Khắc họa chân dung những anh hùng dân tộc

Một phần của tài liệu Tinh thần dân tộc trong tập thơ hồng đức quốc âm thi tập (Trang 54 - 59)

6. Bố cục của khóa luận

2.2.3.Khắc họa chân dung những anh hùng dân tộc

Đặt trong tiến trình phát triển chung của thơ Nôm Đường luật, thơ vịnh đề về lịch sử không phải là hệ thống đề tài, chủ đề lớn mang tính phổ biến. Trước Hồng Đức quốc âm thi tập đã có nhiều bài thơ vịnh sử, song đó chủ yếu là thơ vịnh các nhân vật lịch sử Trung Quốc và được viết bằng chữ Hán. Đề tài, chủ đề vịnh sử Nôm chỉ thực sự được khai mở từ Hồng Đức quốc âm thi tập và chủ yếu được lặp lại ở thơ Nôm Bà Huyện Thanh Quan, các nhà thơ Nôm khác ít viết về đề tài chủ đề lịch sử. Vì thế có thể khẳng định Hồng Đức quốc âm thi tập ra đời đã đánh dấu bước phát triển mới cho thơ vịnh sử Nôm.

“Do thái độ tôn sùng cổ nhân và mục đích giáo hóa của văn chương, văn học mới có thể tài vịnh sử. Thể tài ấy mới thấy ít bài chữ Hán vịnh các nhân vật Bắc sử thời Trần. Đến Lê Thánh Tông, thơ vịnh sử trải qua bước phát triển mới...Có ý nghĩa hơn cả là những bài vịnh sử Nôm, tuy chỉ vài chục bài, lại vịnh Bắc sử khá nhiều, nhưng những bài vịnh Nam sử bằng chữ Nôm của Lê Thánh Tông và các tác gia thời Hồng Đức đến nay vẫn là cổ kính nhất.” [15, tr. 326, 327].

Hệ thống đề tài, chủ đề vịnh sử trong Hồng Đức quốc âm thi tập bao gồm ba tiểu loại: vịnh nhân vật lịch sử, vịnh truyền thuyết lịch sử và vịnh những địa danh lịch sử. Trong đó, số lượng nhiều nhất là vịnh các nhân vật lịch sử ( 32/58 bài thơ vịnh sử, chiếm 53%). Khi viết về các nhân vật lịch sử, các tác giả thời Hồng Đức đã dành khá nhiều bài cho các nhân vật lịch sử Trung Quốc (24 bài), chỉ có một số ít là dành cho các nhân vật lịch sử Việt Nam (8 bài).

Nếu như các bài thơ vịnh nhân vật lịch sử Trung Quốc thể hiện khá rõ tính khuôn mẫu, điển phạm của văn chương nhà Nho (sùng bái cổ nhân gắn

với mục đích triết lí giáo huấn), thì các bài thơ vịnh nhân vật lịch sử nước nhà của Lê Thánh Tông và các văn nhân thời Hồng Đức là một đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển của nước nhà, đem đến cho Đường luật Nôm một cảm hứng mới mẻ. Vịnh các nhân vật lịch sử Việt Nam, các tác giả Hồng Đức quốc âm thi tập chú ý khai thác vẻ đẹp truyền thống: Đề cao những anh hùng vệ quốc và danh nhân văn hóa quốc gia. Đặc biệt, vịnh các nhân vật lịch sử Việt Nam, các tác giả tỏ ý thức về sự gắn bó chặt chẽ giữa họ với đất nước, nhân dân, dân tộc và “khác với những bài thơ vịnh nhân vật lịch sử Trung Quốc, khi vịnh các nhân vật lịch sử Việt Nam, nhìn chung các tác giả hầu như không mang tư tưởng Nho giáo khoác lên người họ. Cảm hứng về đất nước, về dân tộc là cảm hứng chủ đạo tạo nên vẻ đẹp của các nhân vật lịch sử Việt Nam trong Hồng Đức quốc âm thi tập.” [13, tr. 104].

Trong các bài thơ vịnh về nhân vật lịch sử Việt Nam, cảm hứng thơ thường bắt đầu từ những sự việc có thật đề gợi “chuyện” và “chuyện” được hiện lên có nhân vật, có cảnh huống, có chi tiết và có cả sự bình phẩm, đánh giá của nhà thơ, chẳng hạn:

Tinh anh dấu được khí kiền khôn, Thiên tướng vang lừng tám cõi đồn. Nghe tiếng Hùng Vương bèn nảy việc, Mảng danh nghịch tặc đã kinh hồn. Vợt vàng ngựa sắt hằng di để,

Làng Gióng non Trâu miếu hãy còn. Tự điển trời Nam ngôi đệ nhất, Âm phò quốc thế vững bằng non.

(Xung Thiên thần vương)

Bài thơ như một câu chuyện khá đầy đủ và súc tích về Thánh Gióng: xuất thân khác thường như là sự kết tinh của khí thiêng trời đất – dấu hiệu của

một thiên tướng nên tiếng đồn vang tám cõi. Việc làm đầu tiên của Gióng là hưởng ứng lời hiệu triệu cứu nước của Hùng Vương. Nghe danh Gióng, giặc đã kinh hồn khiếp vía. Có “vợt vàng”, “ngựa sắt” để lên đường theo yêu cầu của Gióng. Có “làng Gióng”, “non Trâu”, miếu thờ khi Gióng về trời. Tên Gióng được ghi ở trang đầu “tự điển nước Nam” và đời đời phù hộ cho đất nước được thái bình vững chắc...

Ở một bài thơ khác thành viên hội Tao Đàn lại ca ngợi Lí Ông Trọng – một người anh hùng dân tộc:

Tầm cả tầm cao chỉn xuất quần, Khí thiêng quan nhạc dấu mười phần. Phò nam, dẹp bắc tài văn võ,

Chắn nước, dời non sức quỷ thần. Vòi vọi Thụy hương từ đã đặng, Nhơn nhơn Tư Mã tiếng còn dăn. Chàng Cao, gã Triệu chiêm bao rõ, Càng sợ An Nam có thánh nhân.

(Lí Ông Trọng)

Tương truyền Lí Ông Trọng là người huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ. Thân cao hai trượng, ba thước, sức vóc vạm vỡ, đĩnh đạc. Ông từng được Tần Thủy Hoàng trao cho chức Tư lệ hiệu úy và sau khi ông mất còn cho đúc tượng đồng để thờ. Đền thờ Lí Ông Trọng rất thiêng, khi Cao Biền mang quân đi đánh Nam triều, ông đã hiển linh giúp sức. Điều đó đã khiến cho bọn giặc ngoại xâm phải sợ hãi khi có ý định xâm lược nước ta.

Không chỉ viết về những trang nam tử hán đại trượng phu, các tác giả của Hồng Đức quốc âm thi tập còn viết cả về những nữ trung hào kiệt như bà Trưng, bà Triệu...Đây là những vần thơ viết về bà Trưng:

Trợ dân dẹp loạn, trả thù mình, Chị nhủ cùng em cất nghĩa binh.

Tô Định bay hồn vang một trận, Lĩnh Nam mở cõi vững trăm thành.

(Trưng Vương)

Khi nước ta bị phương Bắc đô hộ, tên thái thú Tô Định tham tàn đã giết Thi Sách - chồng của Trưng Trắc. Bà căm hận, đã cùng em gái chiêu mộ quân sĩ đánh phá quận Giao Chỉ. Tô Định phải “bay hồn” chạy về Nam Hải. Vì công lao to lớn ấy mà sau này nhân dân đã xây đền thờ Trưng Trắc và tôn là “nữ trung đệ nhất đấng tài danh”.

Là một trong những người phụ nữ anh hùng của dân tộc, bà Triệu có ngoại hình vô cùng đặc biệt:

Cao một trượng, cả mười vầng, Bỏ tóc ngang lưng, vú chấm sừng.

Và tính cách của Bà cũng không kém phần đặc biệt:

Họp chúng rừng xanh oai náo nức, Cưỡi đầu voi trắng tiếng vang lừng. Mác dài trỏ vẫy tan đàn giặc, Ngòi cả lăm le học họ Trưng.

(Triệu Ẩu)

Tương truyền rằng bà Triệu thường cưỡi voi trắng cầm quân đánh nhau với giặc Ngô. Tay cầm mác, bà đánh trận nào thắng trận ấy, trong vòng sáu tháng đã thắng hơn bảy mươi trận. Chiến công ấy được người đời đem so sánh với chiến thắng của Hai Bà Trưng thuở nào...

Thơ vịnh Nam sử của các tác giả Hồng Đức không chỉ có hình ảnh của các nhân vật lịch sử trong quá khứ mà còn có cả những nhân vật cùng thời với họ như Lương Thế Vinh, Nguyên Trực…

Lương Thế Vinh vốn là người thông minh, đỗ trạng nguyên từ năm hai mươi ba tuổi, từng làm quan đến Hàn lâm viện thừa chỉ, biên soạn nhiều sách

giáo khoa về đạo Phật và quyển Toán pháp đại thành…Vì thế khi ông mất đi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn:

Khuất ngón tay than tài cái thế, Lấy ai làm trạng nước Nam ta! (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

(Điếu cao hương Lương trạng nguyên)

Khác với Lương Thế Vinh, Nguyễn Trực sinh ra trong một gia đình đời đời theo nghiệp Nho. Ông đỗ trạng nguyên khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Bảo Đại thứ ba và sau này, khi đi sứ Trung Quốc, gặp nhà Minh mở khoa thi, ông xin thi và đỗ cao. Tài năng ấy đã được ca ngợi:

Đời đời nho tông phát ấp bang, Trong đạo đức, có từ chương. Nối dòng thi lễ nhà truyền báu,

Tranh giải khôi nguyên bảng chói vàng. Nam bắc hai triều danh dậy,

Phong lưu một cửa họ sang.

(Điếu nghĩa – bang trạng nguyên)

Như đã nói ở trên, khi vịnh các nhân vật lịch sử Việt Nam, các tác giả

Hồng Đức quốc âm thi tập hướng tới khai thác hai nét đẹp truyền thống dân tộc: đề cao gương những anh hùng vệ quốc và danh nhân văn hóa quốc gia. Đặc biệt, vịnh nhân vật Nam sử, các tác giả Hồng Đức có ý thức về sự gắn bó chặt chẽ giữa họ với đất nước, nhân dân, dân tộc. Vì thế các nhà nghiên cứu đã khẳng định: “Lê Thánh Tông là một nhà thơ giàu sáng tạo trong một giai đoạn khai sáng thơ Nôm Đường luật. Ông là tác giả vịnh sử Nôm đầu tiên viết về các nhân vật lịch sử nước nhà…mở đường cho sự xuất hiện một lối thơ rất độc đáo, rất phong phú và rất giàu bản ngã Lê Thánh Tông, bản ngã Đại Việt…tạo nguồn mạch cho thơ vịnh sử Nôm hình thành và phát triển.” [13, tr 105].

Tóm lại, Hồng Đức quốc âm thi tập là tập thơ trữ tình, một tình thơ đa dạng vừa mang âm hưởng Đường thi, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Âm hưởng chung trong tập thơ là ngợi ca, khẳng định: ngợi ca thiên nhiên phong vật, ngợi ca truyền thống văn hiến, truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, qua đó vừa thể hiện niềm tự hào và ý thức tự cường, tự tôn dân tộc. Mặt khác, tập thơ còn là khúc ca về một thời đại phong kiến thanh bình thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Một phần của tài liệu Tinh thần dân tộc trong tập thơ hồng đức quốc âm thi tập (Trang 54 - 59)