non tại thành phố hồ chí minh (Trang 113 - 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)