Trong quá trình nghiên cứu biểu hiện tình cảm của trẻ MG 5 – 6 tuổi thông qua HĐVC ở trường mầm non, chúng tôi nhận thấy có những hạn chế nhất định khi quan sát trẻ chơi. Vẽ tranh không những là một trong những hoạt động yêu thích của trẻ
mẫu giáo mà tranh vẽ là nguồn cung cấp thông tin đầy đủ và xác thực nhất về đặc điểm tâm lý của trẻ, thông qua tranh vẽ có thể nhận biết rõ hơn về trạng thái xúc cảm, tình cảm của trẻ. Vì vậy chúng tôi sử dụng tranh vẽ người kết hợp với quan sat, phỏng vấn để tìm hiểu 2 trường hợp sau đây.
Trường hợp 1: N.G.H
Thông tin cá nhân trẻ: Giới tính: nam. Sinh ngày: 23/1/2008.
Hoàn cảnh gia đình: Cha kinh doanh nước giải khát. Mẹ là thợ may. Ở chung với cha mẹ và em trai, ông bà nội và 2 người chị ruột của ba là cô Hai và Cô Tư. Cả 2 cô đều chưa có gia đình và trên 50 tuổi.
Thông tin từ cô giáo: Học khá tốt. Giỏi về âm nhạc, thích múa hát. Tính tình hoạt bát, vui vẻ, hay cười, nhận biết được hành vi đúng – sai và sửa chữa. Thích chơi góc xây dựng, góc học tập. Chơi hòa đồng với các bạn.
Sản phẩm tranh vẽ người của trẻ
Hình 2.1. Tranh vẽ người của bé trai N.G.H
∗Đây là bức tranh vẽ một người nữ đang mỉm cười với các đặc điểm sau:
Kích thước người lớn. Người được vẽ ở phần dưới của tờ giấy và cách đều 2 bên. Lực ấn bút chì vừa phải, nét vẽ nhẹ nhàng. Không bôi xóa. Đầu lớn hơn thân mình,
không vẽ lỗ tai. Hai tay dang rộng, hướng lên trên và có ngón tay. Hai chân thẳng hàng và không có bàn chân. Có vẽ chi tiết phụ là cỏ.
∗Phân tích tranh vẽ:
Khi người nghiên cứu yêu cầu trẻ “vẽ một hình người toàn thân” trẻ tiếp nhận một cách vui vẻ, thoải mái. Trạng thái đó vẫn được duy trì trong lúc trẻ vẽ, biểu hiện qua gương mặt, góc môi căng nhẹ về phía sau, gò má hơi nâng lên, ánh mắt tươi vui, tay chân thả lỏng.
Trẻ vẽ theo thứ tự: đầu, mắt, mũi, miệng, tóc, cổ, mình, chân, tay. Môi mím nhẹ khi vẽ phần đầu biểu hiện sự tập trung. Trẻ vẽ thêm cỏ và bảo là đang đứng ở công viên. Trẻ hoàn thành bức tranh trong khoảng 2 phút và không gạch xóa lần nào. Tốc độ vẽ nhanh, nét vẽ rõ ràng, liền mạch, có sự cân đối giữa nét cong và nét thẳng chứng tỏ trẻ là người tự tin, hướng ngoại, dễ thích nghi với môi trường và cuộc sống hiện tại.
Lực ấn bút chì vừa phải tạo ra những nét vẽ nhẹ nhàng, đều đặn chứng tỏ xúc cảm, tình cảm của trẻ đang ổn định. Đặc điểm này còn cho thấy trẻ này có xu hướng biểu hiện nhanh nhẹn trong các hoạt động học tập, vui chơi.
Hình vẽ cách đều 2 bên tập trung ở phía dưới tờ giấy cho thấy trẻ có xu hướng thực tế, coi trọng tình cảm. Điều này được cô Hai của trẻ khẳng định, theo cô, trẻ rất biết quan tâm đến người khác từ việc dắt cô Hai xuống cầu thang, hỏi thăm cô Ba đi làm chưa đến lời hứa “con lớn lên sẽ chăm sóc cô Hai”, trẻ còn tỏ ra tội nghiệp những bà già mà trẻ gặp khi đi đường. Hình vẽ ở phía dưới thấp tờ giấy còn là biểu hiện của tính kiên định, chắc chắn, óc bảo thủ. Chúng tôi được cô cho biết, trẻ rất trầm tĩnh nhưng nói đâu ra đó và phải đúng ý trẻ thì trẻ vui vẻ, hài lòng.
Nhìn vào tỷ lệ các bộ phận trên hình vẽ, ta thấy kích thước toàn thân người lớn, trong đó, đầu hơi lớn hơn phần thân cho thấy trẻ quan tâm đến các hoạt động trí tuệ, bằng chứng là trẻ rất thích những trò chơi tìm tòi, khám phá, khi hỏi trẻ “con thích chơi góc nào nhất?” thì trẻ chỉ vào góc toán, phần lớn hoạt động vui chơi trẻ diễn ra ở góc toán. Trong hình vẽ trên, ngoài chi tiết miệng mỉm cười thì hai tay giang rộng, hướng lên trên, có ngón tay là dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy trẻ rất cởi mở và trẻ sẵn sàng giao tiếp với mọi người. Chính vì vậy mà người nghiên cứu tiếp xúc với trẻ không khó khăn gì, trẻ cũng được các bạn ở lớp và cô giáo yêu mến. Tuy nhiên hai
chân của hình vẽ thẳng hàng và không thấy bàn chân lại biểu hiện sự thiếu tự chủ, thiếu cảm giác nền tảng, có thể trẻ đang cảm thấy thiếu an toàn hoặc thiếu chỗ dựa. Tìm hiểu kĩ hơn về hoàn cảnh gia đình trẻ, tôi thấy cha mẹ trẻ rất bận và người gần gũi trẻ nhất là cô Hai, Cô là người thường xuyên đưa đón, chăm sóc và ngủ chung với trẻ. Mặc dù trẻ nói trẻ rất thương cô Hai và cô Hai cũng thương trẻ nhưng trẻ không quên nhắc đến mẹ ruột khi có dịp, sự thiếu quan tâm của cha mẹ ruột có thể là nguyên nhân gây ra cảm giác thiếu chỗ dựa của trẻ.
Một số biểu hiện khác cho thấy một số dấu hiệu của sự lo âu như trẻ vẽ kích thước người lớn nhưng lại quên vẽ tai và mắt không có con ngươi. Nhưng trên thực tế, trẻ hoàn toàn không có vấn đề về tai, trẻ rất hiền lành, vui vẻ, ngoài ra kích thước người không quá 2/3 tờ giấy, và người nghiên cứu cũng không nhận thấy trẻ có biểu hiện lo lắng qua nét mặt, cử chỉ, điệu bộ, lời nói hay hành vi. Việc vẽ thiếu chi tiết có thể đơn thuần là do thói quen hoặc do trẻ chưa chú ý đến chi tiết khi vẽ, vì vậy không đủ cơ sở để kết luận trẻ có biểu hiện lo âu hay không.
Trẻ gọi người trong tranh là “mẹ Tư”, tức là cô Hai của trẻ, trẻ giải thích “mẹ Tư” rất hiền vì không đánh trẻ. Trẻ nắm được một số sở thích của người đó như làm ở hãng bia, thích ăn bánh, uống cà phê và có mong muốn là các con lớn lên. Qua cách trẻ mô tả về người trong tranh, cách trẻ gọi tên cô Hai và qua biểu hiện của trẻ khi vẽ tranh, ta có thể thấy trẻ dành rất nhiều tình thương cho người này. Khi chúng tôi hỏi em trai của trẻ “con có biết anh vẽ ai không” mà không đưa tranh cho em xem, em trả lời ngay“vẽ mẹ Tư” và em khẳng định anh rất hay vẽ “mẹ Tư”. Nụ cười trên hình vẽ biểu hiện cho xúc cảm của trẻ khi nhớ đến cô Hai và trẻ tỏ ra khá an tâm, vui vẻ khi ở cạnh Cô.
Tóm lại, trẻ biểu hiện xúc cảm, tình cảm qua tranh khá thoải mái, chủ yếu trẻ bộc lộ những xúc cảm tích cực. Trạng thái xúc cảm của trẻ khá ổn định. Trẻ có tình cảm phong phú với con người và sự vật xung quanh và đã biết cách bộc lộ tình cảm của mình ra bên ngoài một cách sâu sắc.
Trường hợp 2: N.G.T
Thông tin cá nhân trẻ: Giới tính: nam. Sinh ngày: 26/12/2008
Trường hợp thứ 2 mà chúng tôi nghiên cứu là em trai ruột của trường hợp 1. Do các cháu sinh cùng năm nên cha mẹ đăng kí cho các cháu học cùng lớp.
Thông tin từ cô giáo: Học lực trung bình khá, chưa tập trung lắm. Giỏi về vận động. Tính tình hơi nhút nhát. Chưa hòa đồng với các nhóm khác. Thích chơi góc gia đình, thường đóng vai “ba”.
Sản phẩm tranh vẽ người của trẻ
Hình 2.2. Tranh vẽ người của bé trai N.G.T
∗ Đây là tranh vẽ một người nam với các đặc điểm sau:
Kích thước người vừa phải. Vị trí hình vẽ nằm gần trung tâm tờ giấy, hơi lệch sang trái. Lực ấn bút chì hơi mạnh. Nét vẽ không đều. Có bôi xóa. Hai tay giang rộng.
∗ Phân tích tranh vẽ::
Khi được yêu cầu vẽ tranh, trẻ tiếp nhận nhưng đồng thời biểu hiện sự e dè, cơ mặt hơi căng nhẹ.
Trẻ vẽ theo trình tự: đầu, cổ, thân, chân, tay, tóc, tai, mắt, mũi. Trong lúc vẽ, nét mặt trẻ nghiêm nghị, chân mày khẽ nhíu lại, người hơi cúi về phía trước, đầu nghiên
sang trái. Lực ấn bút chì hơi mạnh, nét vẽ cứng nhắc, thiếu tự nhiên vì trẻ dừng bút trong lúc vẽ chứ không vẽ liên tục chứng tỏ trẻ còn khá rụt rè, căng thẳng, chưa hoàn toàn thả lỏng với người nghiên cứu. Nhìn vào hình vẽ của trẻ, ta thấy chủ yếu là đường thẳng với nét vẽ không đều màu đậm nhạt biểu hiện cảm giác bất an, lo lắng.
Trong lúc vẽ, trẻ có ngập ngừng vài chỗ và có xóa 2 lần ở thân và chân. Lúc trẻ đang vẽ, có một vài bạn đến gần, trẻ biểu hiện sự khó chịu bằng cách nhíu lông mày và dừng lại không vẽ nữa, sau khi các bạn đi khỏi thì cháu mới tiếp tục. Tổng thời gian hoàn thành bức tranh khoảng 5 phút. Những dấu hiệu đó là biểu hiện thiếu tự chủ trong việc điều khiển xúc cảm, tình cảm của bản thân.
Cùng với tốc độ vẽ tranh chậm thì vị trí hình vẽ gần với vị trí trung tâm nhưng hơi lệch sang trái là miền hướng nội, thụ động. Những trẻ vẽ hình thuộc miền này thường gắn bó với mẹ hơn với ba.
Trẻ vẽ hai tay giang rộng biểu hiện trẻ muốn giao tiếp với những người xung quanh nhưng trẻ vẽ bàn tay nhưng không có ngón lại cho thấy tính cởi mở không cao. Hai chân thẳng là một biểu hiện nữa của tính cứng nhắc. Trẻ thường phản ứng xúc cảm theo hướng này, chẳng hạn, trong hoạt động vui chơi, tập văn nghệ, chụp hình, trẻ tập trung vào hoàn thành nhiệm vụ hơn là thật sự trải nghiệm hoạt động và biểu lộ xúc cảm. Tai được vẽ khá to chứng tỏ trẻ khá chú ý đến lời người khác nói với mình nhưng không phản ứng ngay.
Ban đầu trẻ hoàn thành tranh vẽ mà không có miệng, trẻ trả lời với người nghiên cứu rằng trẻ không biết vẽ miệng, sau đó trẻ tự động thêm vào. Quên vẽ miệng là biểu hiện trẻ có vấn đề trong quan hệ mẹ - con, liên hệ điều này với vị trí của hình vẽ, ta thấy dường như có vấn đề trong nội tâm của trẻ, một mặt trẻ mong muốn được gắn bó với mẹ, một mặt quan hệ của trẻ và mẹ không tốt như trẻ mong đợi. Điều này cũng gây ra những ảnh hưởng đến biểu hiện tình cảm của trẻ.
Trẻ nói về tranh vẽ: Người trên tranh là nam, 6 tuổi và tự nhận đó là mình. Biểu hiện đang vui. Khi quan sát viên hỏi về tính tình cuả người trong tranh, trẻ ngập ngừng một chút rồi trả lời là hiền. Người này còn đang đi học. Thích chơi xe, súng bắn nước, bóng, con vịt bò dưới nước. Không thích chơi xe tải vì e bé không biết chơi xe tải, không thích ngủ trưa vì ngủ trưa lâu. Mơ ước lớn lên được làm bác sĩ. Chúng tôi có
hỏi anh trai và giáo viên của trẻ khi trẻ ở lớp, anh trai của trẻ nói “con thích chơi góc toán, còn em thích chơi góc bác sĩ”, chúng tôi cũng điều tra được góc bác sĩ là góc chơi ưa thích của trẻ và vai bác sĩ là vai trẻ thường xuyên đóng nhất. Lúc đầu khi được hỏi “người trong tranh không thích gì?” trẻ chỉ trả lời là không thích chơi xe tải, sau khi người nghiên cứu hỏi thăm thì trẻ mới khẽ nói không thích ngủ trưa chứng tỏ trẻ đang muốn che dấu và xúc cảm này.
Như vậy, trạng thái xúc cảm và tình cảm của được bộc lộ một phần nào qua tranh vẽ. Biểu hiện thường xuyên nhất của trẻ là xúc cảm lo lắng. Thần kinh của trẻ rất dễ bị dao động và trẻ đang muốn học cách kiểm soát nó. Cần phải khuyến khích động viên trẻ nhiều hơn để củng cố niềm tin cho trẻ và dạy trẻ cách phản ứng xúc cảm phù hợp hơn.
So sánh tranh vẽ của hai cháu, ta thấy những điểm khác nhau
Tranh vẽ của em có nhiều chi tiết hơn hình vẽ của anh như bàn chân, lỗ tai, con ngươi, kích thước người và kích thước các bộ phận chứng tỏ em là người dè dặt hơn trong cách biểu hiện tình cảm. Vị trí hình vẽ, nét vẽ trong tranh cho thấy trạng thái xúc cảm của em không ổn định bằng của anh.
Qua phỏng vấn phụ huynh, chúng tôi nhận thấy các cháu có những cách biểu lộ xúc cảm, tình cảm khác nhau khi ở nhà. Chẳng hạn, anh bộc lộ nỗi buồn rõ hơn em, biết nói thành lời nỗi buồn của mình như “ba mẹ không thương con”, khi tức giận, anh chỉ ngồi im và khóc, còn em thì biểu hiện xúc cảm mạnh hơn như đập đầu vô tường, nhỏng nhẽo. Cô Hai nhận xét anh là người trầm tĩnh và thích màu đỏ, có năng khiếu ca hát, còn em thì vô tư hơn, thích màu xanh và rất mê giấy tờ, anh đi học về thì thường xem tivi hoặc chơi xếp máy bay trong khi em dành hàng giờ để viết chữ và chơi với giấy tờ, cháu còn mang theo vào phòng khi đi ngủ. Do đó, mà ở nhà cũng như ở trường các cháu thường không chơi chung với nhau. Theo cô Hai chia sẻ, ở chung nhà với các cháu là cô Hai và Cô Tư nhưng mỗi cháu thường theo một cô, anh thường quấn quýt và biểu lộ xúc cảm với cô Hai trong khi em trai thường theo cô Tư hơn. Cô Hai cho biết, khi các cháu đi học về thì anh thường kể cho Cô nghe, cô ít thấy em chia sẻ những chuyện ở lớp, có thể do cô không tiếp xúc với cháu nhiều như cô Tư nên thông tin này chưa được xác định. Khi quan sát 2 cháu ở trường, tôi cũng nhận ra có sự
khác biệt trong cách biểu hiện tình cảm của các cháu. Chẳng hạn khi tập văn nghệ cuối năm để chuẩn bị lễ tổng kết, nét mặt cháu lớn rạng rỡ, động tác thực hiện uyển chuyển, trẻ còn nhẩm theo lời bài hát và vừa tập vừa mỉm cười thích thú. Trong khi đó, cháu nhỏ tập trung vào nhiệm vụ hoàn thành bài tập hơn mà cảm nhận âm nhạc, cháu không biểu hiện xúc cảm gì, ngược lại nét mặt hơi căng thẳng. Trong khi chụp hình với tập thể lớp cuối năm cũng vậy, gương mặt em trong hình hoàn toàn không mỉm cười trong khi anh cháu tỏ ra rất tự nhiên, khuôn miêng nở rộng.
Ngoài những điểm khác nhau trong tính cách nói chung và trong cách biểu hiện tình cảm nói riêng, các cháu rất quan tâm đến nhau và thương yêu nhau ở trường cũng như ở nhà. Theo cô Hai chia sẻ, khi không thấy cặp sách của anh, em sẽ tìm bằng được và giữ cho anh. Anh thì sẵn sàng nhường nhịn em. Có lần, tôi hỏi một lượt 2 cháu “các con thích con gì nhất?”, cháu lớn trả lời “thôi con chọn con khác, cho G.T con ngựa”. Mặc dù ở lớp các cháu không chơi chung với nhau nhưng các cháu vẫn biết rõ sở thích của người kia như thích chơi trò nào, hay chơi với ai, thích màu gì, đồ chơi gì... Tuy nhiên khi hỏi trẻ những điều này thì anh trả lời rõ ràng và nhanh nhảu hơn em.
Tóm lại, kết quả phân tích tranh vẽ người của hai trường hợp điển hình càng làm rõ những biểu hiện tình cảm của trẻ và góp phần bổ sung cho kết quả thu thập được bằng phương pháp quan sát. Điều đó đã khẳng định biểu hiện tình cảm của trẻ rất phong phú, đa dạng và ngày càng sâu sắc, bền vững. Trẻ biểu hiện những tình cảm này thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi, trong vui chơi, trong khi vẽ tranh và nhiều dạng hoạt động khác nữa. Do đó cần phải sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong nghiên cứu biểu hiện tình cảm của trẻ để có được thông tin đa chiều và toàn diện nhất.
2.3. Đề xuất một số biện pháp nâng cao mức độ biểu hiện tình cảm cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi