Quan niệm về tinh thần dân tộc trong thơ ca trung đại Việt Nam

Một phần của tài liệu Tinh thần dân tộc trong tập thơ hồng đức quốc âm thi tập (Trang 33 - 36)

6. Bố cục của khóa luận

2.1.2.Quan niệm về tinh thần dân tộc trong thơ ca trung đại Việt Nam

Văn học Việt Nam đã hình thành và phát triển cùng với quá trình hình thành và phát triển của dân tộc. Nhân dân ta từ lâu đã có ý thức về khối cộng đồng của người Việt. Truyền thuyết một bọc trăm trứng phản ánh sự gắn bó ruột thịt giữa các bộ lạc người Lạc Việt và quá trình hình thành nước Văn Lang, nước Âu Lạc xưa. Các bộ lạc vốn đã rất gần gũi nhau từ thời nguyên thủy xa xăm, đã cùng nhau phấn đấu xây dựng và bảo vệ quê hương chung, đã giao phối huyết thống, giao phối văn hóa mà coi nhau là đồng bào. Đó là gốc rễ xa xưa của tinh thần dân tộc.

Đến thời trung đại, tinh thần dân tộc thể hiện trong văn học, mà đặc biệt là trong thơ ca càng rõ hơn bao giờ hết.

Từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XV, dưới các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lí, Trần…văn học Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc. Có thể nói rằng, văn học viết thời kì này đã phản ánh những vấn đề trọng đại cả đất nước và tham gia giải quyết những vấn đề ấy. Các tác phẩm văn học đã đề cao ý thức tự lập tự cường, bồi dưỡng phẩm giá con người. Đồng thời văn học thời kì này còn thể hiện rõ những truyền thống của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng và chủ nghĩa nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Đây là niềm tin tưởng ở vận mệnh đất nước của một vị thiền sư:

Quốc tộ như đằng lạc, Nam thiên lí thái bình. Vô vi cư điện các, Xứ xứ tức đao binh. (Phúc nước dài dằng dặc,

Cõi trời Nam dựng cảnh thái bình. Ở nơi điện các không phải làm gì, Mà khắp chốn dứt nạn binh đao.)

(Quốc tộ, thiền sư Pháp Thuận)

Còn đây là là những vần thơ biểu lộ được khí phách hào hùng của dân tộc trong những ngày chống quân xâm lược Nguyên Mông:

Chương Dương cướp giáo giặc, Hàm Tử bắt quân thù.

Thái bình nên gắng sức, Non nước ấy ngàn thu.

(Tụng giá hoàn kinh sư, Trần Quang Khải) Bước vào nửa cuối thế kỉ XV, trong điều kiện trật tự phong kiến đã ổn định, nền văn học có tính chất chính thống đã phát triển. Lực lượng sáng tác văn học thời kì này chủ yếu gồm những nhà Nho đã ra làm quan và trước hết

là đám triều thần được Lê Thánh Tông khuyến khích. Lực lượng sáng tác văn học chịu sự chỉ đạo chặt chẽ của nhà vua, tác phẩm văn học phát biểu tư tưởng chính thống của triều đình. Chính vì thế tinh thần dân tộc trong thơ ca thời kì này được thể hiện chủ yếu ở ý thức tự lập, tự cường của giai cấp phong kiến trong buổi thịnh thời của nó.

Chuyển sang thế kỉ XVI, tinh thần dân tộc trong thơ ca đã nhanh chóng chuyển từ âm hưởng ca tụng sang âm hưởng tố cáo. Có sinh khí dồi dào là những tác phẩm trực tiếp hoặc gián tiếp chống đối các tập đoàn phong kiến hoặc mang nội dung phê phán những tệ lậu, hủ bại của các triều đại phong kiến. Chủ đề yêu nước vẫn là chủ đề lớn. Nhưng trong lúc đất nước không có ngoại xâm thì lòng yêu nước thường thể hiện ở việc ra sức xây dựng bản lĩnh dân tộc. Và trước những khó khăn của thời cuộc, con người lại hay tìm trong quá khứ ánh hào quang của lịch sử để soi đường cho hiện tại và tương lai. Cho nên chủ đề yêu nước thời kì này thường mang khí vị hoài cổ và đề tài lịch sử trở nên quen thuộc. Việc phê phán những tệ lậu của xã hội và việc bảo vệ quyền sống của con người lại đặc biệt có cả tính chất thời sự.

Thế kỉ XVIII là một thời đại rung chuyển dữ dội, thời đại đấu tranh quyết liệt của nhân dân chống ách áp bức bóc lột của giai cấp phong kiến thống trị, là thời đại dọc ngang trời đất của vị anh hùng dân tộc Quang Trung, của chiến thắng Đống Đa kinh thiên động địa. Trên cơ sở của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc sôi sục đó, tinh thần dân tộc trong văn học thời kì này được thể hiện hết sức phức tạp.

Có những nhà thơ, nhà văn lấy việc ca ngợi triều đại, ơn vua làm đề tài chính cho những sáng tác của mình. Chẳng hạn như Trần Sĩ Khải đã viết:

Khắp trong triều, biểu dâng chính đán, Chúc tuổi vua vạn vạn niên xuân. Tung hô ba tiếng kêu ran,

Áo xiêm Nghiêu Thuấn, đai cân Cao Qùy.

Nhưng đồng thời lại có những tác giả đi sâu miêu tả hiện thực cuộc sống của nhân dân lao động, qua đó bày tỏ thái độ với chế độ phong kiến thối nát đương thời. Những tác phẩm này đều chứa chan tinh thần nhân đạo cao cả. Tinh thần này đã chi phối đến văn học trong suốt một thời gian dài sau đó. Đây là những vần thơ như thế:

Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Như vậy có thể thấy tinh thần dân tộc trong thơ ca trung đại Việt Nam đã có sự thay đổi qua từng thời kì lịch sử. Song nhìn một cách tổng quát thì tinh thần đó được thể hiện rõ qua hai chủ đề lớn là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo.

2.2. Tinh thần dân tộc trong Hồng Đức quốc âm thi tập

Như đã nói ở trên, thế kỉ XV được coi là thời đại hoàng kim của văn học chữ Nôm mà Hồng Đức quốc âm thi tập là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất. Cũng giống như các tác phẩm văn học thời kì này, Hồng Đức quốc âm thi tập thể hiện một cách rõ nét tinh thần dân tộc của con người Đại Việt. Đó là sự ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, ngợi ca cuộc sống thanh bình của dân tộc và khắc họa chân dung những anh hùng dân tộc. Đúng như Lã Nhâm Thìn đã nhận xét: “So với Quốc âm thi tập, hiện thực xã hội, đất nước, con người trong Hồng Đức quốc âm thi tập phong phú và đa dạng hơn. Tác phẩm đề cập tới nhiều mặt của cuộc sống xã hội, chủ yếu là cuộc sống nông thôn như cảnh sinh hoạt, cảnh lao động với những công việc đồng áng, sông nước...” [13, tr.107, 108].

Một phần của tài liệu Tinh thần dân tộc trong tập thơ hồng đức quốc âm thi tập (Trang 33 - 36)