6. Bố cục
2.3. Nhân vật xây dựng theo hình mẫu dân gian
Nhân vật là then chốt của cốt truyện, giữ vị trí trung tâm trong việc thể hiện đề tài, chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Trong văn học, nhân vật gắn liền với nhà văn qua cách thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mỹ. Nhân vật được miêu tả qua các biến cố sự kiện, xung đột mâu thuẫn và mọi chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm. Đó là mâu thuẫn nội tâm nhân vật, mâu thuẫn giữa nhân vật này với nhân vật kia, giữa các tuyến nhân vật. Cho nên, nhân vật luôn gắn với cốt truyện.
Từ những góc độ khác nhau, có thể chia nhân vật văn học thành các kiểu loại dựa vào một số tiêu chí: 1/Dựa vào nội dung, cốt truyện của tác phẩm, nhân vật văn học được chia thành nhân vật chính, nhân vật phụ. 2/ Dựa vào đặc điểm tính cách, lí tưởng thẩm mỹ của nhà văn, nhân vật văn học chia thành nhân vật chính diện, nhân vật phản diện, nhân vật trung gian. 3/ Dựa vào loại hình văn học, ta có nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình, nhân vật kịch. 4/ Dựa vào cấu trúc, hình tượng, nhân vật được chia thành nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng…[29, tr. 235-236]
Trong tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số, chúng tôi nhận thấy, các nhân vật thường được phân thành hai tuyến đối lập nhau (dựa trên đặc điểm, tính cách) và xây dựng theo mô hình nhân vật chức năng (căn cứ vào cấu trúc hình tượng). Tìm hiểu thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của các nhà văn, có thể nhận ra dấu ấn dân gian trong bình diện nghệ thuật độc đáo này.