6. Bố cục
3.1.1. Cảm hứng lịch sử chan hòa trong tình yêu quê hương làng bản
Cảm hứng về lịch sử đất nước là mạch cảm xúc trong nhiều thi phẩm của các nhà thơ dân tộc thiểu số, trong đó có các nhà thơ Tày. Nhiều nhà thơ đã thể hiện rõ thái độ, cảm xúc trước vận mệnh của dân tộc, đất nước, đặc biệt là lớp nhà thơ đầu tiên như Nông Quốc Chấn (Tày), Bàn Tài Đoàn (Dao), Cầm Biêu, Hoàng Nó, Lương Quy Nhân (Thái), Mã Thế Vinh (Nùng), Đinh Sơn (Mường),... trong đó Nông Quốc Chấn, Y Phương, Dương Thuấn có thể coi là ba gương mặt đại diện cho ba thế hệ nhà thơ dân tộc Tày.
Điều đáng quan tâm là cảm hứng lịch sử trong thơ ca Tày dường như đều bắt nguồn từ tình yêu quê hương, làng bản… Những vần thơ nói về đất nước, gắn với lịch sử đất nước đều mang bóng dáng quê hương, làng bản. Những bài thơ phản ánh lịch sử cũng đồng thời là những thông điệp về quê hương vùng cao - nơi những con người chân chất đã sinh ra và gắn bó dường như cả cuộc đời.
Thơ ca dân tộc thiểu số nói chung, thơ ca Tày nói riêng chủ yếu phát triển từ sau cách mạng tháng Tám. Từ 1945 đến nay, có thể chia thơ dân tộc thiểu số thành hai giai đoạn: từ 1945 đến 1975 và từ 1975 đến nay. Cảm hứng về lịch sử được thể hiện rõ hơn ở các sáng tác giai đoạn đầu, khi dân tộc ta tập trung sức người sức của cho hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.
Có nhà nghiên cứu cho rằng: “Từ 1945 đến 1975, thơ dân tộc Tày (cũng như thơ dân tộc thiểu số) hình thành và phát triển trên cái nền của hiện thực nhiều biến
động - đó là cuộc kháng chiến của dân tộc, cùng với đó là sự quan sát học hỏi từ một nền thơ nhiều thành tựu (trong tương quan với thơ của các tác giả miền xuôi). Bởi thế, nó vận động theo lý tưởng thẩm mỹ của thơ miền xuôi, và sự đi sau đi chậm hơn đôi chút là điều hợp lý.” [52, tr. 44] Về cơ bản, chúng tôi thấy đây là một nhận xét có cơ sở. Chính hiện thực cuộc sống chiến đấu anh dũng của dân tộc đã góp phần hình thành và phát triển thơ dân tộc thiểu số nói chung, trong đó có thơ ca Tày. Cảm hứng về lịch sử đương nhiên cũng sẽ là cảm hứng nổi trội trong bộ phận thơ ca giai đoạn này. Sự ảnh hưởng giữa văn học của các dân tộc là sự vận động tất yếu, hợp qui luật. Tuy nhiên, nói thơ dân tộc Tày (cũng như thơ ca dân tộc thiểu số) vận động theo lý tưởng thẩm mỹ của thơ miền xuôi thì đó là một nhận định chưa thật thấu đáo. Thực tế, lịch sử phát triển của thơ ca dân tộc thiểu số còn rất khiêm tốn, mới từ sau cách mạng tháng Tám đến nay. Nhưng con đường đi của văn học dân tộc thiểu số mang tính đặc thù, từ văn học dân gian tiến thẳng lên văn học hiện đại. Thơ ca Tày cũng nằm trong qui luật vận động phát triển ấy. Như vậy, nhiều bình diện về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật trong thơ ca dân tộc thiểu số mang những nét riêng, độc đáo, khó trộn lẫn. Lý tưởng thẩm mỹ nói riêng và thế giới nghệ thuật mang tính thẩm mỹ nói chung của thơ ca dân tộc thiểu số có những chuẩn mực khác biệt. Điều đáng nói là các tác giả người dân tộc thiểu số quan tâm chú ý đến những vấn đề của đất nước dân tộc bằng tình yêu, lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của người dân đất Việt theo cách của người miền núi. Có thể thấy
khá rõ điều này qua một loạt bài thơ của các tác giả Tày tiêu biểu. Bộ đội ông Cụ
(1948), Dọn về làng (1950), Tiếng ca người Việt Bắc (1956), Đảng người mẹ quang
vinh (1959), Tổ Quốc (1965)…, của Nông Quốc Chấn;... Đất nhà trời (1972), Sức
mạnh (1974), Nhật ký chiến tranh (1979), Chiếc ba lô (1981), Bài ca những người
đi chân đất (1984)… của Y Phương; Viết ở Đá Đông, Lính Trường Sa thích đùa
(1996), Lính đảo chờ thư, Anh kể về Hà Nội (1999), Hát với sông Năng (2000)…
của Dương Thuấn là những bài thơ chứa đựng cảm hứng lịch sử, mang hơi thở cuộc sống chiến đấu của dân tộc.
Theo nhà lý luận phê bình văn học Lâm Tiến, “Cách mạng, nhân dân và văn hóa dân gian là ba nguồn mạch cảm hứng nuôi dưỡng thơ các dân tộc thiểu số trong
những năm tháng của cách mạng”[165, tr. 100]. Như vậy, có thể thấy, nhiều mạch
nguồn cảm hứng nuôi dưỡng thơ ca dân tộc thiểu số trong đó có thơ ca Tày. Chúng tôi muốn nói thêm rằng, những mạch nguồn cảm hứng đó hòa quyện với nhau, nhiều lúc khó thể tách rời và trong đó, mạch nguồn văn hóa dân gian có thể coi là cốt lõi, là mảnh đất mầu mỡ đầu tiên ươm mầm, nuôi dưỡng thơ ca dân tộc.
Có thể nói, hiện thực cuộc sống chiến đấu và xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc đã tạo nên cảm hứng lịch sử trong thơ ca nói chung, thơ ca dân tộc thiểu số và thơ ca Tày nói riêng. Viết về hiện thực cuộc sống chiến đấu của đồng bào miền Nam, các nhà thơ dân tộc Tày cũng bước đầu chú ý đến sự gắn kết tình cảm giữa hai miền Nam
Bắc qua một số bài thơ: Việt Bắc - Tây Nguyên, Gửi anh du kích Krông - nô của
Nông Quốc Chấn; Kết tồng ngày nay của Nông Minh Châu; Gửi Tây Nguyên của
Triều Ân... Tuy nhiên, “Cảm hứng chiến đấu của miền Nam không được khai thác nhiều trong thơ dân tộc Tày. Khi các nhà thơ miền xuôi đã rất thành công với mảng
đề tài và cảm hứng này. Mặt quê hương, Nói chuyện với sông Hiền Lương (Tế Hanh),
Sóng vỗ Cửa Tùng (Lưu Trọng Lư), Lá thư Bến Tre (Tố Hữu)...” [52]
Cảm hứng lịch sử là cảm hứng chung của thơ ca dân tộc thiểu số, trong đó có thơ ca Tày. Điểm khác biệt là cảm hứng này luôn chan hòa trong tình yêu quê
hương làng bản và được nói theo cách riêng của những con người miền núi. Khóc
đồng chí, Bộ đội ông cụ, Dọn về làng, Chiến công quê hương chiến công đất nước,
Tiếng nói dấu chân anh… của Nông Quốc Chấn; Thưa mẹ chúng con đã lớn, Tiếng
gọi trong rừng, Phòng tuyến Khau Liêu, Bếp nhà trời, Nhật ký chiến tranh… của Y
Phương; Trước biên ải, Lính Trường Sa thích đùa, Viết ở Đá Đông, Lính đảo chờ
thư, Bữa tiệc cuối cùng… của Dương Thuấn là những bài thơ như thế. Tuy nhiên,
dấu ấn đậm nét hơn cả trong thơ ca dân tộc Tày lại là cảm hứng cội nguồn. Cảm hứng cội nguồn trong thơ ca Tày luôn gắn kết với lòng tự hào, yêu quí, trân trọng những tinh hoa văn hóa dân tộc.