Vài nét về tộc người Tày, văn hóa xã hội Tày

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày hiện đại (Trang 34 - 38)

6. Bố cục

1.3.1. Vài nét về tộc người Tày, văn hóa xã hội Tày

Đối với mỗi quốc gia dân tộc, vấn đề tộc người (ethnic) và mối quan hệ giữa các tộc người trong sự phát triển chung của cả dân tộc có tầm quan trọng đặc biệt. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, việc nhận thức về vấn đề tộc người lại càng cần lưu tâm. Khi tìm hiểu khái niệm tộc người, các nhà nghiên cứu thường coi yếu tố văn hóa như là dấu hiệu nhận diện quan trọng về tộc người và thống nhất nhấn mạnh ba tiêu chí căn bản xác định tộc người, đó là: ngôn ngữ, văn hoá và ý thức tự giác tộc người. Văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hình thành và phát triển các cộng đồng tộc người. Như vậy, văn hóa được hình thành cùng với quá trình hình thành tộc người nên có thể coi văn hóa chính là văn hóa tộc người. Theo các nhà nghiên cứu, trong văn hoá tộc người, các yếu tố đầu tiên được nhận diện là ngôn ngữ, trang phục, các tín ngưỡng và nghi lễ, vốn văn học dân gian, tri thức dân gian về tự nhiên xã hội, về bản thân con người và tri thức sản xuất, khẩu vị ăn uống, tâm lý dân tộc… Điều đó có nghĩa, diện mạo chính của văn hóa tộc người là văn hóa dân gian, trong đó văn học dân gian là một trong những yếu tố cốt lõi. Tìm hiểu về tộc người và văn hóa của họ sẽ giúp nhận diện dấu ấn văn hóa, văn học dân gian trong các sáng tạo văn chương của họ.

Trong đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam, tộc người Tày là cư dân bản địa và lâu đời ở nước ta. Họ phân bố rộng từ biên giới phía Bắc của các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai xuống vùng trung du; từ biên giới phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng qua huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái và huyện Đà Bắc tỉnh Hoà Bình. Tộc người Tày có mặt ở hầu hết các tỉnh từ Bắc đến Nam nhưng tập trung nhất vẫn ở các tỉnh miền núi phía Bắc (từ Yên Bái đến Quảng Ninh) gọi chung là Việt Bắc. Đặc điểm nổi bật nhất của địa hình Việt Bắc là có kiến trúc dạng cánh cung, xen giữa các cánh cung là những dải trũng rộng và các dòng sông Chảy, Lô, Kỳ Cùng và Bằng Giang. Tại đây, các dòng sông đều mở rộng lòng với các bãi bồi, thềm đất xếp thành dãy song song với lòng sông và có khả năng khai thác nông nghiệp. Nằm ở vị trí địa đầu Đông Bắc của đất nước lại có địa hình dạng cánh cung nên Việt Bắc là nơi tiếp nhận sớm nhất và chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất của gió mùa Đông Bắc ở nước ta. Đất phù sa phân bố dọc các thung lũng sông, các bồn địa giữa núi hoặc các vạt nhỏ ven chân núi. Đất dày tầng, thuận lợi cho việc canh tác lúa nước và thuỷ lợi. Giới thực vật và thảm thực vật phong phú với rừng kín lá rộng lá kim. Giới động vật nhiều chủng loại: báo gấm, hổ, báo sao, gấu ngựa, lợn rừng, hươu, nai, chim chóc… [78]

Môi trường tự nhiên đã tạo cho dân cư Tày nhiều khả năng kinh tế to lớn và toàn diện. Điều đó đã thúc đẩy một nền nông nghiệp đa dạng, đa canh tác, có năng suất cao ổn định, hệ thống sông có nhiều bãi bồi, thềm đất cung cấp nước tưới thuận lợi cho việc phát triển cây lúa. Thiên nhiên đó là nơi nuôi sống con người, đồng thời cũng là nơi khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tác những bài dân ca, những câu chuyện cổ, những trang truyện thơ của đồng bào từ thuở xa xưa. Nó lại sẽ trở thành cội nguồn nuôi dưỡng những sáng tác văn học của các nhà văn, nhà thơ Tày trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, môi trường tự nhiên cũng gây ra không ít khó khăn cho sản xuất và đời sống của cư dân Tày. Phải chăng những hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian ra đời và tồn tại cũng là để đáp ứng nhu cầu giải toả những khát vọng tinh thần của họ.

Cùng với người Việt, người Mường, người Nùng, người Thái…, người Tày đã có quá trình gắn bó lâu dài, chặt chẽ với tiến trình dựng nước và giữ nước của

dân tộc. Sinh sống bên cạnh người Nùng và các dân tộc khác, người Tày luôn có ý thức cộng đồng, quan hệ gắn bó hoà hợp cả về đời sống vật chất và tinh thần. Người Tày sống tập trung thành từng "Pò bản". Các "tế bào" trong Pò bản là những gia đình người Tày (có khi là cả người Nùng). Nhiều gia đình rất đông, có tới 4 - 5 thế hệ (cụ kị, ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt) song sống phổ biến là 2 - 3 thế hệ trong cùng một mái nhà. Điều quan trọng là chính kiểu sống chung nhiều thế hệ đó đã tạo điều kiện cho văn hóa, văn học dân gian có cơ hội lưu truyền và phát triển. Hầu hết các gia đình người Tày đều được xây dựng theo thể chế và tục lệ hôn nhân một vợ một chồng, mang tính phụ hệ. Trong gia đình, vai trò người đàn ông được khẳng định và được tôn trọng hơn so với đàn bà. Hai chữ "Phua - Mìa" và "Pò - Mẻ" (có nghĩa là chồng vợ và cha mẹ) tồn tại từ nhiều đời nay trong kho từ vựng cơ bản của người Tày, là dấu ấn rõ nét về hiện tượng trên trong các gia đình Tày. Theo các nhà nghiên cứu "Đây không phải là trật tự hình thức của từ, mà ẩn dấu bên trong một ý nghĩa xã hội âm vang một thời xác nhận vai trò người chồng - người cha trong gia đình người Tày, người Nùng." [78]. Nếu so sánh với người Kinh thì cách gọi "vợ - chồng", "mẹ - cha" lại gợi nhớ về mối quan hệ mang tính chất mẫu hệ. Một biểu hiện nữa của tính chất phụ hệ trong các gia đình của tộc người Tày là cách đặt tên và lấy họ cho con. Người Tày (Nùng) cũng giống như người Kinh ở chỗ con sinh ra đều lấy theo dòng họ và dân tộc của cha. Trong các truyện dân gian cũng như truyện hiện đại và thơ Tày, dấu ấn đó còn khá rõ nét.

Người Tày có nền văn hoá đa dạng và phát triển khá sớm. Cả văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần đều có những nét độc đáo riêng. Trong khuôn khổ đề tài, chúng tôi chủ yếu quan tâm đến ngôn ngữ chữ viết và một số hình thức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian của người Tày. Người Tày giao tiếp chủ yếu bằng ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Tày - Thái. Đây là nhóm ngôn ngữ rất gần với tiếng Việt về hệ thống ngữ pháp và thanh âm. Tuy nhiên, chỉ những từ ngữ về thiên nhiên, về sự vật hiện tượng trong sinh hoạt giao tiếp mới là của người Tày, số còn lại thường vay mượn của tiếng Việt, tiếng Hán hoặc từ Hán Việt. Về chữ viết: do không có chữ viết nên lịch sử thành văn của dân tộc Tày rất ít ỏi và gần như không có. Có thể chia

lịch sử chữ viết của tộc người Tày ra thành 3 giai đoạn: giai đoạn cổ đại không có chữ viết, giai đoạn trung đại có chữ Nôm Tày, giai đoạn hiện đại vừa dùng chữ Nôm vừa dùng chữ Latinh. Ở những vùng dân cư Tày tập trung cư trú, việc sử dụng song ngữ và chữ viết Tày - Việt đã trở thành nét đặc thù phổ biến trong đời sống

ngôn ngữ. Trong cuốn Một vườn hoa nhiều hương sắc, nhà thơ Tày - Nông Quốc

Chấn đã viết: Chữ Tày có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng phát triển nền văn hoá nghệ thuật xã hội chủ nghĩa ở nước ta... Người Tày có bề dày văn hóa truyền thống. Văn hóa ăn, mặc, ở và một số hình thức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian của người Tày rất đa dạng và giầu bản sắc.

Tộc người Tày là một trong những cư dân bản địa lâu đời nhất ở nước ta. Song nguồn gốc của tộc người này cũng nằm trong quy luật phức tạp về nguồn gốc

lịch sử như của những tộc người khác. Trong cuốn Văn hoá truyền thống các dân

tộc Tày - Nùng , các tác giả viết: Về phương diện cội nguồn lịch sử, người Tày,

người Nùng vốn thuộc chung một nhóm Âu Việt, trong khối Bách Việt mà địa bàn cư trú là miền Bắc Việt Nam và miền Hoa Nam Trung Quốc. Người Tày là cư dân thuộc khối Bách Việt đó, chịu những ảnh hưởng khá rõ về ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn học, nghệ thuật…[115]

Là cư dân sinh sống lâu đời trên dải đất Việt Nam, người Tày cùng với dân tộc Kinh và nhiều dân tộc thiểu số anh em khác, đã có những đóng góp quan trọng với vai trò là chủ nhân trong quá trình dựng nước và giữ nước. Trong suốt tiến trình lịch sử, người Tày đã cần cần cù xây dựng địa bàn sinh tụ, tích cực lao động và đấu tranh với đói nghèo lạc hậu, với giai cấp thống trị, với giặc ngoại xâm. Có thể thấy, ở từng giai đoạn lịch sử, những đóng góp của tộc người Tày đều được ghi nhận.

Có thể nói, người Tày đóng vai trò quan trọng trong quá trình dựng nước, giữ nước và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Người Tày còn là tộc người sống có bản lĩnh, cần cù chịu khó, giầu tình nghĩa…Tìm hiểu về tộc người Tày trong tiến trình lịch sử, chúng ta có thể lí giải được phần nào ý thức vươn lên trong cuộc sống, tinh thần đấu tranh xã hội, lòng nhân nghĩa, tình yêu thương con người tha thiết …thể hiện trong văn học Tày.

Không thể phủ nhận vai trò của nguồn cội văn hóa đối với sáng tác của các nhà văn, nhà thơ dân tộc Tày khi tìm hiểu thế giới nghệ thuật đậm mầu sắc dân gian của họ.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày hiện đại (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)