TÌNH HÌNH CHUNG VỀ THIẾU NHI, NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC

Một phần của tài liệu TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CHO THANH NIÊN NHIỆM KỲ 2012 - 2017 (Trang 51 - 54)

KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thiếu nhi ngày càng có điều kiện học tập, sinh hoạt thuận lợi hơn. Nhìn chung các chỉ số về thể chất của thiếu nhi đều tăng hàng năm, các em có điều kiện tiếp cận các kênh thông tin đa dạng, có điều kiện dinh dưỡng tốt hơn, vui chơi giải trí ngày càng phong phú hơn so với trước. Có thể dễ dàng nhận thấy những tiến bộ trong công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục thiếu niên trên tất cả các phương diện.

Với quan điểm phát triển dựa trên phát huy tiềm năng con người, những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm chăm lo đặc biệt đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu nhi. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn và thực hiện Công ước quốc tế về Quyền trẻ em; đồng thời ban hành và thực thi nhiều văn bản, chiến lược, chương trình hành động nhằm chăm lo cho trẻ em như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em,

Luật giáo dục, Luật phổ cập giáo dục Tiểu học, Chiến lược phát triển giáo dục năm 2010 - 2020, chương trình hành động Quốc gia "Vì trẻ em" giai đoạn 2001-2010, 2011 – 2020, chỉ thị số 20 ngày 05 tháng 11 năm 2012 của Bộ

Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc,

giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”... Sự quan tâm đặc biệt đó của

Đảng và Nhà nước đã góp phần tạo ra môi trường ngày càng thuận lợi hơn đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu nhi.

Nhìn chung điều kiện sức khoẻ và thể chất của thiếu nhi ngày càng được cải thiện và nâng cao: Với tỷ lệ tiêm chủng luôn đạt ở mức cao, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 cũng như bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ em sơ sinh vào năm 2005. Kể từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm 95%. Các trường hợp thiếu vitamin A đã trở nên ngày một hy hữu. Cân nặng và chiều cao trung bình của trẻ em Việt Nam tăng đều.

Từ khi ban hành Luật phổ cập giáo dục Tiểu học đến nay tỷ lệ học sinh đến trường ngày một tăng, số thiếu nhi theo học các cấp cơ sở đạt gần 98%. Đặc biệt tỷ lệ thiếu nhi đến trường ở các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn có sự gia tăng đáng kể, tỷ lệ thất học, bỏ học, mù chữ ở thiếu nhi ngày càng giảm.

Điều kiện vui chơi giải trí của thiếu nhi đã có những bước chuyển biến tích cực: Cả nước hiện có hơn 284 Cung, Nhà thiếu niên các cấp và hàng ngàn điểm vui chơi tại cộng đồng. Số lượng văn hoá phẩm, sách báo, các chương trình phát thanh, truyền hình cho thiếu nhi đều có sự gia tăng kể cả về chất lượng và số lượng.

Số thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn từng bước được chăm lo. Khoảng cách về tiếp cận các điều kiện y tế, học tập của thiếu nhi giữa các khu vực, vùng miền được rút ngắn hơn. Công tác xã hội hoá các hoạt động bảo vệ chăm

sóc và giáo dục thiếu nhi được đẩy mạnh thu hút nhiều cấp, ngành, đoàn thể và các lực lượng xã hội tham gia.

2- Một số khó khăn, thách thức.

Bên cạnh những thuận lợi chung nói trên, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu nhi cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhìn chung các điều kiện phát triển của thiếu nhi Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn nhiều mặt hạn chế. Bên cạnh những kết quả đạt được Việt Nam theo đánh giá của UNICEF vẫn còn bị tụt hậu trong một số lĩnh vực liên quan chính đến trẻ em. Vẫn còn nhiều trẻ em chưa được tiếp cận đầy đủ với nước sạch và các phương tiện vệ sinh môi trường phù hợp (51,5% dân số chưa được tiếp cận với nước sạch; 74,7% chưa có nhà vệ sinh phù hợp). Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em còn quá cao (25% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng).

Việt Nam hiện có khoảng gần 200 ngàn em tàn tật không người nuôi dưỡng thuộc diện trợ cấp xã hội, khoảng hơn 100 ngàn trẻ em mồ côi không nơi nương tựa tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn (gấp 2 lần so với thành thị). Những vùng có tỷ lệ tập trung trẻ mồ côi không nơi nương tựa cao là Bắc Trung Bộ 43,8%, Đồng bằng sông Cửu Long 20,74%, Trung du, miền núi phía Bắc 3,86%, Duyên hải miền Trung là 3,29% và Tây Nguyên 3,10%. Hiện nay mới tổ chức được 78 cơ sở chăm sóc cho 6.710 trẻ em (chiếm tỷ lệ 26,26%).

Bạo lực với thiếu nhi, trong thiếu nhi đang trở thành một vấn đề được xã hội lưu tâm. Tuy việc tuyên truyền thực hiện Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng gần đây vẫn thấy xuất hiện nhiều trường hợp xâm hại và bạo hành với thiếu nhi, giữa thiếu nhi, cả ngoài xã hội và trong gia đình, nhà trường, các lớp trông trẻ mẫu giáo và nhiều khu vực khác. Tuổi bị xâm hại ngày càng nhỏ, cá biệt có trường hợp bị xâm hại từ lúc 2 hoặc 3 tuổi.

Thiếu nhi nghiện hút và làm trái pháp luật cũng là một điều đáng lo ngại. Năm 2012 cả nước có tới gần 5 ngàn trẻ nghiện ma tuý và 8 ngàn trẻ làm trái pháp luật. Vẫn có nhiều trẻ em phải lao động trong những điều kiện nguy hiểm, độc hại đối với sức khoẻ và tính mạng. Số lượng thiếu nhi sống trong các hộ gia đình nghèo còn khá cao. Cả nước có gần 1 triệu trẻ em sống trong các gia đình nghèo và phần lớn thiếu nhi đặc biệt khó khăn đều không có điều kiện đến trường.

Tai nạn thương tích trẻ em đang trở thành một trong những vấn đề đáng báo động. Những thống kê gần đây cho thấy tai nạn thương tích chiếm tới hơn 70% các trường hợp gây tử vong cho trẻ em, trong đó tai nạn giao thông chiếm hơn 60%.

Do tác động của cơ chế thị trường, sự thay đổi một số giá trị xã hội, lỏng lẻo trong quan hệ và chức năng giáo dục gia đình đã tác động không nhỏ tới trẻ em. Tình trạng trẻ em phạm tội, nghiện hút và thậm chí lây nhiễm HIV/AIDS có chiều hướng gia tăng. Sự phân hoá giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị ngày càng nới rộng đã góp phần tạo ra khoảng chênh lệch về cơ hội học tập, sinh hoạt vui chơi giải trí cũng như các điều kiện phát triển khác của thiếu nhi.

Một bộ phận đáng kể trẻ em học thêm ngay từ độ tuổi còn rất nhỏ, các em chạy đua với những mục tiêu học tập, không còn thời gian dành cho sinh hoạt, học tập, rèn luyện và vui chơi giải trí qua các hoạt động tập thể dẫn đến tình trạng trẻ tự kỷ, trầm cảm, vô cảm có chiều hướng gia tăng. Sự phổ cập công nghệ thông tin đã mang đến cho các em những cơ hội mới với những trò chơi và ứng dụng internet đa dạng, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với trẻ em về việc chơi game, bị tác động bởi các xu hướng bạo lực và các luồng văn hoá không lành mạnh khác.

Một phần của tài liệu TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CHO THANH NIÊN NHIỆM KỲ 2012 - 2017 (Trang 51 - 54)