6. Bố cục
2.3.1. Nhân vật chia hai tuyến đối lập nhau
Miêu tả hiện thực cuộc sống, thể hiện những quan điểm, cách nhìn nhận đánh giá của mình, nhà văn phải thông qua hình tượng nhân vật. Nhân vật như chiếc cầu nối giữa tác phẩm với cuộc sống và cũng là con đường dẫn ta tới cuộc sống chân thực nhất. Có thể thấy trong hầu hết tác phẩm của các nhà văn dân tộc thiểu số, cái nhìn hiện thực về con người luôn ở thế lưỡng cực với hai tuyến thiện - ác. Cái thiện và cái ác đã xuất hiện từ rất lâu trong văn học cổ xưa, đặc biệt trong văn học dân gian và còn là chuyện của muôn đời. Trong kho tàng truyện cổ dân gian, các nhân vật thiện - ác luôn ở thế đối lập nhau. Cái ác dù giả danh cái thiện nhưng cuối cùng cũng lộ diện và bị trừng trị đích đáng. Còn cái thiện dù phải trải qua muôn vàn khổ đau, thử thách nhưng cuối cùng sẽ được đổi đời, được đền bù xứng đáng. Những câu chuyện cổ tích về người con riêng, người em út, người mồ côi, người thần kỳ đội lốt… đều xây dựng những tuyến nhân vật theo khuôn mẫu như thế.
Nhiều nhà văn viết về miền núi như Tô Hoài, Ma Văn Kháng… và các nhà văn dân tộc khác cũng xây dựng nhân vật với hai tuyến thiện ác rõ rệt. Song, đọc tác phẩm của một số nhà văn tiêu biểu người Tày, vấn đề thiện ác dường như được đặt ra một cách có ý thức hơn và biểu hiện của nó cũng có phần dữ dội hơn. Vi Hồng, Cao Duy Sơn là những nhà văn quan tâm nhiều và gây ấn tượng mạnh về vấn đề này.
2.3.1.1. Thế đối lập gay gắt giữa hai tuyến nhân vật trong tiểu thuyết Vi Hồng
Trong tiểu thuyết Vi Hồng, mật độ cái ác dày đặc và biểu hiện của nó lại thường đậm dấu ấn dân gian, dân tộc hơn so với tiểu thuyết của các nhà văn khác. Tác phẩm của ông “thường được xây dựng theo hai tuyến nhân vật (…) va chạm, mâu thuẫn, xung đột lẫn nhau và cuối cùng thường là cái thiện thắng cái ác, cái đẹp thắng cái xấu…”. [165, tr. 41] Điều đó hoàn toàn phù hợp với quan niệm nghệ thuật
của ông: “…hãy yêu thương và biết yêu thương những cái đẹp, nhất là những con người đẹp, cao cả, đồng thời đem hết sức mình ra diệt trừ cái ác, kẻ ác, trừ khử những kẻ phản bội trắng trợn, nguyền rửa những kẻ “béc kha cải”(đại nịnh hót)… Phận sự của các nhà văn miền núi là làm sao giúp cho dân tộc mình canh chừng với cái ác, kẻ ác được ngụy trang dưới muôn hình vạn trạng”. [165, tr. 295]
Đất bằng, tiểu thuyết đầu tay của Vi Hồng đã bộc lộ khá rõ nét nghệ thuật
xây dựng nhân vật theo kiểu phân tuyến. Tuyến nhân vật chính diện (tuyến thiện) là già Xanh, già Viền - những người dân miền núi cả đời chứng kiến bao thăng trầm của thời cuộc, luôn sống lương thiện, hết lòng vì dân bản. Sau họ là lớp người trẻ tuổi như Đáp, Then Kỳ, Nhình, Bền, Kháng… những công dân tiến bộ, tích cực, năng động, dám nghĩ dám làm vì cuộc sống tốt đẹp của dân bản. Họ dám phá rừng Đin Phiêng để lập bản mới, gây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Nhân vật phản diện (tuyến ác) có tảo Mu, Moong khịt, Mạc trọc – những kẻ chỉ biết mưu lợi cho bản thân, lợi dụng sự u muội, ít hiểu biết của người dân để làm điều bất chính.
Trong tiểu thuyết Vào hang, nhân vật cũng được chia thành hai tuyến đối lập
nhau: tuyến nhân vật chính diện (tuyến thiện) gồm On: nhân vật trung tâm, một
thanh niên tốt, có trình độ và sống rất có trách nhiệm. Lạng cũng một người con gái tốt. Cô yêu On và cảm thông cho On vì cả hai đều phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Nọi, Lạ, Thảnh cũng là những người phụ nữ Tày hiền lành, chịu thương, chịu khó, giầu tình yêu thương nhưng cuộc đời lại gặp nhiều bất hạnh. Đặc biệt, Tạp Tạng, một ông già sống lang thang từ bản này qua bản khác, thật thà, tốt bụng, nghĩa khí đã cứu Thảnh và Nọi, Lạ (vợ con của Đoác)…
Đối lập với tuyến nhân vật chính diện là Đoác (chủ nhiệm hợp tác xã Pác Nặm) độc ác, bỉ ổi dùng mọi thủ đoạn kể cả giết người để đạt được mục đích. Oác, (con trai Đoác) nhẫn tâm, độc ác giống bố, hắn đã hại mẹ và chị, sống buông thả: trộm cắp, rượu chè, đĩ bợm… Đồng lõa với hai nhân vật xấu xa ở trên là Tiếm, một kẻ tráo trở chỉ cần tiền và quyền lực, dâng cả người tình của mình cho Đoác. Hay Lanh, kẻ vì tiền mà bán rẻ lương tâm, thân xác cho mọi gã đàn ông...
Tiểu thuyết Đọa đầy, Chồng thật vợ giả là minh chứng tiêu biểu nữa về việc nhà văn thể hiện quan niệm nghệ thuật một cách rõ nét qua hai tuyến nhân vật thiện, ác. Với tư duy và quan niệm dân gian, Vi Hồng cường điệu hóa và có phần phóng đại cái ác, cái xấu trong tác phẩm của mình. Khi xây dựng hai tuyến nhân vật, Vi Hồng luôn có thái độ bênh vực những con người nghèo khổ và chống lại cái ác, tố cáo cái ác.
Có thể thấy, cách xây dựng hai tuyến nhân vật chính diện, phản diện (thiện, ác) đối lập nhau tới mức cực điểm, gay cấn trong tiểu thuyết của Vi Hồng là một trong những ảnh hưởng rất rõ nét từ văn học dân gian. Nhiều tác phẩm của nhà văn vì thế tựa như những câu chuyện dân gian thời hiện đại.
2.3.1.2. Sự “dung hòa” giữa hai tuyến nhân vật trong tiểu thuyết Triều Ân
Nhân vật trong tiểu thuyết Triều Ân cũng bao gồm hai loại tốt và xấu. Đại diện cho những con người có phẩm chất tốt đẹp là Niêm (cô gái lưu lạc làm con nuôi bản Tày), bà Lụa (người phụ nữ Tày giầu tình cảm và lòng thương người), Triển (chàng trai Tày nhân hậu, thủy chung), bà Sủi (người đàn bà Trung Quốc
sống trước sau, tình nghĩa)…trong Nơi ấy biên thùy; là cô giáo Ngọc Lan, là Piao
(người chồng tốt bụng nhưng xấu số của Ngọc Lan), là anh hiệu trưởng, là hội đồng
giáo viên trường, …trong Nắng vàng bản Dao; là Lơ, Dưỡng, Hoàn, Phón…trong
Dặm ngàn rong ruổi.
Điều khác biệt so với Vi Hồng và Cao Duy Sơn là nhân vật của Triều Ân có tốt có xấu nhưng sự đối lập giữa các tuyến nhân vật không thật rõ nét. Có lẽ đặt ra trong những tiểu thuyết này chủ yếu là vấn đề hủ tục, vấn đề tình yêu và những phức tạp, nguy hiểm trong cuộc sống của người dân lao động miền núi. Không có những mâu thuẫn mang tính chất đối kháng gay gắt về quyền lợi và những nhân vật trong tác phẩm cũng không thật góc cạnh nếu xét trên phương diện đối lập với các nhân vật tốt. Có những nhân vật trong tác phẩm của ông chỉ do hiểu lầm mà có những hành động việc làm sai trái, thiếu tình người. Điều đó có lẽ không nên chỉ lý giải bằng vấn đề đề tài, tư tưởng chủ đề của tác phẩm mà có lẽ còn là quan niệm nghệ thuật, là gu thẩm mỹ của từng nhà văn. Nhưng dù thế nào thì thế giới nhân vật của Triều Ân vẫn gây được những xúc cảm trong lòng người đọc.
2.3.1.3. Tuyến nhân vật đối lập mà đa dạng trong tiểu thuyết Cao Duy Sơn
Nhân vật trong tiểu thuyết Cao Duy Sơn chia hai tuyến rõ rệt. Nhân vật trong một số tiểu thuyết của Cao Duy Sơn có hình khối rõ nét, dù là ở tuyến nào.
Đọc Người lang thang, độc giả gặp một thế giới nhân vật phân tuyến rõ rệt.
Một bên là những nhân vật chính diện mà từ ngoại hình đến nội tâm, phẩm chất, tính cách hầu hết đều mang vẻ đẹp khá hoàn thiện. Sự đối lập giữa các tuyến nhân vật đó góp phần làm nổi bật chủ đề tư tưởng tác phẩm, bộc lộ tính cách, phẩm chất nhân vật.
Tuyến nhân vật thiện gồm những nhân vật tốt như lão Nọong, Na Ban, Phung, Diên. Họ là những người có thể xếp liệt vào loại “người trong cổ tích" bởi sự vô tư, trong sáng và hết mình vì những người mà họ thương quí. Lão Tẻn (Nùng Sinh), Ngấn, Nùng Chấn, Mảy Nhung cũng là những nhân vật có thể xếp vào tuyến nhân vật chính diện. Song trong thực tế, những nhân vật này đã ít nhiều thoát ra khỏi sự chi phối của quan niệm nghệ thuật dân gian, đã có sự đa dạng trong tính cách, đã có sự phản kháng, tức là đã có diện mạo của nhân vật trong truyện hiện đại.
Tuyến nhân vật phản diện, nhân vật độc ác trong Người lang thang là Lão
Lâm, Phắn, Sèn Sì, Pìn Sì, Phúng Sòong. Khác với tuyến nhân vật chính diện, những nhân vật phản diện này dường như chưa thoát khỏi sự chi phối của quan niệm nghệ thuật dân gian. Chúng là trung tâm của sự độc ác. Phắn - gã đàn ông thô lỗ, thủ đoạn đã tàn nhẫn vứt bỏ cả “núm ruột”của mình để chạy cho nhàn thân, rồi còn hành hạ Diên, người đàn bà cùng chung chăn gối và bố đẻ hắn khi lão bị mắc bệnh đãng trí, ngẩn ngơ…
Có thể nói, thế giới nhân vật trong Người lang thang có đường phân tuyến
rõ. Hai tuyến nhân vật ấy nhìn đại thể đối lập nhau về cả ngoại hình lẫn nội tâm, tính cách. Một bên là nhân vật thiện đẹp người, tốt nết (trừ lão Nọong có hình dạng còi cọc, thấp bé). Những nhân vật còn lại trong tuyến này đều là những hình mẫu của nhân vật trong truyện cổ hay ít ra cũng được xây dựng nên từ nguyên mẫu các cô thôn nữ trên miền sơn cước. Một bên là nhân vật ác - những kẻ mang bản chất xấu xa, nhơ bẩn không thể gột rửa.
Trong tiểu thuyết được đánh giá là có tính thời sự, có chất lượng nghệ thuật
cao là Đàn trời, đường ranh giới phân tuyến nhân vật cũng được nhà văn vạch rõ.
Một vài lần, nhà văn cũng đã bày tỏ quan điểm về vấn đề thiện, ác. Trong lời dẫn
truyện tác phẩm Người lang thang, vấn đề cái ác đang tồn tại đâu đó, làm sao diệt
trừ được cái ác đã được tác phẩm đặt ra như là lời cảnh báo… Phải chăng, chính hiện thực cuộc sống còn nhiều khúc mắc của đồng bào miền núi và quan niệm nghệ thuật của nhà văn đã chi phối cách xây dựng và phân tuyến nhân vật trong tác phẩm
của ông. Nhân vật trong tác phẩm Đàn trời của Cao Duy Sơn chủ yếu cũng được
chia thành hai tuyến: chính diện và phản diện.
Mật độ cái ác trong Đàn trời dù xuất hiện thưa thớt hơn Người lang thang,
(chỉ có chủ tịch Đinh Xuân Ấn, Lương Nhân và vài ba kẻ đâm thuê chém mướn) nhưng sức “công phá” của nó thì không thể lường hết được. Tuyến nhân vật phản diện mà nhà văn xây dựng vẫn đồng hành cùng tuyến nhân vật chính diện, làm nên thế đối lập như nước với lửa, mang dấu ấn văn học dân gian, góp phần quan trọng làm nổi bật chủ đề tư tưởng tác phẩm,