6. Bố cục của khóa luận
2.1.1. Quan niệm về tinh thần dân tộc
Tính dân tộc của văn nghệ là tổng hòa mọi đặc điểm độc đáo chung cho các sáng tác của một dân tộc và phân biệt với sáng tác của các dân tộc khác. Nhưng tính dân tộc của văn nghệ không chỉ biểu hiện ở vật chất, đường nét, màu sắc có thể nắm bắt được. Nhà văn Nga Gôgôn đã nói rất chí lí: “Tính dân tộc chân chính không ở chỗ miêu tả cái áo xaraphan mà ở ngay trong tinh thần dân tộc. Nhà thơ vẫn có thể là nhà thơ dân tộc ngay cả khi ông ta miêu tả một thế giới hoàn toàn khác lạ, nhưng nhìn bằng con mắt của dân tộc mình, nhân dân mình, cảm thấy và phát biểu theo lối mà đồng bào ông đang cảm thấy và phát biểu”. Như vậy, nội dung cơ bản của tính dân tộc là ở tinh thần dân tộc.
Nhìn chung, tinh thần dân tộc thể hiện ở tính cách dân tộc và cái nhìn dân tộc đối với cuộc đời.
Tính cách dân tộc là những nét phẩm chất lặp đi lặp lại tạo thành bộ mặt tinh thần của dân tộc. Chẳng hạn con người Việt Nam có truyền thống thương người quên mình. Truyền thống ấy có thể đã hình thành từ thời thần thoại Lạc Long Quân, được truyền tụng trong ca dao và được thể hiện trong nhiều hình tượng ưu tú của dân tộc. Tính cách ấy kết tinh rực rỡ trong hình ảnh Bác Hồ xuất hiện nhiều trong thơ Tố Hữu, trong thơ Thanh Hải, Minh Huệ…, nhưng lòng thương người là nét trở đi trở lại được Tố Hữu khắc họa thành một cái gì mênh mang:
Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa.
Phải chăng tính cách ấy cũng đã được thể hiện trong Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, và cả trong Hồng Đức quốc âm thi tập?
Tinh thần dân tộc còn thể hiện ở cái nhìn dân tộc đối với thế giới, không gian, thời gian, con người. Khi sống ở một nước nông nghiệp nhiệt đới, Nguyễn Du suy nghĩ về cuộc đời qua sự sống của cây, của lá, của hoa. Ông nói về nỗi đau của người chết trẻ “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”; tính toán về sự hi sinh “Thà rằng liều một thân con / Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây”; khi cám cảnh xa nhà “Thiếp như hoa đã lìa cành”…Cái nhìn dân tộc vừa phát hiện những nét độc đáo của cuộc sống dân tộc, lại vừa bộc lộ những tình cảm sâu đậm đặc biệt. Do đó tinh thần dân tộc đã trở thành yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến sự sống còn của các tác phẩm văn học, đặc biệt là văn học trung đại Việt Nam.